Bình luận

Không dễ “buông” hành vi đưa hối lộ

GS Trần Ngọc Đường, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đề xuất phi hình sự hóa hành vi đưa hối lộ để người ta dám tố cáo chống tham nhũng sẽ khiến người đưa hối lộ sẽ muốn tố cáo hơn, nhưng không dễ gì có bằng chứng để xử lý.

GS Trần Ngọc Đường, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nên thí điểm

Mới đây, tại Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng”, ông Ngô Huy Cường, Khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng, tham nhũng hiện nay đang ở mức độ rất nghiêm trọng nên cần phải có giải pháp mạnh, mang tính đột phá. Một giải pháp đột phá là bỏ tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Theo ông Cường, vì pháp luật vẫn quy định xử lý hình sự tội môi giới hối lộ và đưa hối lộ nên nhiều người không dám tố cao. Khi đó sẽ không ai dám nhận hối lộ nữa. Ông nghĩ sao về giải pháp này?

Đây không phải là giải pháp gì mới, nhiều người cũng đã đề xuất rồi nhưng sau khi cân nhắc nhiều phía thì vẫn chưa thể thực hiện được. Để người đưa hối lộ khai ra thì phải không truy cứu họ. Nói trong cuộc hội thảo hôm ấy, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết rằng, khi soạn thảo Bộ luật Hình sự, cũng đã có ý kiến cần phải phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ, vì không ai muốn đưa hối lộ cả.

Nhưng ở góc độ là các cán bộ thì lại có suy nghĩ rằng chính người đưa hối lộ mới là người làm tha hóa đội ngũ cán bộ công chức, nên không thể không trừng trị. Người đưa hối lộ hay người nhận hối lộ là chủ thể cần phải xử lý, cái này cũng có nhiều tranh cãi.

Nếu người đưa hối lộ không bị xử lý, tôi nghĩ họ sẽ dám tố cáo nhiều hơn chứ?

Đúng là khi đó họ sẽ mạnh dạn tố cáo hơn, nhưng sự đời nó không đơn giản như thế. Giả sử như người đưa hối lộ khai ra, nhưng chứng cứ ở đâu? Thành ra người ta phải xử lý cả hai. Nếu chỉ xử lý người nhận, người đưa có thể gài bẫy, tạo dựng để vu khống cán bộ.

Còn nếu không xử lý người đưa, làm thế nào để có chứng cứ. Khi đã tham nhũng thì họ ít khi nào để lại chứng cứ, dấu tích. Chẳng ai viết tay viết chân biên nhận cả.

Như ông nói thì ngay cả những người xây dựng luật cũng đã tính toán đến điều này nhưng chưa thể áp dụng?

Họ biết cả chứ, nhưng tính đi tính lại thì họ thấy rằng phải xử lý cả hai thì tốt hơn. Người ta cũng tranh luận nhiều về vấn đề này.

Theo tôi, để biết nó có thể phát sinh những điều gì thì nên làm thử ở một địa phương nào đó xem. Xem có trị được người nhận hối lộ không. Theo tôi nhận định thì rất khó áp dụng. Để răn đe, thì phải xử lý cả hai.

Nếu đưa hối lộ không bị xử lý thì sẽ lộ ra nhiều người nhận hối lộ chứ ạ?

Nhưng nó có thể phát sinh việc tố cáo bừa bãi, tố cáo mà không có chứng cứ gì cũng vô nghĩa. Hơn nữa hiện nay, người đưa hối lộ mà thành khẩn khai báo thì khi xử cũng chỉ bị áp dụng những khung hình phạt nhẹ hơn rất nhiều so với người nhận hối lộ. Do đó, việc có truy cứu người đưa hối lộ không cũng cần được xem xét cẩn thận, vì nhiều cái khó.

Luật pháp, quyền lực tha hóa

Theo ông nếu áp dụng phi hình sự hóa tội đưa hối lộ, cái được nhất sẽ là gì?

Đó là người ta  mạnh dạn khai báo hơn, nói về chứng cứ một cách cụ thể hơn. Do chưa áp dụng, chưa có thực tiễn nên tôi cũng chưa biết như thế nào. Khi áp dụng phải có những quy định chặt chẽ đầy đủ, rõ ràng để làm rõ đâu là gài bẫy cán bộ, đâu là đưa hối lộ.

Trong hai chủ thể đưa và nhận hối lộ, theo ông chủ thể nào đóng vai trò quyết định trong hành vi hối lộ?

Cứ tranh cãi ông không đưa làm sao tôi nhận, hay ông không nhận thì làm sao tôi đưa, sẽ rất vô cùng.

Đơn giản là vì một việc gì đó mà một người có thẩm quyền giải quyết nhận hối lộ từ chủ thể của việc đó, mong muốn được giải quyết ngay, giải quyết nhanh hoặc giải quyết theo hướng có lợi cho họ. Một người lạm dụng quyền lực để giải quyết công việc, một người thì đi mua quan chức để cho xong việc.

Nhưng khách quan mà nói không ai muốn đưa hối lộ?

Tất nhiên, nhưng vì người ta muốn làm nhanh, làm sai, làm theo mong muốn chủ quan mà không theo luật, và người thực thi luật thì lạm quyền, tha hóa quyền lực, nên mới dẫn đến hành vi ấy.

Thế nên đưa hối lộ làm lũng đoạn bộ máy, tha hóa cán bộ, có tiền là có thể mua mọi thứ. Còn nhận thì làm tha hóa luật pháp.

Hành vi đưa và nhận hối lộ trên thực tế rất phức tạp. Nhiều khi cứ có đoàn thanh tra là mặc nhiên phải có phong bì. Muốn tồn tại phải có phong bì. Điều này xem ra vẫn nhức nhối?

Đúng là thế, thậm chí có những doanh nghiệp nghe nói đến thanh tra là run, không phải vì họ sai phạm gì, mà muốn yên ổn làm ăn thì phải có phong bì cho thanh tra. Mỗi năm tiếp vài đoàn thanh tra, đến rồi đi.

Nhưng bản thân doanh nghiệp đa phần là có sai phạm thì mới hối lộ, phong bì phong bao. Nói chung, quyền lực tha hóa từ hai phía.

Phát hiện phải được thưởng

Có ý kiến cho rằng, tham nhũng hay không là do người đứng đầu. Cứ xử lý mạnh tay người đứng đầu nếu xảy ra tham nhũng là sẽ hạn chế được tham nhũng, ông có nghĩ thế?

Tôi thấy cũng có lý, vì người đứng đầu để nhân viên tham nhũng mà phải chịu trách nhiệm thì họ sẽ quán triệt mạnh việc này để chống tham nhũng. Nhưng theo tôi, thay vì xử lý người đứng đầu thì nên khen thưởng họ.

Bất cứ ai phát hiện ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình thì phải khen thưởng họ, thay vì xử lý họ. Còn nếu phát hiện ra tham nhũng là xử lý người đứng đầu thì khi phát hiện ra tham nhũng, họ sẽ cố gắng để xử lý nội bộ để không bị mất thành tích, không bị kỷ luật, họ sẽ ém nhẹm đi.

Theo ông thì liệu có giải pháp nào căn cơ cho hành vi đưa, nhận hối lộ?

Phải xác định không bao giờ hết được hối lộ. Khi nào còn tồn tại quyền lực thì khi đó còn tồn tại tham nhũng, tha hóa quyền lực, đó là quy luật rồi. Vấn đề là làm thế nào cho nó giảm đi ở mức độ chấp nhận được. Còn giờ nó quá nhiều, quá tràn lan thì khiến người ta bức xúc thôi.

Đưa hối lộ trong lĩnh vực thanh, kiểm tra có lẽ là nhức nhối nhất trong từ khóa “hối lộ”, ông đánh giá thế nào về hoạt động thanh kiểm tra hiện nay?

Thanh tra với góc độ là một công cụ kiểm soát quyền lực Nhà nước thì chưa tương xứng, mà nó chỉ là thiết chế góp phần quản lý Nhà nước theo cách tổ chức hiện nay. Thanh tra là tai mắt của trên, bạn của dưới, góp phần khắc phục thiếu sát trong quản lý Nhà nước chứ không phải là phương tiện để kiểm soát sự lạm dụng và tha hóa quyền lực.

Xin cảm ơn ông!

Phát biểu tại hội thảo,ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khi soạn thảo Bộ luật Hình sự, cũng đã có ý kiến cần phải phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ, vì không ai muốn đưa hối lộ cả. Tuy nhiên, ông Quyền cho biết, khi đi lấy ý kiến của dân về dự thảo trên, xuống địa phương thì toàn quan chức từ cấp cơ sở ngồi đó, và đương nhiên họ cho rằng cần hình sự hoá hành vi đưa hối lộ, bởi bọn đấy là bọn tha hoá đội ngũ cán bộ công chức, phải trừng trị. “Tôi cho rằng cần phi hình sự hoá hành vi đưa hối lộ, vì nhiều trường hợp người ta phải đưa, không đưa thì nó “bóp chết” người ta, doanh nghiệp người ta sẽ phá sản”, ông Quyền nói.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP