Thời sự

Khát khao… của nữ Đại biểu Quốc hội, Cô giáo người Mường

  • Tác giả : Mai Loan
Là người dân tộc ít người, thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn của các học trò miền núi, cô giáo Hà Ánh Phượng đã mang hết tình yêu, tâm huyết để đưa lớp học từ “vườn chuối” của mình đến với thế giới rộng lớn.

Cô giáo Hà Ánh Phượng là người dân tộc Mường, sinh năm 1991 ở xã nghèo Thượng Long, huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Năm 2021, cô là một trong 89 ứng cử viên người dân tộc ít người đã trúng cử đại biểu Quốc hội.

Cô giáo Hà Ánh Phượng người dân tộc Mường

Cô giáo Hà Ánh Phượng người dân tộc Mường

“Tôi chỉ là một cô giáo bước ra từ vườn chuối”

Cô giáo Phượng cho biết, từ nhỏ cô đã có ước mơ làm cô giáo. “Lúc đó, tôi cũng chưa nghĩ gì nhiều, mà chỉ là khi nhìn thấy các thầy cô giáo đứng trên bục giảng, giảng bài cho các em, trong tôi dâng lên một cảm giác thích thú, ngưỡng mộ. Sau này lớn hơn, hiểu ý nghĩa về nghề thầy, về vai trò của thầy cô giáo, ước mơ ấy đã lớn dần trong tôi. Với sự cổ vũ của gia đình và của cô giáo chủ nhiệm tôi đã quyết định thi vào trường Đại học Ngoại ngữ, ngành Ngôn ngữ Anh để có thể là trở thành một cô giáo tiếng Anh.

Ngày bé tôi rất là tò mò vì không biết về việc mà những đất nước ở trên thế giới họ đã có những nền văn hóa như thế nào, những món ăn ra sao…”, cô Hà Ánh Phượng chia sẻ.

Khát khao đạt được ước mơ, cùng với sự nỗ lực cố gắng, cô Hà Ánh Phượng đã xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp THPT với học bổng danh giá “Hoa Trạng Nguyên” và thi đỗ vào Trường Đại học Hà Nội khoa Ngôn ngữ Anh năm 2009. Năm 2011, cô Phượng là 1 trong 14 sinh viên châu Á đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.

Năm 2013 cô Phượng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Cô được mời làm Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên tại một công ty dược của Pakistan với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, cô đã quyết định lựa chọn học tiếp lên thạc sĩ, rồi quay về mảnh đất quê hương, thực hiện mơ ước từ nhỏ của mình và chắp cánh, giúp các em học sinh nghèo giống như cô ngày xưa viết lên những giấc mơ.

“Tôi chỉ là một cô giáo bình thường bước ra từ vườn chuối”, cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết và theo cô, đó không phải là cách nói ví von, văn học, mà là sự thực.

Từ bỏ nhiều cơ hội tốt để về giúp học trò nghèo

Về công tác tại Trường THPT Hương Cần từ năm 2016 đến nay, cô Hà Ánh Phượng đã có những sáng kiến, sáng tạo đột phá trong giáo dục được quốc tế ghi nhận, trong đó có mô hình lớp học xuyên biên giới, kết nối học trò với các trường nước ngoài qua ứng dụng Skype.

Cô Hà Ánh Phượng chỉ dậy cho các bạn học sinh

Cô Hà Ánh Phượng chỉ dậy cho các bạn học sinh

Cô chia sẻ: “Trong một buổi sinh hoạt chuyên môn của lớp học xuyên biên giới, nhà bị mất điện, tôi đã ra ngồi ở vườn chuối bắt nhờ wifi nhà hàng xóm để tiếp tục giao lưu với các giáo viên toàn thế giới”.

Trong hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Phượng càng thêm thương những học trò nghèo. Từ bỏ những cơ hội tốt khác, chọn về Trường THPT Hương Cần, nơi có đến hơn 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, với niềm tin chỉ cần trao cơ hội, bất kỳ học sinh nào cũng có thể phát huy được khả năng của bản thân cùng quan niệm dù ở đâu, học trò cũng đều được thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất, cô giáo Hà Ánh Phượng đã làm nên được điều kỳ diệu.

Và điều tuyệt vời nhất, không chỉ mang lại cho các em kiến thức, mà cô giáo Hà Ánh Phượng đã truyền cảm hứng cho các học sinh và cả những đồng nghiệp của mình về tình yêu thiết tha đối với nghề, với con người, với sự nghiệp giáo dục.

Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Hà Ánh Phượng còn tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ và dạy văn hóa Việt Nam cho những đứa trẻ gốc Việt ở California (Mỹ).

Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize)

Năm 2020, Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Varkey Foudation - một giải được coi như “Giải Nobel” về giáo dục lựa chọn.

Đạt Giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020; đạt Học bổng toàn phần Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chương trình SEAYLP; Danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; Bằng khen Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Trách nhiệm nặng nề khi là đại biểu Quốc hội

Cô Phượng cho biết, vừa là một giáo viên, vừa là một đại biểu Quốc hội, cô cảm thấy gánh trên vai trách nhiệm rất lớn lao với rất nhiều niềm tin gửi gắm từ cử tri.

“Không chỉ các thầy cô giáo ở Phú Thọ, mà còn rất nhiều giáo viên ở các địa phương khác cũng gửi đến tôi những lời nhắn, tâm sự, thậm chí có những người gửi cho tôi một bức thư dài gần 5 trang chỉ kể về những khó khăn của mình. Trong đó, có bức thư của một cô giáo mầm non đã khiến tôi rất xúc động. Cô giáo đó đi dạy đã10 năm rồi vẫn chưa được vào biên chế, mức lương hiện tại chỉ trên 2 triệu. Tôi nghĩ rằng, với mức lương đó, nếu không yêu nghề và không thực sự tâm huyết thì chắc chắn những giáo viên như cô sẽ khó gắn bó với nghề giáo”, cô Phượng chia sẻ.

Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize).

Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize).

Hiểu thực tế còn nhiều khó khăn, cùng với những chia sẻ của cử tri, trong những góp ý của mình, cô giáo, đại biểu Hà Ánh Phượng mong trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ giáo viên.

Trong đó có chính sách tiền lương, vấn đề về cải thiện cái môi trường và chất lượng làm việc cho giáo viên, đặc biệt là những thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa và cả nhân viên trường học. Để các thầy cô có thể yên tâm công tác, phát huy hết sức sáng tạo của mình.

“Tôi quan niệm, người thầy không chỉ là người truyền đạt cho các em về kiến thức, mà còn “đóng nhiều vai”, có khi là một người bạn, người anh người chị, như cha mẹ của học sinh… là người truyền cảm hứng. Và trong bối cảnh ngày nay, một trong những điều mà thầy cô giáo cần phải làm, đó là không ngừng phát triển chuyên môn để có thể đáp ứng sự thay đổi của thời đại”, cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ.

Mai Loan

BẢN DESKTOP