Y học và đời sống

Khi nào cần tầm soát ung thư phổi

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu đưa đến tử vong trong các căn bệnh ung thư trên toàn thế giới. Hút thuốc là tác nhân chính gây ra ung thư phổi.

Hỏi: Chồng tôi hút thuốc lá liên tục từ thời còn thanh niên, đến giờ mỗi ngày hút hết hơn 1 bao thuốc. Gần đây chồng tôi khạc nhổ liên tục, tôi rất lo chồng tôi bị ung thư phổi. Có cách nào tầm soát sớm ung thư không?

Chu Phương Anh (Thanh Trì, HN)

PGS.TS Hoàng Thị Phượng, chuyên khoa Hô hấp, BV đa khoa Medlatec cho biết, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu đưa đến tử vong trong các căn bệnh ung thư trên toàn thế giới. Hút thuốc là tác nhân chính gây ra ung thư phổi. Ở các nước phát triển, một nghiên cứu năm 2000 đã chỉ ra, 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới là do hút thuốc và đối với phụ nữ là 70%. Năm 2018, tại Việt Nam có gần 24 nghìn ca mới mắc bệnh nhân ung thư phổi, phần lớn bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn (70%), điều trị khó khăn. Mặc dù có nhiều tiến bộ mới trong việc chẩn đoán cũng như điều trị, nhìn chung tiên lượng sống còn sau 5 năm vẫn còn thấp khoảng 10-20%. Do vậy, việc tầm soát và phát hiện ung thư phổi sớm là mục tiêu của y học hiện đại, mang lại lợi ích trong việc giảm mức độ bệnh tật cũng như giảm chi phí điều trị, kéo dài thời gian sống và giảm thiểu tỷ lệ tử vong của bệnh.

Nhóm người bệnh có nguy cơ cao nên tầm soát ung thư phổi ngay là những người có tuổi ≥ 55, hút thuốc lá ≥ 30 gói năm (trừ khi đã ngừng hút > 15 năm); nhóm người ≥ 50 tuổi, hút thuốc lá ≥ 20 gói năm, có một yếu tố nguy cơ khác ngoại trừ hút thuốc lá thụ động.  Ngoài ra khi có các triệu chứng sau đây thì nên đi tầm soát ung thư phổi ngay: Ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, mệt, gày, sút cân; có thể có thay đổi giọng nói, đau khi nuốt hoặc khò khè.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP