Khoa học & Công nghệ

Khẩu trang vải “nghèo” tác dụng

Kết quả một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học sức khoẻ môi trường tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) cho thấy rằng, các loại khẩu trang vải rẻ tiền có thể đem lại cho người dùng một cảm giác sai lầm về độ an toàn, đặc biệt là trong khu vực bị ô nhiễm cao.

Khẩu trang bằng vải rất “nghèo” tác dụng

Chỉ có khẩu trang bằng vải Plain “nhỉnh hơn”

Các khoa học tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) là những người đầu tiên nghiên cứu một cách nghiêm ngặt kiểm tra khẩu trang y tế dùng một lần và khẩu trang vải giặt được, hiện đang sử dụng rộng rãi ở Đông Nam Á để bảo vệ các cá nhân khỏi tiếp xúc với các hạt vật chất trong không khí.

Nghiên cứu cho thấy, việc “đeo mặt nạ vải (khẩu trang) làm giảm tiếp xúc tới một mức độ nào”, nhưng các sản phẩm mặt nạ vải hiện được sử dụng phổ biến hầu hết lại rất “nghèo” tác dụng. “Điều này có nguy cơ sức khoẻ cộng đồng rõ ràng”, GS Richard Peltier, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, ông thực sự bị sốc khi không tìm được bất kỳ nghiên cứu nào về các loại khẩu trang này và tự hỏi liệu chúng có hiệu quả bảo vệ thực tế đến đâu.

Chỉ có mặt nạ vệ sinh công nghiệp tiêu chuẩn được thử nghiệm tốt; nhưng mặt nạ như vậy lại không có sẵn ở hầu hết các nước đang phát triển và ở mức giá 3 – 4 đô la mỗi cái (tương đương khoảng 65.000 – 85.000đ/sản phẩm) sẽ là quá đắt đối với hầu hết người tiêu dùng. Ngược lại, mặt nạ vải tái sử dụng chỉ có giá vài ba nghìn đồng có thể được giặt và dùng lại trong nhiều tháng.

Trong một loạt các thí nghiệm với nhiều loại khẩu trang thông dụng hiện nay, các nhà khoa học đã thử nghiệm với 5 kích thước hạt khí dung tổng hợp khác nhau cộng với 3 kích cỡ hạt của khí thải động cơ diesel pha loãng, mô phỏng trong điều kiện thực tế.

Chỉ có một loại chất liệu vải Plain loại bỏ 80 – 90% của các hạt tổng hợp và khoảng 57% của khí thải động cơ diesel. Loại vải này “nhỉnh” hơn một chút trong việc bảo vệ người đeo khẩu trang khỏi các hạt nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2.5), thường được coi là có hại nhiều hơn so với các hạt lớn hơn, bởi vì chúng có thể xâm nhập vào phổi dễ dàng hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng, các loại thực phẩm giàu vitamin nhất định có thể giúp cơ thể dẻo dai hơn, phòng chống những tác hại đối với cơ thể do ô nhiễm gây ra. Tăng lượng tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin A và beta-carotene, là những chất dinh dưỡng hỗ trợ việc hình thành và duy trì màng nhầy ở đường mũi họng và đường ruột, làm tăng khả năng chống nhiễm trùng. Tăng cường vitamin E trong chế độ ăn uống để giúp bảo vệ chống lại các tổn thương tế bào, làm tăng cung cấp oxy cho các tế bào và do đó, tăng cường hệ thống miễn dịch.

Theo Wikihow

Tự bảo vệ bằng nhiều cách

GS Richard Peltier hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ giúp mọi người nhận ra rằng, khẩu trang chỉ hữu ích ở giới hạn nào đó trong việc bảo vệ mình khỏi các hạt ô nhiễm có hại. Thế nhưng, dù thế nào thì có che chắn bảo vệ cũng hơn là không có gì.

Còn bà Nguyễn Thi Anh Thư, chuyên gia về ô nhiễm không khí tại Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID Việt Nam) cũng cho rằng, các loại khẩu trang vải thông thường chỉ lọc được các hạt bụi lớn và không thể ngăn được hạt bụi nhỏ như PM 2.5 và các chất gây ô nhiễm. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn nên thường xuyên sử dụng khẩu trang khi ra ngoài, khi tham gia giao thông và tại những nơi có mức độ ô nhiễm cao để hạn chế phần nào sự tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

Khẩu trang vải thông thường chỉ lọc được các hạt bụi lớn và không thể ngăn được hạt bụi nhỏ như PM 2.5 và các chất gây ô nhiễm.

Theo tìm hiểu của KH&ĐS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí vào loại nguy cơ sức khoẻ môi trường lớn nhất thế giới. WHO cũng khuyến cáo người dân nên trang bị cho mình những hiểu biết về mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực mình sinh sống, để từ đó thay đổi các hành vi, hoạt động của mình để giảm bớt ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với bản thân.

Theo đó, không khí ngoài trời ở các vùng ô nhiễm nặng có thể làm tăng nguy cơ các bệnh về phổi, nhồi máu cơ tim, hen suyễn và các vấn đề sức khoẻ khác. Hãy cố gắng ở trong nhà nếu các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí cao trong khu vực bạn sinh sống. Hãy lắp đặt một bộ lọc không khí trong nhà và chú ý thay thế bộ lọc mỗi 3 – 6 tháng, tùy theo khuyến cáo của sản phẩm.

Tốt nhất nên thể dục ngoài trời vào buổi sáng hoặc buổi tối, bởi ô nhiễm không khí cao nhất khi có ánh nắng mặt trời, do đó, thể dục trong thời tiết mát mẻ ngoài trời hoặc ở một phòng tập thể dục trong nhà sẽ giúp bạn tránh tiếp xúc quá nhiều với không khí ô nhiễm.

Đức Anh

BẢN DESKTOP