Bình luận

Không có tháng nào là tháng cô hồn

TS Vũ Thế Khanh – Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng UIA cho rằng, quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, tránh làm các việc lớn như cưới hỏi, làm nhà, buôn bán dễ thất bát… xuất phát từ những câu chuyện dân gian ở Trung Quốc. Đạo Phật không có khái niệm tháng cô hồn, xui xẻo, thậm chí tháng 7 âm lịch còn phù hợp để làm nhiều việc quan trọng.

TS Vũ Thế Khanh.

Quan niệm sai nhưng phổ biến

Thưa ông, xuất phát từ đâu mà nhiều người hiện quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, không nên làm các việc lớn như cưới hỏi, làm nhà, kinh doanh buôn bán dễ thua lỗ…?

Không có tháng nào gọi là tháng cô hồn trong kinh điển của Phật giáo. Theo quan điểm của Phật giáo, tập tục kiêng mua bán, kiêng hội hè, kiêng đi lại, kiêng đủ thứ trong tháng cô hồn là không đúng. Tháng 7 trong Phật giáo được coi là tháng tốt, mọi việc buôn bán vẫn diễn ra bình thường, không phải kiêng kị.

Vậy những kiêng kị ấy không liên quan đến Phật giáo thì đến từ đâu?

Quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn xuất phát từ phong tục tập quán của người Trung Quốc. Nó gắn với truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ và những câu chuyện trong dân gian của người Trung Quốc. Tháng 7 là tháng mã gắn với chuyện xưa ở Trung Quốc có người chuyên bán vàng mà là Vương Dụ. Hàng hóa ế ẩm, Vương Dụ vờ chết, nằm trong quan tài.

Anh em bạn bè, hàng xóm láng giềng mua vàng mã đến viếng thì Vương Dụ tỉnh dậy bảo vừa gặp Diêm Vương. Vì có nhiều tiền vàng hối lộ nên được tha về. Thế là nhà nào nhà nấy thi nhau đốt vàng mã cho người chết. Từ đó mà có tục đốt vàng mã.

Những điều ấy liên quan gì đến việc kiêng làm các việc lớn, trọng đại ạ?

Vì họ nghĩ rằng cưới hỏi vào tháng này thì chẳng khác nào như vợ chồng Ngâu, mỗi năm gặp nhau có 1 lần thì không ổn. Làm nhà, kinh doanh, buôn bán… mà lại chỉ tạm bợ kiểu “vàng mã” thì khó mà bền vững, thành công nên người ta kiêng. Tuy nhiên, những kiêng cữ này hoàn toàn xuất phát từ tập quán, tiềm thức, niềm tin, mà không có bất kỳ cơ sở nào.

Ý ông là việc kiêng kị bấy lâu nay là sai?

Nói sai hay đúng cũng rất khó, nhưng nó hoàn toàn không có cơ sở nào mà chỉ xuất phát từ mấy câu chuyện có trong dân gian, hình thành nên phong tục. Đó hoàn toàn là thói quen tâm lý của đám đông. Đáng tiếc là cái sai lại được đám đông thừa nhận, nó trở thành cái đúng.

Nếu nó chỉ là thói quen thì hoàn toàn có thể bỏ được?

Không dễ bỏ vì đó là tâm lý ăn sâu của nhiều người. Một vài người không có tâm lý đó, không tin vào quan niệm đó, cũng không là gì so với đám đông cả. Ví dụ tôi không tin, tôi vẫn cứ muốn cưới hỏi, ký hợp đồng, xây nhà vào tháng 7. Nhưng vợ/chồng tôi, đối tác của tôi, những người xung quanh tôi lại tin, thì một mình tôi không làm được. Thế nên, để xóa bỏ tập tục cổ hủ, lạc hậu, vô căn cứ này, cần đến những người trẻ có hiểu biết, cấp tiến và cần có thời gian.

Tháng 7 phù hợp để làm nhiều điều tốt đẹp

Quan niệm của Phật giáo thì tháng 7 có gì đặc biệt thưa ông?

Khi cúng Rằm tháng 7 để tri ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trên tinh thần của phật giáo là yêu thương muôn loài, nên khi cúng người ta cúng cả cho những cô hồn mồ mả, không con cháu hương hoả. Trong Phật giáo, linh hồn của ông bà, cha mẹ, tổ tiên mà chưa siêu thoát, vẫn đang bị đoạ ở những chốn khổ đau thì được coi là cô hồn. Nên khi cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ thế nào thì cúng cô hồn cũng phải trang nghiêm như thế. Tháng 7 là tháng Vu Lan báo hiếu.

Nguồn gốc của tháng Vu Lan báo hiếu là thế nào thưa ông?

Ngày lễ Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, để tưởng nhớ và muốn biết mẹ bây giờ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp thế gian để tìm.

Thấy mẹ mình vì gây nhiều tội ác mà phải sanh làm ngạ quỷ, bị cực hình ở cảnh giới địa ngục, thân thể bà tiêu tụy vì đói khát, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ.

Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm đi vì sợ các cô hồn khác đến tranh cướp. Do đó, khi đưa bát cơm lên đến miệng thì bị hóa thành lửa đỏ. Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong thành công. Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy và không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung.

Vậy tháng 7 âm lịch là tháng nên làm những điều tốt đẹp, kể cả việc lớn, trọng đại?

Theo Phật giáo, tháng 7 là tháng an cư thiên hạ. Các vị chư tăng, tu hành làm lễ vào Rằm tháng 7 được coi là tháng tươi đẹp. Con cháu báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên. Chuyện kiêng khem, không làm việc lớn, coi nó là tháng xui xẻo… như đã nói chỉ là tập quán của số đông xuất phát từ những tích trong dân gian Trung Quốc chứ không phải là phong tục tập quán của người Việt Nam.

Bản thân ông có kiêng kị những điều đó vào tháng 7?

Mình hiểu rõ Phật pháp, hiểu nguồn gốc của các tập tục này nên đương nhiên mình không kiêng. Nhưng vì người khác kiêng, thành ra đôi khi cũng ảnh hưởng đến mình. Bởi họ kiêng là quyền của họ. Mình muốn ký hợp đồng nhưng đối tác kiêng không ký, thì một mình cũng không làm được.

Rõ ràng như ông nói, việc kiêng cữ ấy là sai?

Cái sai mà được đám đông thừa nhận thì nó lại mặc nhiên thành cái đúng. Chẳng có cơ sở nào để nói tháng 7 thì không may mắn, làm ăn thất bát, dựng vợ gả chồng không em thuận. Nhưng vì tâm lý của người ta, cứ mặc nhiên cho rằng làm trong tháng 7 là không may, không ổn, thì nhiều khi nó lại không ổn thật. Giống như trong chữa bệnh, có phương pháp tự kỉ ám thị. Nghĩ là bệnh khỏi, thì là khỏi. Nghĩ mình có bệnh sắp chết, thì có khi bệnh lại trở nặng khó cứu chữa.

Mong người trẻ sẽ thay đổi

Theo ông, làm thế nào để thay đổi tâm lý của đám đông?

Bản thân tôi không tin và không kiêng, nhưng người khác kiêng thì tôi cũng không bao giờ phản đối, lên án. Đó là quyền của mỗi người, niềm tin của mỗi  người. Để thay đổi cần phải có thời gian, rất lâu. Bởi cái cần là thay đổi tư duy. Chúng ta đã để một thời gian quá dài tạo đất sống cho tư duy sai, mê tín, dị đoan, không có cơ sở khoa học. Tôi chỉ hy vọng rằng người trẻ sẽ thay đổi suy nghĩ. Chuyện mê tín, hủ lậu, u mê, cần có thời gian và chắc chắn đến lúc nào đó chúng ta sẽ ngộ ra.

Nghĩa là sẽ cần đến rất lâu nữa và đây là quá trình tự nhận thức chứ không giáo dục được?

Mê tín, dị đoan cũng giống như tung tin đồn nhảm. Điều không thật nói hàng trăm hàng nghìn lần sẽ thành sự thật. Người có tuổi đa phần là thủ cựu, bảo thủ, đặc biệt là tâm lý, tập quán cực kỳ khó thay đổi. Nhưng người trẻ, tiếp cận nền văn hóa văn minh, tiên tiến, tôi tin họ sẽ hiểu ra. Vai trò của truyền thông trong vấn đề này cũng rất lớn.

Vấn đề là hiện nay không ít người trẻ cũng khá mê tín, tin vào những điều kiêng cữ trong tháng 7 mà ít người hiểu rõ về nó?

Tôi nghĩ rồi người ta sẽ hiểu ra. Con người luôn có xu hướng học hỏi, mở rộng hiểu biết. Nếu ai cũng biết rằng việc kiêng cữ ấy đều xuất phát từ những câu chuyện trong dân gian Trung Quốc, không có cơ sở nào để tin, thì tôi nghĩ sẽ nhiều người thay đổi.

Xin cảm ơn ông!

Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có nhiều cách khác nhau. Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng…

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP