Khám phá

Không có hóa chất làm cá chết sống lại

oạn phim được chia sẻ trên kênh truyền hình và một số trang mạng về hình ảnh những con cá sắp chết sau khi thả gói hóa chất vào thì bỗng nhiên sống lại khiến người xem không khỏi bàng hoàng. Thực hư về loại “thần dược” làm cá chết sống lại có xuất hiện ở Việt Nam không?

Hình ảnh đoạn video cho rằng cá chết có thể sống lại nhờ hóa chất.

Cá “hồi sinh”

Theo hình ảnh một đoạn phim lan truyền trên các trang mạng xã hội, một con cá rô phi đã gần chết nằm yên dưới đáy chậu nước nhưng khi đổ lên thân cá một ít chất bột trắng thì ngay lập tức, con cá quẫy đạp khỏe mạnh. Đoạn clip này khiến cư dân mạng rất hoang mang cho rằng có thể lâu nay họ bị ăn chất độc vào người.

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, không có loại hóa chất nào làm cá chết sống lại. Có một số trường hợp các cơ còn tươi của động vật khi bị kích thích bằng axit (hay một chất kích thích khác) thì nó co giật như đang cử động,

Trường hợp trong đoạn phim này thì con cá không phải cá đã chết, đó là cá sắp chết, tức vẫn còn sống nhưng bất động vì bị thiếu oxy. Sau đó, cá bật quẫy lên khi cho chất bột được xác định là natri peoxit – Na2O2 vào. Na2O2 tan vào nước giải phóng oxy và kiềm mạnh – NaOH làm pH tăng cao đột ngột.

Cá đang nằm yên bỗng quẫy lên là do việc thêm oxy vào nước kích thích cá hô hấp, độ kiềm tăng vọt làm kích thích các mô hở như mang cá… làm nó phản ứng mà quẫy mạnh lên. Song chắc chắn chỉ sau một vài phút cá sẽ chết hẳn do độ kiềm của nước quá cao.

Việc phát hiện cá bày bán ở ngoài chợ có sử dụng loại hóa chất này hay không cũng không phải là quá khó. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, ít có khả năng người bán cá sử dụng hóa chất này, vì thời gian cá tiếp tục sống sau đó là không lâu và người mua rất dễ phát hiện bằng cảm quan đơn giản. Những hình ảnh trong đoạn phim có thể chỉ là trò đùa nghịch nhưng vẫn gây ra sự hoang mang, lo lắng cho người xem.

Theo các chuyên gia, do tính chất hóa học này mà việc cá có thể hấp thụ kiềm vào cơ thể là rất thấp, khả năng nhiễm độc từ cá cũng rất nhỏ. Tuy nhiên nếu biết cách, người ta có thể sử dụng chất này ở hàm lượng ít để tăng hàm lượng oxy cho cá. Còn ở hàm lượng cao thì người tiếp xúc trực tiếp với nước này cũng bị độc hại, tác động xấu các cơ quan của cơ thể.. Do đó, hóa chất này gây nguy hiểm chứ không có độc tính cao.

Cá “sống lại” bằng kiềm dễ thối

Theo chuyên gia về hóa học, PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, loại hóa chất natri peoxit sau khi giải phóng oxy tồn tại như một chất kiềm mạnh, nó có thể ăn mòn da tay, các cơ quan của cơ thể khi tiếp xúc. Do đó, hóa chất này gây nguy hiểm chứ không có độc tính cao.

Thực phẩm nhiễm kiềm cao rất dễ phân hủy và phân hủy nhanh hơn bình thường, thậm chí nếu nồng độ kiềm cao thì amoniac sẽ được giải phóng ra từ các protein trong thực phẩm gây nên mùi khó chịu.

Do đó, việc ngâm cá trong dung dịch này không làm cho cá “sống lại” mà còn làm chúng trở nên dễ phân hủy hơn, dễ bị thối và bốc mùi nồng nặc hơn.

“Nếu người ta có thể biến cá ươn, chết thành cá tươi sống thì có lẽ những ngư dân đi biển đã có thể bội thu, làm giàu lớn, ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản cũng đã tạo ra nguồn lợi khổng lồ rồi”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng nhận định.

Lựa chọn cá tươi ngon không khó, theo các chuyên gia, cá có màu trắng hoặc vàng thì thịt mới ngon. Cá có màu đen thường là cá ở ao rãnh, thịt ăn dở.

Hãy vạch mang cá ra xem, nếu mang còn đỏ là cá tươi nhưng nếu nó trắng bệch hoặc thâm là cá ươn. Để kiểm tra xem cá có nhiễm độc hay không thì kiểm tra mang cá, mang cá độc không sáng trơn, hơi thô và có màu hồng thâm đậm.

Cá bị nhiễm độc nặng thì mình cá không còn nguyên, đầu to đuôi nhỏ, lưng cong gù thậm chí có u. Có con da còn bị vàng và đuôi xanh. Mắt cá bị nhiễm độc thường bị đục, mất vẻ tinh anh bình thường, có con thậm chí mắt còn lồi ra ngoài.

Con cá bình thường có mùi tanh, cá bị nhiễm độc sẽ có những mùi bất thường như mùi tỏi, mùi dầu hôi…

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP