Khám phá

Kháng sinh thế hệ 2 hết tác dụng ở Việt Nam

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam – ông Kidong Park cho biết, con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do nhiễm trùng vết thương mà kháng sinh không đáp ứng.

Việt Nam đã phải sử dụng kháng sinh thế hệ 3 – 4

Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Ở trẻ nhỏ, tình trạng kháng kháng sinh cũng trở nên nghiêm trọng. Theo đánh giá khảo sát tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.

Đây là điều đáng lo ngại bởi theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, không phải bệnh gì dùng thuốc kháng sinh cũng khỏi, nếu dùng không đúng sẽ nguy hại đến sức khỏe. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ.

Không thể thấy các biểu hiện của bé giống bệnh này rồi tự ý mua thuốc điều trị bệnh. Hoặc không nên thấy các mẹ khác nói con họ bị như vậy dùng thuốc này là khỏi mà nghe theo và áp dụng vào con mình. Bởi mỗi trẻ là một cá thể khác nhau, yếu tố cơ địa mỗi bé một khác nên cùng một bệnh nhưng với mỗi bé lại có cách điều trị riêng.

Có thể tử vong chỉ vì vết cắt

Ông Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, nếu dùng thuốc kháng sinh thiếu cân nhắc, lạm dụng kháng sinh sẽ gây tình trạng kháng thuốc, thậm chí còn gia tăng các biến cố có hại của thuốc không đáng có như dị ứng, sốc phản vệ, chảy máu đường tiêu hóa…, tăng tỉ lệ nhập viện cũng như tỉ lệ tử vong, từ đó dẫn tới tăng gánh nặng về kinh tế cho gia đình người bệnh và xã hội.

“Nếu lạm dụng kháng sinh kéo dài mà không có kiểm soát, số lượng bệnh nhân tử vong do kháng thuốc sẽ tăng từ 700.000 người mỗi năm hiện nay lên hàng chục triệu người vào năm 2050. Con người có thể bị tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do nhiễm trùng vết thương mà kháng sinh không đáp ứng”, ông Kidong Park cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến lo ngại, phần lớn các loại kháng sinh thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2 hiện nay đều không còn tác dụng đặc hiệu. Các bệnh viện hầu hết đều phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị. Để kiểm soát tình trạng kháng thuốc kháng sinh hiện nay, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, các bệnh viện hiện đều phải thực hiện kê đơn thuốc theo đúng chỉ định, quy định, quy chế kê đơn thuốc nội trú và ngoại trú do Bộ Y tế ban hành. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng thành lập Hội đồng dược, thuốc, để hàng tuần xem xét bệnh án, đơn thuốc của bác sĩ kê cho bệnh nhân có hợp lý hay không.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khuyến cáo: Người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi bác sĩ kê đơn, không sử dụng lại đơn thuốc kháng sinh trước đó hoặc của người khác, tìm mọi cách để bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn nhằm giảm thấp nhất việc sử dụng kháng sinh.

Mai Nguyễn (tổng hợp)

BẢN DESKTOP