Khoa học & Công nghệ

Không chơi bóng bay trong ôtô

Việc mang những quả bóng bay có bơm khí hidro vào trong ôtô có thể gây phát nổ do xe ôtô đóng kín, thể tích bên trong xe là hữu hạn nên sức ép rất lớn, khí hydro bên trong những quả bóng bay có thể đạt độ đặc tối đa, có hoặc không có lửa cũng gây ra nổ.

Tai họa từ quả bóng bay

Khoảng 13 giờ 25 phút ngày 11/2, tại ngã tư Nhà Hoả – Hàng Gà, Hà Nội xảy ra vụ nổ bóng bay. Chiếc xe ô tô đi từ Văn Miếu tới ngã tư Cửa Đông – Hàng Gà, Hàng Phèn – Nhà Hỏa thì quả bóng bay trong xe phát nổ. Quả bóng bay trong xe là loại bóng to hay bán dịp Tết.

Cháu bé ngồi ghế phụ nghịch quả bóng bay này. Bóng nổ lớn làm vỡ tung kính, cong cánh xe. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên bóng bay phát nổ gây thương tích ở Việt Nam và trên thế giới.

Vào đêm Noel 24/12/2016, tại khu vực Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, đường Đinh Tiên Hoàng (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), 2 quả bóng bay bơm khí hydro đã bất ngờ phát nổ, khiến 1 phụ nữ bị thương phải đưa vào trạm y tế phường này chữa trị. Rất may vụ việc không gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 11/2013, hai quả bóng bay chứa đầy khí hydro phát nổ như bom bên trong một chiếc xe ôtô ở Ấn Độ. Vụ nổ thổi tung nóc xe, làm hỏng cửa xe và vỡ khung cửa sổ, vô-lăng và hộp số trên xe cũng bị hư hỏng nặng.

Vì sao quả bóng bay lại có thể phát nổ? PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, đây không phải là bóng bay thông thường mà là bóng bay bơm khí hydro. Khí hydro nhẹ và có cấu trúc phân tử bé, có thể nổ mà không cần nguồn lửa.

Loại bóng bay này không nên mang vào trong không gian kín như nhà hoặc xe ôtô bởi nó có thể phát nổ khi gặp không khí nóng. Nếu người bán thiếu hiểu biết mà trộn tỷ lệ khí không phù hợp, bóng bay có thể nổ tung ở điều kiện va đập bình thường mà không cần tiếp xúc với nguồn nhiệt.

“Quả bóng bay trông rất vô hại, nhưng thực ra lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Lý do là xe ôtô đóng kín từ bên trong, khí hydro bên trong những quả bóng bay có thể đạt độ đặc tối đa.

Ngoài ra, khi đóng kín cửa xe, thể tích bên trong xe là hữu hạn nên sức ép rất lớn, kéo theo lực sát thương càng mạnh nếu xảy ra nổ”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng nhận định.

Chơi bóng bay an toàn

Bóng bay bơm khí hydro được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hiện nay. Chúng là món đồ chơi yêu thích của trẻ em, được bày bán ở nhiều nơi như cổng trường học, các điểm vui chơi giải trí… hay dùng để trang trí các sự kiện, lễ hội.

Để chơi bóng bay an toàn, theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, nhất thiết không để bóng bay trong phòng kín, không để gần nguồn lửa hay phơi nắng. Khi gặp nguồn nhiệt đủ lớn như tàn thuốc, bật lửa, ánh nắng mặt trời… những quả bóng bay ấy có thể phát nổ do bóng bay giãn nở quá mức, áp suất khí bên trong tăng làm nổ bóng bay.

Khi cả chùm cùng nổ một lúc, hậu quả sẽ thật khôn lường. Bởi thế, tuyệt đối tránh đem bóng bay vào ôtô, phòng kín.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Sơn, viện Khoa học Vật liệu Việt Nam, không phải bóng nào cũng dễ xảy ra cháy nổ. Các loại bóng không bay bơm không khí thì không thể cháy, chỉ nổ khi có tác dụng của ngoại lực và việc nổ ấy không gây hại gì.

Đáng lo bóng bay bơm khí hydro. Ngay cả khi thả bóng bay lên trời trúng vào các dây điện cao thế, hoặc vô tình mang vào bếp cũng có thể gây cháy nổ.

Trong khi đó, hầu hết các bình, chai khí ngoài thị trường đều không được kiểm định, thậm chí có người sử dụng loại bình không chịu được áp lực, bình cũ để bơm khí nén, tiềm ẩn nguy cơ gây nổ. Để an toàn thì tốt nhất là nên chọn loại bóng bay tự bơm, thổi thông thường để tránh nguy cơ cháy nổ.

Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, một điều đáng lưu ý để giữ an toàn khi chơi bóng bay là không nên cho trẻ em ngậm, thổi hay cầm nắm trực tiếp loại bóng bay này vì chất khí bên trong bóng bay có thể rò rỉ, trẻ hít phải sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Những quả bóng bay hydro nhiều màu lại càng độc hại do sử dụng phẩm màu công nghiệp, phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc, tuyệt đối không được ngậm, thổi.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP