Khoa học & Công nghệ

Không có gạo bẩn

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Mới đây trên báo chí, giám đốc một công ty nông nghiệp phát biểu, hiện có đến 90% người Việt Nam đang ăn gạo bẩn. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, không có khái niệm gạo bẩn.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phát ngôn thiếu cơ sở ảnh hưởng tới người nông dân 

Mới đây, trên Báo Phụ nữ TPHCM có đăng tải phát biểu của ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An với khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn. 

Ông Bình cũng cho rằng, người tiêu dùng cũng đã nhận thức được mối nguy này và tìm mua "gạo sạch". Do "gạo sạch" số lượng rất hạn chế nên nảy sinh vấn đề "trồng 1 nhưng bán tới 2, tới 3". Có người chỉ trồng 5ha gạo hữu cơ - Global GAP mà mở cửa hàng gạo sạch bán khắp cả nước. Nhiều cửa hàng ở TPHCM hay Hà Nội bán tràn lan gạo Global GAP, nhưng được trồng ở đâu thì chẳng ai biết. 

Phản bác những thông tin nêu trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ bức xúc gửi đến Báo KH&ĐS: “Đã từng có những phát ngôn thiếu cơ sở ảnh hưởng đến người nông dân, đây cũng là một phát ngôn tương tự. Việc cho rằng có đến 90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn là vô lý, không có căn cứ khoa học, thiếu trách nhiệm với nền nông nghiệp nước nhà. Trước tiên tôi xin hỏi thế nào là gạo bẩn, thế nào là gạo sạch? Con số 90% dựa trên cơ sở nào? Hiện Việt Nam có hơn 90 triệu dân, trung bình mỗi người ăn hết 10kg, tính ra mỗi năm sẽ tiêu thụ hết 9 triệu tấn gạo. Muốn khẳng định như vậy phải lấy 90.000 mẫu gạo ở nhiều nơi đi phân tích. Nếu có 81.000 mẫu gạo “bẩn” thì mới có thể kết luận như vậy. Nhưng tôi khẳng định chắc chắn rằng không bao giờ có kết quả đó”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan chia sẻ.

Có tồn dư thì cũng rất nhỏ

Một số ý kiến lo lắng về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức khiến gạo bị tồn dư chất hóa học, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết điều này không có cơ sở. Các loại rau ăn lá trực tiếp sử dụng các loại hóa chất, phân bón… không cách ly đủ ngày mới đáng ngại. Còn đối với cây lúa thì khác hẳn. Các loại thuốc bảo vệ thực vật nói chung thường sau 7 ngày là sẽ phân hủy hết. Cứ cho là phun thuốc bảo vệ thực vật thì sau khi thu hoạch, hạt thóc còn được phơi nắng ở nhiệt độ cao nhiều ngày rồi lại được xay  xát trong máy với nhiệt độ trên 40 độ C thì thuốc trừ sâu cũng không thể tồn tại được. Nếu dư lượng thuốc có tồn tại đến lúc thu hoạch thì quá trình sơ chế này cũng khiến thuốc bị phân hủy hết. Hoặc nếu có tồn dư thì chắc chắn là cũng rất nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe như các loại rau củ quả có phun thuốc trừ sâu không cách ly đúng ngày.

“Hơn nữa, liều lượng phun thuốc trừ sâu cho lúa cũng rất ít. Như tôi tính toán thì người dân thường phun 20g/bình/sào. 1ha chỉ phun hết khoảng 500g thuốc trừ sâu mà là phun cả ruộng. Nghĩa là hạt thóc chỉ chiếm có 10% diện tích của cây lúa, ngoài ra còn lá, cây, rễ… Và cũng chỉ phun được ở vỏ của hạt thóc, khi xay xát, phơi dưới nhiệt độ cao như vậy thì hóa chất sẽ tự phân hủy hết. Là người có đến 50 năm nghiên cứu về lúa gạo, tôi khẳng định rằng tất cả các giống lúa gạo của Việt Nam đều an toàn với người sử dụng, không có khái niệm gạo “bẩn” như một số người nói”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan khẳng định.

Do vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng gạo như một nguồn dinh dưỡng thiết yếu mỗi  ngày mà không cần phải quan tâm đến những phát ngôn thiếu căn cứ khoa học.

Hà Bình

BẢN DESKTOP