Thời sự

Không điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân 46 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhồi máu cơ tim cấp không chừa người trẻ, đang gia tăng nhanh trong giới trẻ vì sự chủ quan với sức khỏe, bị cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, gút... nhưng không điều trị.

Các bác sĩ Khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa can thiệp đặt stent thành công cho nam bệnh nhân Đ.K bị nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói là bệnh nhân này còn khá trẻ 46 tuổi mới phát hiện tăng huyết áp và dùng thuốc huyết áp được 1 tuần.

Bệnh nhân cho biết có tiền sử Gút, rối loạn lipid máu nhưng không điều trị. Tình trạng đau ngực đã xuất hiện 6 giờ trước khi đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương

Người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương

Kết quả điện tim có hình ảnh ST chênh lên ở DII,DIII,AVF,V5-V6. Bệnh viện được chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên giờ thứ 6. Chỉ định chụp mạch vành nhanh chóng được hội chẩn và tiến hành ngay sau đó.

Kết quả chụp mạch vành cho thấy, hình ảnh huyết khối gây tắc hoàn toàn LCx(d), các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hút huyết khối và thuận lợi đặt 01 stent 3.5x28mm vào vị trí LCx(d).

Triệu chứng đau ngực của bệnh nhân thuyên giảm ngay sau khi được can thiệp. Hiện tại bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại Khoa Tim mạch - Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Bác sĩ Piter, Trưởng khoa Tim mạch cho biết, trường hợp của bệnh nhân K. là một bài học lâm sàng đáng lưu ý về nhồi máu cấp ở người trẻ và đòi hỏi thái độ tích cực tái lưu thông mạch vành sớm.

Nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm. Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.

Tuy nhiên, theo các quan sát gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa. Đã có không ít các trường hợp mắc bệnh được điều trị, can thiệp tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương trong độ tuổi từ 40.

Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim chủ yếu là cơn đau thắt ngực ở vị trí sau xương ức lan lên trên dưới hàm, tay trái. Thi thoảng người bệnh bắt gặp cơn đau thượng vị như cơn đau của bệnh lý tiêu hóa.

Các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, bị đánh trống ngực, nôn, buồn nôn, thậm chí là lú lẫn, hay quên...

Người trẻ tuổi hoàn toàn không nên chủ quan với các dấu hiệu trên. Cần nắm bắt các triệu chứng của cơ thể để đánh giá, chẩn đoán bệnh và đi khám sớm nhất có thể tránh cơn nhồi máu cơ tim đột ngột gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên khám kiểm tra, xét nghiệm định kỳ cũng như không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia... là những điều cần thiết để có một sức khỏe tốt.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP