Bình luận

Khen chê cũng cần có văn hóa

có mấy ai hoàn hảo về hình thể? Chúng ta phải trân trọng con người, tuyệt đối không được lôi cái khiếm khuyết về hình thể người khác ra “ném đá”. Tất nhiên, dư luận, công chúng có quyền khen, chê. Nhưng khen chê cũng cần có văn hóa”, nhà thơ Dương Kỳ Anh, “cha đẻ hoa hậu Việt Nam” tâm sự.

Nhà thơ, “cha đẻ hoa hậu Việt Nam” Dương Kỳ Anh.

Ở đời có mấy ai hoàn hảo đâu!
Ngay khi vừa mới đăng quang, Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh đã nhận không ít “gạch đá” từ phía dư luận về việc cho rằng nhan sắc của cô không xứng tầm hoa hậu. Nhiều người đã chế, so sánh đôi môi cô với “cá dọn bể”, “bị ong đốt”, “người đẹp Formosa” (ý nói ăn phải nước ô nhiễm mà thành)… Ông có nhận xét gì về cách phản ứng của dư luận?
Tôi không đồng tình cách phản ứng như vậy. Phản ứng như vậy là không văn hóa. Chúng ta phải trân trọng con người, tuyệt đối không được “ném đá” vào những việc như thế. Bởi ở đời có mấy ai hoàn hảo đâu, ai chả có cái thiếu sót của mình, sao lại lấy cái thiếu sót của người khác ra để chế giễu?
Dư luận cho rằng cái lỗi của cô hoa hậu ở đây không phải là chuyện “xấu”, mà là việc đã “xấu” thì “ở nhà”, đừng có đi dự thi hoa hậu. Còn đã đi thi, trở thành hoa hậu thì phải chấp nhận việc bị dư luận chê cười?
Ồ, đi thi hoa hậu là việc của cô ấy. Ai chẳng có quyền đến một cuộc thi sắc đẹp như một ngày hội văn hóa. Còn việc lấy hình thể một người phụ nữ ra bêu riếu trên mạng đó là hành vi không chấp nhận được. Người ta chọn cô ấy làm hoa hậu chứ có phải cô ấy tự chọn mình đâu!
Kể cả việc cô ấy đã từng phẫu thuật thẩm mỹ sao, thưa ông?
Việc này tôi không nắm rõ, nhưng tôi cho rằng trách nhiệm xác minh này thuộc về Ban tổ chức. Nếu họ cho rằng cô ấy đủ điều kiện để dự thi thì cô ấy chẳng có lỗi gì cả.

Hoa hậu trước hết phải đẹp
Là người khởi xướng ra cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, nhiều năm liền ngồi ghế trưởng ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu, được coi là “cha đẻ hoa hậu Việt Nam”, theo ông, tiêu chuẩn của một hoa hậu là gì?
Một hoa hậu tiêu chuẩn đầu tiên phải là sắc đẹp. Vì thi hoa hậu là thi sắc đẹp mà, cho nên sắc đẹp phải là tiêu chí đầu tiên. Một sắc đẹp hài hòa. Thứ nhất là hài hòa về hình thể, phải hài hòa từ dáng đi, dáng đứng đến gương mặt, mái tóc, đôi mắt, đôi môi… Thứ hai là hài hòa giữa hình thức và nội dung. Một hình thể đẹp đồng thời phải có phẩm chất tương xứng. Thực tế có những cô gái sắc đẹp tuyệt vời, có thể đi thi hoa hậu thế giới. Thế nhưng, cũng không trở thành hoa hậu, vì ứng xử lại không được tốt, không ngang tầm sắc đẹp.
Để chọn được một người như thế có khó không, thưa ông?
Quá khó ấy chứ. Trong hàng triệu người may mắn ra mới có được một người như vậy. Người ta vẫn thường nói “trời không cho ai tất cả” nhưng thực tế vẫn có những hoa hậu vừa có tri thức, thông minh, vừa đẹp. Như hoa hậu Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thiên Nga… Tất nhiên là quá hiếm, nhưng không có nghĩa hiếm là không có.
Vấn đề là làm sao chọn ra được một hoa hậu hội tụ đủ các tiêu chí như vậy, chứ không phải vì đổ tại hiếm mà trao vương miện cho người không xứng đáng, thưa ông?
Chính vì vậy nên Báo Tiền phong 2 năm mới tổ chức thi hoa hậu Việt Nam một lần, thì mới đủ thí sinh có chất lượng để lựa chọn. Và, mỗi cuộc thi báo tổ chức nhiều vòng, ở nhiều khu vực khác nhau, trong thời gian gần mấy tháng liền; ban giám khảo cũng phải lựa chọn rất kỹ…
Bản thân ông có nhận xét gì về nhan sắc của Hoa hậu đại dương năm nay?
Tôi không phải là ban giám khảo cuộc thi này nên không thể nhận xét chuẩn xác được. Kinh nghiệm chấm thi hoa hậu nhiều năm cho tôi thấy có những thí sinh không ăn ảnh, trên truyền hình không đẹp bằng ở đời thực. Chỉ nhìn qua ảnh hay qua truyền hình nhiều khi chưa chuẩn xác. Tôi chỉ nhìn qua ảnh và thấy gương mặt hoa hậu chưa thật hài hòa…

Đừng để “ra ngõ gặp hoa hậu”
Gần đây, đã không ít những lùm xùm xung quanh các cuộc thi hoa hậu. Dư luận cũng nói rất nhiều về chất lượng các danh hiệu hoa hậu. Và danh hiệu hoa hậu dường như cũng “mất thiêng”. Việc phản ứng với Ngân Anh lần này cũng tựa như “giọt nước tràn ly” trước những bức xúc dồn nén. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Tôi cũng thấy băn khoăn và buồn vì dư luận không hay về một số cuộc thi người đẹp những năm gần đây.Từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do chúng tôi khởi xướng đã coi việc thi hoa hậu là một hình thức sinh hoạt văn hóa mới ở Việt Nam, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ chứ không phải vì bất cứ mục đích nào khác. Gần đây, tôi có cảm tưởng một số cuộc thi sắc đẹp còn có mục đích khác hay sao ấy!
Điều đó sẽ dẫn tới hệ lụy như thế nào, thưa ông?
Tất nhiên, thi hoa hậu mà không vì mục đích cao nhất là cái đẹp thì sẽ tạo ra mặt trái. Nó làm cái danh hiệu hoa hậu mà người ta ngưỡng mộ rẻ rúng đi. Nếu danh hiệu được trao cho hoa hậu không xứng tầm sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Trước đây, để tổ chức một cuộc thi hoa hậu công phu, vất vả lắm. Phải tổ chức ở cả 4 khu vực: Khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung, khu vực TPHCM và miền Đông Nam bộ; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi khu vực lại thi 3 đêm liền, suốt 6, 7 tháng trời, chọn đi chọn lại. Vì hoa hậu là đại diện cho sắc đẹp cả nước, thế giới người ta nhìn vào, là thương hiệu, thể diện quốc gia cơ mà.
Để tránh tình trạng danh hiệu trao cho người không xứng tầm, bản thân ông có kiến nghị gì?
Tôi nghĩ cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ khi cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp. Cần xem xét cuộc thi nào thì gọi là thi hoa hậu, chứ không phải cuộc thi người đẹp nào cũng gọi là thi hoa hậu. Cùng với đó, sẽ chỉ có vài cuộc thi được trao danh hiệu hoa hậu. Còn lại thì gọi là người đẹp hay hoa khôi chứ không phải như tình trạng hiện nay, như câu nói vui “ra ngõ gặp hoa hậu”…
Trân trọng cảm ơn ông!

Sau đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017, chưa kịp tận hưởng niềm vui thì Lê Âu Ngân Anh, người đoạt vương miện giành chiến thắng đã trở thành đề tài bàn tán của một bộ phận cư dân mạng. Hàng loạt ảnh chế, những lời dè bỉu, khoảnh khắc đăng quang kém xinh của cô gái này được chia sẻ tràn lan. Đặc biệt, đôi môi hoa hậu bị lôi ra chế giễu, châm biếm… Cuộc thi cũng vướng phải nhiều lùm xùm xung quanh tin đồn về việc mua giải, thí sinh có can thiệp thẩm mỹ, BTC thiếu tôn trọng cựu hoa hậu 2016 Đặng Thu Thảo khiến cô đòi trả lại vương miện, cách tổ chức thi sơ sài, thiếu chuyên nghiệp… Cuộc thi một lần nữa khiến dư luận dấy lên câu hỏi về chất lượng các cuộc thi hoa hậu nở rộ gần đây.

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP