Giáo dục

Không để lộ, lọt đề thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh, phụ huynh không cần ký cam kết

  • Tác giả : Tuyết Vân
Thông tin học sinh lớp 12 và phụ huynh học sinh tỉnh Hà Nam ký cam kết không để lọt, lộ đề thi khiến nhiều người băn khoăn. Nhiều phụ huynh cho rằng, đây là điều không cần thiết, vô thưởng vô phạt...
thi-1.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng.

Đề thi là tài liệu tối mật của Nhà nước

Thông tin ký cam kết không để lọt, lộ đề thi bắt nguồn từ việc có tỉnh, thành phố chỉ đạo các trường THPT bảo vệ bí mật Nhà nước liên quan đến công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Theo đó, có tỉnh yêu cầu tất cả học sinh lớp 12 và phụ huynh học sinh ký cam kết thực hiện đúng quy chế, không để lọt, lộ đề thi. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn và gây thắc mắc trong dư luận.

Chị Nguyễn Thư Hồng (Hà Nội) - phụ huynh có con thi tốt nghiệp lớp 12 năm nay cho rằng, việc bảo mật đề thi là do các cán bộ ngành giáo dục, do các thầy cô và những người có trách nhiệm liên quan đến công tác ra đề thi, tổ chức thi. Phụ huynh và thí sinh có biết đề đâu mà ký cam kết. Người ta không thể cam kết tiết lộ thứ mà người ta không biết được. Việc yêu cầu phụ huynh, học sinh “ký bừa” một điều “vô thưởng vô phạt” như vậy là không đúng.

Tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ có học sinh mà còn có các bộ ban ngành, lãnh đạo tỉnh, địa phương, các đơn vị hỗ trợ, cán bộ, giảng viên, giám thị, tình nguyện viên… Nếu phải ký cam kết thì tất cả những người có liên quan, phục vụ kỳ thi tuyển sinh phải ký chứ chỉ học sinh và phụ huynh cam kết cũng không giải quyết được vấn đề.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nam) cho rằng, đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc loại tài liệu bí mật của Nhà nước thuộc độ tối mật. Không cần ký cam kết thì bất kỳ công dân nào có liên quan đến việc làm lộ bí mật nhà nước đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng. Các trường chỉ cần tuyên truyền cho các phụ huynh, học sinh nắm vững quy chế, tuân thủ nghiêm ngặt. Thí sinh nào vi phạm quy chế thi thì cán bộ lập biên bản xử lý, đình chỉ thi.

Em Phương Linh, học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (TPHCM) cho biết, hiện tại chưa được biết hay nghe nói về việc học sinh và phụ huynh ký cam kết để lọt, lộ đề thi. Để đảm bảo công bằng, các giám thị, thầy cô coi thi ngay từ đầu nghiêm túc giám sát không cho thí sinh mang điện thoại, đồng hồ công nghệ cao, các thiết bị nghi ngờ có thể phát tán đề thi vào phòng thi; không cho thí sinh ra ngoài trong giờ làm bài...

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết đã yêu cầu Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao rà soát tất cả các trang website bán thiết bị gian lận công nghệ cao. Yêu cầu cán bộ coi thi lưu ý nhắc nhở, kiểm soát thí sinh không mang điện thoại, đồng hồ và một số thiết bị công nghệ vào phòng thi. Rút kinh nghiệm, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua vẫn có thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, hết giờ cha mẹ gọi dẫn đến bị lập biên bản rất đáng tiếc.

thi-2.jpg
Thí sinh dự thi phải tuân thủ Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Nâng cao trách nhiệm của giám thị, thanh tra

Thầy Nguyễn Thanh Sơn, Trường Đại học Trưng Vương cho rằng, để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 7 năm 2022 và thay thế các Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT và Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT. Thông tư có quy định cụ thể cho từng tình huống có thể xảy ra.

Điều 27, Thông tư 08 quy định, cán bộ và thí sinh có hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức thi được xử lý theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Thí sinh dự thi phải tuân thủ Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp THPT, do đó không cần thiết phải ký cam kết không để lộ lọt đề thi.

Điều 22 quy định cán bộ coi thi có trách nhiệm phải bảo vệ đề thi trong giờ thi, không để lọt đề thi ra ngoài phòng thi. Các cán bộ coi thi phải giám sát thí sinh; kịp thời nhắc nhở cán bộ coi thi, trật tự viên, công an, nhân viên y tế và lập biên bản nếu có đối tượng vi phạm Quy chế thi.

Cùng với đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT địa phương phải thành lập đoàn thanh tra kì thi tốt nghiệp để thanh tra trực tiếp, thanh tra lưu động tại các điểm thi, nâng cao công tác giám sát.

Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Long, Quyết định 59/2016/QĐ-TTg quy định cụ thể danh mục các tài liệu tối mật trong ngành giáo dục đào tạo. Theo đó, các thông tin, tài liệu tối mật gồm: Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi, các tài liệu liên quan đến các kỳ thi THPT quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố.

Theo luật định, đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm thuộc loại tài liệu bí mật của Nhà nước ở cấp độ tối mật. Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, bất kỳ công dân nào tiết lộ bí mật Nhà nước sẽ bị quy là tội phạm hình sự, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng và xử phạt tối đa tới 15 năm tù. Do vậy, việc phụ huynh và học sinh phải ký cam kết không để lọt, lộ đề thi là không cần thiết. Mọi hoạt động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cứ chiểu theo quy chế và luật, làm nghiêm, công bằng để các thí sinh không bị thiệt thòi.

thi-thpt-050722-2.jpg
Theo luật định, đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm thuộc loại tài liệu bí mật của Nhà nước ở cấp độ tối mật.

Những "sự cố" từng xảy ra khi thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Ban Chỉ đạo thi tại các địa phương phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, không để rơi vào tình huống phải xử lý "sự cố" như những kỳ thi trước.

Những hiện tượng tiêu cực trong thi cử như sử dụng tài liệu trong phòng thi, sự cố lộ đề thi, mua bán điểm, thậm chí thi hộ, thi kèm... đã từng xảy ra trong những kì thi trước.

Điển hình như tại tỉnh Tiền Giang năm 2005, báo cáo tổng kết thanh tra thi tốt nghiệp phổ thông (THPT) năm học 2005-2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) ghi: “Hội đồng coi thi bổ túc trung học phổ thông Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có 536 thí sinh có bài thi giống hệt nhau, phải hủy kết quả”…. Như vậy phải chăng đó là việc lộ đề, "quay cóp" bài trong khi thi?

Năm học 2006-2007, theo báo cáo tổng kết thanh tra thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT: “Có 2.525 thí sinh bị đình chỉ thi do lỗi mang tài liệu vào phòng thi trong giờ làm bài, 8 thí sinh thi hộ”….

Năm học 2007-2008: “Có 1.809 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi trong giờ làm bài, 293 thí sinh thi hộ; trong đó riêng Nghệ An đã phát hiện 151 thí sinh thi hộ tại đợt thi lần 2”.

Những năm sau này nhiều hình ảnh như "phao thi trắng trường" ở nhiều trường phổ thông đã diễn ra. Và rồi tới lúc "phao" chỉ được coi là gian lận "sơ đẳng" nếu so với thời công nghệ như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, máy tính cầm tay đa chức năng với những thiết bị siêu nhỏ như cái cúc áo, hạt gạo cho vào tai không phát hiện bằng mắt trong các năm gần đây.

Nhưng dù sao, hành vi "quay cóp" như trên cũng mới chỉ là “mánh khóe nhỏ lẻ” của các em học sinh. Đáng lên án, đã có quy mô lớn hơn, mua bán điểm thi "trắng trợn" ở khâu cuối cùng là chấm điểm, nhập điểm.

Đỉnh điểm là việc mua bán, đổi chác điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: 222 thí sinh vi phạm bị phát hiện ở 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, trên tổng số 925.000 thí sinh tham dự kỳ thi không phải là con số lớn, nhưng đã lột tả một hiện thực xã hội nhức nhối. Những người này luôn rao giảng về đạo đức học đường, về trách nhiệm công vụ, nhưng chính họ lại câu kết với nhau để làm đảo lộn trật tự thi cử: trượt thành đỗ và đỗ thành trượt. Nguy hiểm hơn từ đó là cơ hội hình thành một “bộ phận không nhỏ” những công dân gian dối, chiếm lĩnh các vị trí quản trị xã hội và các ngành nghề, công nghệ then chốt.

Bên cạnh sự cố như lộ đề thi, gian lận thi cử, nhiều sự cố khác xoay quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT mà thí sinh cũng như các bậc phụ huynh cần phải lưu tâm. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, hình ảnh nam sinh gục khóc trước cửa trước điểm thi THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy) khiến nhiều người nhói lòng. Vì vậy, để có một kỳ thi thuận lợi, nhiều chuyên gia lưu ý các thí sinh trước giờ G, cần giữ sức khỏe ổn định bằng cách sinh hoạt điều độ.

Tránh để các em đêm trước ngày thi ngủ muộn dẫn tới sự cố về trẻ em ngủ quên giờ thi hoặc quên giấy tờ về nhà lấy mới đủ thi...

Mong rằng kì thi tốt nghiệp THPT 2021-2022 sẽ không còn gặp phải những "sự cố" đã từng xảy ra trong những năm trước.

Thư Kỳ

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP