Dọc đường

Khi người trẻ làm du lịch

Chắc hẳn chúng ta cũng đã gặp không ít người làm du lịch thực sự bằng cái tâm đam mê. Tôi đặc biệt muốn nói đến những người trẻ làm du lịch bằng sự nhiệt tình, chuyên nghiệp, chân thành. Tôi đã gặp và mong muốn chia sẻ những câu chuyện nhỏ tốt lành này…

An Lê

Tôi hay bạn, đều đã từng nghe, từng thấy hay thậm chí là “nạn nhân” của những kiểu kinh doanh dịch vụ “chặt chém”, nhất là khi đi du lịch đến những vùng đất lạ. Chắc cũng không ít lần phải lắc đầu ngán ngẩm vì kiểu làm ăn thế này chỉ khiến chúng ta thụt lùi… Nhưng đừng vội mất niềm tin, bởi những “con sâu” đó không phải đại diện cho hình ảnh du lịch Việt Nam.

Sông Nho Quế nhình từ đỉnh Mã Pí Lèng - một điểm đến du lịch hấp dẫn ở Hà Giang

Sông Nho Quế nhìn từ đỉnh Mã Pí Lèng – một điểm đến du lịch hấp dẫn ở Hà Giang.

Đón ở bến xe

Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc, có lẽ là một điểm đến hấp dẫn của mùa xuân, khi còn hồng thắm sắc đào, vàng tươi hoa cải, và đâu đó những cây gạo nở sớm đã thắp lửa đỏ rực giữa cao nguyên đá. Chúng tôi đến Hà Giang với lịch trình đi bằng xe khách đến thành phố và thuê xe riêng đi cao nguyên đá – Mã Pí Lèng để có lái quen cung đường. Vì xe khách sẽ đến Hà Giang lúc 4h sáng, tôi gọi cho nơi thuê xe để hỏi về thời gian và địa điểm đón, thông tin nhận được chỉ đơn giản là: “Chị cứ đến nơi, xe vào bến thì gọi cho em”. Không khỏi có chút lo ngại về khả năng bơ vơ ở một thành phố lạ khi ngày chưa rạng…

Đúng 4h sáng, xe vào bến, chưa kịp móc điện thoại ra gọi thì bác tài bảo: “Các cô có xe đón hả? Đây rồi”. Mấy chị em lục tục xuống xe, tiếng bác tài nói với ra ngoài cửa: “Gớm, tưởng ai, ngay gần đây mà không bảo tôi vòng qua cho khách xuống, đỡ phải đón”. Chỉ nghe tiếng cười hiền đáp lại: “Thôi để cháu đón các chị ấy được rồi”…

Cậu thanh niên sinh năm 1990, tên Luân, đưa chúng tôi về homestay của gia đình, cách bến xe chưa đầy 500m. Nghỉ ngơi, nằm chợp mắt một lúc chờ sáng, dậy tắm rửa, ăn sáng và lên đường… Những việc ấy không nằm trong kế hoạch vì chúng tôi chỉ thuê xe của Luân đi cao nguyên đá và vòng về trong 2 ngày. Thậm chí lúc đầu chúng tôi còn thương lượng với nhà xe cho nghỉ lại trên xe chờ sáng thì đón xe của Luân và lên đường luôn.

Điều đáng nói là tất cả việc ngủ nghỉ, tắm giặt ở homestay của Luân trong buổi sáng ấy em đều không tính tiền, với lý do rất đơn giản là “các chị cần nghỉ ngơi cho khoẻ lại một chút vì hành trình hôm nay sẽ rất mệt”. Cậu thanh niên ấy bảo: “Có thể em nói địa chỉ để xe khách đưa đến thẳng homestay nhưng sợ còn sớm thế này mà lỡ ra các chị không tìm được nhà phải loanh quanh ngoài đường thì khổ, biết hỏi được ai, nên thôi em chạy qua đón, cũng chỉ vài phút thôi, mà yên tâm…”.

Câu nói mộc mạc, chân tình của em khiến cho chúng tôi cảm thấy mình được quan tâm, thật gần gũi, mới gặp lần đầu mà đã có thể thân quen, tin cậy. Cảm giác ấy vào lúc 4h sáng ở một nơi xa lạ thật sự dễ chịu…

Cốc trà nóng

Cao nguyên đá nhạt nắng cũng là lúc cái lạnh giá, âm u của chiều tà trùm xuống rất nhanh. Chúng tôi vào làng Lô Lô Chải ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú tìm homestay đã đặt trước làm chỗ nghỉ đêm. Lô Lô Chải đẹp huyền thoại với những nếp nhà trình tường của người Lô Lô, Hà Nhì, với những mái nhà cũ kỹ rêu phong nhuốm màu thời gian… Chiều càng muộn càng lạnh dần, không gian trở nên thưa vắng, tĩnh mịch. Một chút cảm giác rờn rợn của sự yên ắng, trống trải, của màu không gian xam xám tối dần… khiến chúng tôi đành lùi bước khi đứng trước ngôi nhà trình tường mà tối đó lẽ ra sẽ ngủ lại…

Tìm kiếm trên các trang mạng du lịch một homestay khác ở Đồng Văn với hy vọng sẽ đông vui hơn; một nhà sàn ngay ngã ba đường, đầy ắp ánh sáng, đúng những gì chúng tôi mong đợi. Vừa bước xuống xe, gió lạnh buốt ập vào mặt, cả mấy chị em run cầm cập. Cái lạnh càng lúc càng trở nên run rẩy, cảm giác như những cơn rét run từ trong ruột rét ra, đến mức không thể đứng nổi. Quần áo không đủ ấm vì cả ngày vẫn nắng chang chang, có lúc còn phải mặc cộc tay, nhưng đến giờ nhiệt độ xuống 5 độ C cộng với cái lạnh của gió rít giữa cao nguyên mênh mông và sương đêm buốt giá đã làm cho chúng tôi co ro, tím tái.

Một góc nhỏ xinh ở homestay của Quý tại Đồng Văn

Một góc nhỏ xinh ở homestay của Quý tại Đồng Văn.

Đón chúng tôi ở homestay ấy là Quý, cậu thanh niên sinh năm 1993. Quý vội dừng tay dọn dẹp chuẩn bị lửa trại ở sân, dẫn chúng tôi đi xem chỗ nghỉ. Chân bước trên sàn nhà gỗ mà cứng đơ vì lạnh. Đứng lên mấy tấm đệm ngủ trên sàn, mong chút hơi ấm thì cái giá ngắt từ mặt đệm buốt lên đến nửa ống chân.

Thấy chúng tôi run lên vì rét, Quý bảo: “Hôm nay đỡ lạnh đấy, chứ nhiều đêm rét còn không cảm giác gì luôn. Để em đi pha cho các chị mấy cốc trà nóng”. Chưa đầy 2 phút sau, chúng tôi đã mỗi người có một cốc trà bốc hơi trên tay, ấm dần khi nhấp môi uống ngụm trà. Đường cũng giúp tiếp thêm chút năng lượng. Nhưng thật sự không thể ở lại, nằm trên những tấm đệm này có lẽ chúng tôi sẽ hóa “đá”…

Nhìn vẻ ái ngại của chúng tôi khi xin lỗi vì đã làm phiền em, thái độ và giọng nói rất chân thành, Quý bảo: “Vâng, nhìn các chị lạnh quá em cũng thấy tội. Thôi các chị vào thị trấn đi, kiếm nhà nghỉ nào có điều hòa cho ấm, chứ ở nhà sàn chắc không chịu nổi đâu”. Em từ chối khi chúng tôi muốn trả tiền trà, và vội vã trở lại với công việc chuẩn bị lửa trại và bữa tối cho khách.

Cốc trà nóng và thái độ chân thành của chàng thanh niên ấy không chỉ giúp chúng tôi bớt lạnh, mà quan trọng hơn là cảm giác ấm áp trong lòng, dù ngoài trời gió vẫn lạnh buốt, tê cóng. Chúng tôi chia tay em với lời hẹn sáng mai sẽ quay lại uống trà và chụp ảnh. Homestay của em quá đẹp…

Chai nước làm dịu cái yên xe bỏng rát

Chuyến đi này gặp gỡ những người trẻ như Luân, Quý khiến tôi nhớ đến cậu lính hết nghĩa vụ về làm du lịch gia đình ở Cù Lao Xanh, Quy Nhơn tôi đã gặp cách đây chừng nửa năm. Chuyên nghiệp theo cách rất nhiệt tình, chu đáo và chân thành, Toàn, tên chàng thanh niên mới ngoài 20 ấy, xông xáo tìm tòi những điểm hấp dẫn, chụp ảnh đẹp để thiết kế tour phục vụ khách, cố gắng giới thiệu đến du khách những nét đẹp của vùng đất, biển trời quê hương. Em luôn có cách giúp mọi người tận hưởng trọn vẹn một ngày vui trên đảo.

Toàn luôn chú ý nâng bước cho du khách khi leo lên những mỏm đá cheo leo.

Toàn luôn chú ý nâng bước cho du khách khi leo lên những mỏm đá cheo leo.

Điều đặc biệt ở Toàn không chỉ là sự nhiệt tình, sẵn sàng lăn xả chụp những bức ảnh đẹp cho tất cả mọi khách du lịch, dù đoàn đông hay ít người; với tôi ấn tượng đẹp nhất về em có lẽ là những chai nước luôn xách theo mình. Nắng hè trên cù lao bỏng rát, chúng tôi đều luôn tự đem theo nước uống, nhưng Toàn vẫn xách theo hai chai nước to, vừa để bổ sung nước khi mọi người uống cạn, nhưng quan trọng hơn, là để dội yên xe máy…

Ở mỗi điểm dừng, chúng tôi xuống ngắm cảnh, chụp ảnh, khi quay lại yên xe máy phơi cả tiếng đồng hồ dưới cái nắng gắt gao, cháy bỏng, 40 – 42 độ C, sẽ là nỗi ám ảnh nếu phải ngồi lên. Lần nào tôi cũng thấy em lẳng lặng cầm chai nước dội lên các yên xe, lau qua lau lại cho hạ nhiệt trước khi khách ngồi lên. Cử chỉ nhỏ đó đủ làm mát lòng, dù là người khó tính nhất. Và tôi tin sự ân cần ấy có mặt trong mọi việc em làm…

Những câu chuyện nhỏ về Luân, Quý hay Toàn luôn khiến tôi có niềm tin vào những người trẻ. Dù làm công việc gì, thực sự yêu lao động, say mê, nhiệt tâm với việc mình làm, chắc chắn các em sẽ thành công. Và du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước nếu có ngày càng nhiều những người làm nghề có tâm như các em.

An Lê

BẢN DESKTOP