Đời sống

Không bệnh tật nhờ đạp xe 30 cây số mỗi ngày

80 tuổi nhưng ông Lê Thứ ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội rất khỏe khoắn. Ông cao gần 1,8m, cơ thể khỏe khoắn. Sáng nào ông cũng cưỡi lên chiếc xe đạp màu trắng đi vòng quanh Hồ Tây. 15 năm nay ông duy trì lịch tập đều đặn nên gần như không phải uống viên thuốc nào.

Đạp xe trơn khớp

Người dân trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ rất quen với hình ảnh “thanh niên” 80 tuổi đạp xe thể thao màu trắng, ấy là ông Thứ. Khi ngồi trên xe, đội chiếc mũ bảo hiểm, bịt khuỷu tay, khuỷu chân, trông ông như một tay đua thực thụ. Chiếc xe đạp màu trắng xịn nhất Hà Nội được người cháu của ông gửi từ bên Pháp về gắn bó với ông nhiều năm nay.

Ông Thứ trước công tác tại Viện Thế kế, Sở Xây dựng Hà Nội. Hồi đi làm, ông có bệnh thấp khớp nên được bác sĩ khuyên phải tăng vận động bằng cách đạp xe. Nghĩ  gối đau, người mỏi đạp xe chỉ tổ hại khớp, chi bằng đi bộ vừa nhẹ nhàng, thoải mái, vừa bắt khớp hoạt động trơn chu.

Hỏi bác sĩ, họ giải thích cho ông, đi bộ, chạy bộ tốt cho tim mạch, hô hấp, tiểu đường… nhưng nếu tập luyện quá sức sẽ không tốt cho xương khớp. Vì tập quá nhiều, khớp sẽ chịu nhiều áp lực. Phương pháp tốt nhất và an toàn cho xương khớp chính là đạp xe tập thể dục hàng ngày. Mùa hè có thể bơi lội thêm để giúp cho hệ thống cơ bắp khỏe mạnh hơn.

“Nghe bác sĩ giải thích, nghỉ hưu có thời gian rảnh tôi tham gia ngay Câu lạc bộ xe đạp Cựu chiến binh. Buổi sáng tôi thức giấc từ 5 giờ 30 rồi nhập hội với anh em đạp xe quanh hồ Tây, ước tính mỗi ngày đạp 30km. Mùa đông cũng như hè, lịch luyện tập đều đặn.

Đạp xe hít thở không khí trong lành buổi sáng khiến cơ thể khoan khoái. Các khớp xương được khởi động nên thoáng hơn, không còn thấy bí bết, lục khục. Đạp mỏi, nghỉ giải lao anh em ngồi tâm sự chuyện thời cuộc rất vui vẻ. Đạp nhiều thành quen, gặp phải hôm mưa gió không đi được bỗng thấy nhớ anh em, chân tay như phát cuồng”- ông Thứ nói.

Chiếc xe đạp giúp ông Thứ khỏi đau lưng

Người cao tuổi thường hay đau lưng. Khi đã đau là dai dẳng vài ngày rất khó chịu. Từ lúc ông Thứ đạp xe, bệnh đau lưng của ông được đẩy lùi. Ông bảo, đi xe đạp ít gây tác động lực lên cột sống so với nhiều môn thể thao, thể dục có tính chất đối kháng như chạy bộ, đá bóng, bóng chuyền, cầu lông, tennis.

Trong khi đó các khớp vẫn được vận động để ngăn chặn tình trạng cứng khớp rất hay xảy ra đối với người có bệnh xương khớp và thoái hóa khớp như ông. Để hỗ trợ cho việc luyện tập, người cháu của ông Thứ đi du học Pháp mua tặng ông chiếc xe thể thao vừa cứng vững, đạp nhẹ, xe bon, yên ngồi thoải mái, bởi vậy mỗi lần lên xe, chiếc xe như hòa quyện với cơ thể ông, giúp ông cải tạo khớp xương, săn chắc cơ bắp.

Ông Thứ sống với vợ và các con. Các con ông đều đã lớn. Ông có nhiều cháu và cả chắt nữa. Chúng ở quanh quẩn gần nhà ông. Thấy ông chăm luyện tập, tuổi lại cao nên các con và cháu không để ông làm bất cứ việc gì, dành thời gian cho ông tập luyện nâng cao sức khỏe.

Ông cũng không có chế độ ăn riêng biệt nào cả. Các con ông nấu gì vợ chồng ông ăn nấy. Tuổi già ăn uống đơn giản, không ăn nhiều quá nên ông không câu nệ gì. “Tôi ăn thịt, đậu, cơm, ít ăn cá vì các cháu không có nhiều thời gian, chúng ngại ăn cá nên tôi ăn theo chúng.

Mỗi bữa tôi ăn thức ăn vừa phải, ăn rau nhiều, uống nước canh và nước lọc nhiều để thải độc. Tôi có mỗi bệnh xương khớp nên ăn uống thoải mái, không phải uống viên thuốc bổ hay thuốc bệnh nào”-ông Thứ vui vẻ nói.

Mỗi buổi tối khi các cháu vào phòng học, bố mẹ các cháu phải làm việc, ông Thứ lại ngồi bên chiếc piano chơi một vài bản nhạc. Âm nhạc giúp cải thiện não bộ của ông, bắt các ngón tay phải làm việc. Các con ông bảo, nhờ tình yêu âm nhạc mà ông có tâm hồn phóng khoáng, thư thái. Nhờ chăm thể thao mà dù ở tuổi 80 nhưng lúc nào ông cũng như “thanh niên” trong gia đình.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP