Chữa bệnh không dùng thuốc

Khỏi thoái hóa khớp nhờ tập luyện dưỡng sinh

Từng là nhà giáo, khi về hưu, chứng viêm khớp, thoái hóa khớp gối và bệnh cao huyết áp đã ở tình trạng báo động. Tuy nhiên, bằng cách kiên tập luyện dưỡng sinh, ông đã chiến thắng bệnh tật. Đó là ông Nguyễn Trọng Sự, số 32, ngõ 358, Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tập luyện dưỡng sinh là phải kiên trì.

2 ngón chân cứ vắt vào nhau

Ông Nguyễn Trọng Sự năm nay đã 77 tuổi, nhưng nhìn sự khỏe mạnh của ông thì mọi người không nghĩ ông ở tuổi đó. Những năm tháng miệt mài bên bục giảng, đến khi về hưu ông Sự thấy mình suy giảm về sức khỏe. Ông bị bệnh cao huyết áp, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối, nhiều khi đi chẹo chân, không nhấc chân lên được phải gọi con cháu đến giúp đỡ.

Đặc biệt, ngón chân cái của ông luôn vắt sang bên phải khiến càng khó đi lại, nhà ông ở phải leo cầu thang, những lúc này ông phải dùng 2 tay vịn 2 bên cầu thang để đu người lên. Tối đến chứng đau nhức khớp hành hạ khiến ông mất ăn, mất ngủ. Thế nhưng tất cả những chứng bệnh đó từ lúc nào đã biến mất. Điều đó là nhờ bài dưỡng sinh Kinh lạc thao.

Nói về duyên cớ đến với bài tập dưỡng sinh kinh lạc thao, ông Sự cho biết: Khi tôi biết mình mắc bệnh mạn tính, tôi đã tìm một số cách tập luyện. Hằng ngày tôi cố gắng tập đi bộ, nhưng một thời gian không thấy hiệu quả. Một lần tôi nghe các cháu sinh viên tới hướng dẫn tập bài dưỡng sinh Kinh lạc thao. Tôi thấy bài tập đáp ứng 4 tiêu chí mà tôi cần. Thứ nhất các động tác ít, không quá khó nhớ đối với người cao tuổi. Thứ hai là nó hỗ trợ điều trị được một số bệnh. Thứ 3 là thời gian tập không quá lâu, chỉ khoảng 30 phút. Thứ 4 là bạn tập phải phù hợp với mình.

Tập luyện dưỡng sinh quan trọng nhất là phải đúng động tác

Thời gian đầu tập luyện dưỡng sinh, ông cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Liên ngày nào cũng dắt nhau ra sân đình tập.

Ông Sự đưa bàn chân khoe với tôi về hiệu quả của bài tập dưỡng sinh rồi hồ hởi chia sẻ: Tôi tập được khoảng 6 tháng thì thấy chân tự leo được cầu thang, không đau nhức, 2 ngón chân không vắt vào nhau, bệnh huyết áp cũng ổn định, không tăng, giảm phập phồng như trước. Nhiều hôm ngủ dậy thấy vùng vai rất mỏi nhưng nếu tác động vào huyệt đại trùy (sau gáy) thì chứng mỏi đó sẽ tiêu tan.

Đặc biệt, vợ tôi ngày trước bị rối loạn tiền đình, hay buồn nôn, có lúc phải ôm đầu vì đau quá, bà bị thoái hóa 4 đốt sống cổ, nhưng cùng với tôi chuyên tâm tập luyện đến nay chẳng dùng thuốc gì mà khỏi bệnh thoái hóa.

Theo ông Sự thì muốn tập luyện hiệu quả thì điều đầu tiên là phải tập đúng, tác động đúng huyệt vị mới có tác dụng. Thứ hai là phải kiên trì, dưỡng sinh là sự thường xuyên, không phải “ăn sổi”. Thứ nữa là phải tập trung trong khi tập, tập kết hợp với thở nhịp nhàng, khoan thai…

Thấy bài tập hay, hiệu quả, mọi người trong khu phố lại nhờ ông hướng dẫn. Lúc đầu khoảng 10 người thành một nhóm, có lớp trưởng phụ trách. Đến nay, sau 5 năm đã trở thành câu lạc bộ dưỡng sinh kinh lạc thao 10 – 10 với 100 hội viên tự nguyện.

5 năm trôi qua, dù ngày mưa, ngày nắng, cứ 5g45 phút sáng nghe thấy tiếng băng đài mở ở sân đình là mọi người lại kéo về tập luyện 30 phút. Đây vừa là nơi nâng cao sức khỏe cho các cụ, vừa là nơi hội tụ, tâm tình tuổi già.

TS Triệu Hải, Chủ tịch Hội Dưỡng sinh Kinh lạc thao Quốc gia cho biết: Trên cơ thể con người có khoảng 600 huyệt vị và 12 đường kinh chính. Bài tập dưỡng sinh kinh lạc thao sẽ tác động vào 14 cụm huyệt chính nằm trên 2 hệ thống kinh chính là đốc mạch và nhâm mạch giúp hiệu quả trong phòng và điều trị một số bệnh như: Tim mạch, hô hấp, xương khớp, thần kinh, giúp an thần…

Phạm Hằng

BẢN DESKTOP