Giáo dục

Khó có thể đoán trúng đề thi Sinh tới từng câu chữ, hình ảnh

  • Tác giả : Mai Nguyễn
Liên quan đến việc đề thi Sinh trùng đề ôn tập bất thường, theo các giáo viên, có có thể có trùng hợp một cách ngẫu nhiên từ câu chữ tới hình ảnh như vậy được.

Khó có thể trùng hợp một cách ngẫu nhiên!

Theo nguồn tin của Khoa học và Đời sống, trước phản ánh của dư luận về việc đề thi Sinh trùng bất thường đề ôn tập của thầy giáo Phan Khắc Nghệ, ngày 4/8, Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT về việc thành lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin, nhằm thực hiện đối chiếu, so sánh đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT với đề trong video của thầy Phan Khắc Nghệ.

de-thi-sinh-3.jpg
Câu về hình thành loài trên các đảo trong đề chính thức.
de-thi-sinh-2.jpg
Câu về hình thành loài trong video thầy Nghệ.

Tư liệu để sử dụng đối sánh là 4 đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 4 đề duyệt chốt bởi hội đồng ra đề thi, 1 bản pdf đề Vip40 được ông Phan Khắc Nghệ dạy ôn luyện cho học sinh, 3 video live và các tệp được ông Phan Khắc Nghệ gửi bà Phạm Thị My (Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh), ông Bùi Văn Sâm (thành viên Tổ thẩm định), các tệp bà Phạm Thị My gửi ông Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015 - 2018 và 2021.

Kết quả cho thấy, khi đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ thì các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ có sự trùng lặp rất lớn.

Cụ thể, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn, có 39 câu trùng (chiếm tỷ lệ 97%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ. Trong số 39 câu trùng nói trên thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%).

Đặc biệt, có một câu về diễn thể sinh thái (câu 106 trong đề thô được chọn) có ở cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình, với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa nhưng cũng xuất hiện trong video ôn tập của thầy Nghệ.

Trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (tỷ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ. Theo đánh giá của tổ chuyên gia, sự trùng lặp này là "bất thường".

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, thầy giáo Nguyễn Quang Hợp, giáo viên dạy Sinh Trường THPT Quế Võ số 3, tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo quan điểm của thầy, đối với một người dạy học lâu năm, thì việc đoán được lượng kiến thức ở đề thi là có thể, dù khó.

Nhưng trong bao nhiêu mã nguồn đề thi tốt nghiệp THPT như vậy, thì không thể đoán trúng được đề giống từng câu, từng chữ, thậm chí ở cả kênh hình với một tỷ lệ lên tới hơn 90% được.

Thầy Hợp lấy ví dụ, kể cả trong một nhóm chuyên môn ở một trường, khi ra một đề thi, rất khó có thể đoán được đồng nghiệp của mình muốn ra lượng kiến thức như thế nào. Còn việc đoán được đồng nghiệp sẽ sử dụng câu, từ gì để diễn đạt lượng kiến thức đó lại càng không thể.

Đối với đề thi tốt nghiệp THPT, đương nhiên kiến thức nằm trong chương trình, nhưng chỉ có thể đoán được lượng kiến thức, chứ không thể đoán trúng được trùng tới từng câu, từng chữ được.

“Giữa một người thầy giỏi có thể đoán trúng lượng kiến thức của đề, với một người thầy "đoán" được đề tới từng câu chữ, hình ảnh là khác nhau. Trong vụ việc này, tôi khẳng định đó là sự bất thường, khó có thể là trùng hợp ngẫu nhiên”, thầy Hợp đưa ra quan điểm của riêng mình.

Có niềm tin vào sự công bằng

Thầy Hợp chia sẻ, có rất nhiều học sinh sau khi thi xong, biết điểm chuẩn một số trường, như trường Y, đã khóc sưng nước mắt bởi vì chỉ thiếu một số điểm rất nhỏ. Giả sử, trong trường hợp có gian dối, một số thí sinh nào đó đã dùng điểm không đúng với năng lực của mình để xét tuyển, thì rõ ràng đã gây mất công bằng, lấy mất cơ hội của những thí sinh "học thật" khác. 

“Tôi vẫn luôn nói với học trò, nay là đồng nghiệp của tôi rằng: Thầy vẫn luôn có một niềm tin vào sự công bằng. Nhưng cũng vì thế, nếu vụ việc này không được giải quyết rõ ràng, minh bạch, thì tôi chỉ muốn nói ba chữ ngắn gọn: mất niềm tin ”, ông Hợp chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ThS Phạm Thị Phương Anh, giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Huế cho biết, cô dạy môn Đánh giá kết quả giáo dục. Trong đó, có dạy cho sinh viên cách ra đề trắc nghiệm nói chung và ra các câu hỏi trắc nghiệm nói riêng.

Trong quá trình cho sinh viên ra câu trắc nghiệm, cho dù cho cùng một vấn đề, mỗi sinh viên sẽ có cách triển khai ý tưởng và hành văn khác nhau. Rất khó có sự trùng lặp từng câu, từng chữ ở một số câu như trong đề của thầy Nghệ so với đề chính thức.

Điển hình là câu ra về sự hình thành loài trên các đảo. Đây là một câu rất mới, hình ảnh các đảo có xuất hiện trong một vài đề thi thử nhưng câu chữ và ý tưởng trong các đề này thì rất khác. Đây là điểm bất thường thứ nhất.

Một điểm bất thường thứ hai, là với chỉ có 3 buổi dạy, mà số câu hỏi theo cô quan sát khoảng 70 - 80 câu, trong khi đó trùng tới trên 90% đề Bộ ra thì điều này là một vấn đề cần xem xét. Việc này rất khác so với việc khi thầy Nghệ dạy cả khóa học với 40 đề và số câu trùng đó xuất hiện ngẫu nhiên trong nhiều đề khác nhau.

Bởi vì mục tiêu của thi theo hình thức trắc nghiệm chính là để tránh hiện tượng “tủ đề”. Khó có thể cho rằng dùng kinh nghiệm luyện thi lâu năm để đoán trúng đề chỉ với vài buổi dạy.

Cô đã đọc những câu trả lời của thầy Nghệ với báo chí thì thấy không thỏa đáng. Rõ ràng đây không phải là chuyện bình thường, vì rất khó để có thể trùng hợp ở tỷ lệ hơn 90% với chỉ 3 buổi dạy như vậy.

“Tôi rất mong vụ việc sẽ sớm được Bộ GD&ĐT phối hợp làm rõ, dù là vì lý do nào thì sự rõ ràng cũng đem lại niềm tin của học sinh và giáo viên đối với Bộ GD&ĐT”, cô Phương Anh nói.

Liên quan đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Sinh học trùng đề ôn tập bất thường, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết, ngay sau khi dư luận, báo chí thông tin về vụ việc, Bộ Công an đã đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập tổ công tác liên ngành vào cuộc xác minh. "Chúng tôi đã phát hiện một số tồn tại sơ hở trong ra đề và xây dựng ngân hàng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúng tôi đã có một số kiến nghị liên quan đến công tác thi và ra đề thi để kỳ thi những năm tới được tổ chức tốt hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang điều tra, xác minh dấu hiệu lộ, lọt đề thi", đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ cho biết.

Trước đó, ngày 23/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh tại Kỳ thi TN THPT năm 2021.  Bộ GD&ĐT đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định.

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP