Thời sự

Khám sức khỏe tiền hôn nhân, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô

  • Tác giả : Thúy Nga
Năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 31,9%; chỉ tiêu năm 2023 là 50%. Trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội đã vượt kế hoạch đề ra, đạt 53,4%. Vậy tại sao phải khám sức khỏe tiền hôn nhân?

Vượt chỉ tiêu khám sức sức khỏe tiền hôn nhân

Ông Vũ Duy Hưng, Chi Cục trưởng Chi Cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố luôn xác định công tác dân số là bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển Thủ đô, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng.

Công tác dân số và phát triển của Thành phố đã đạt được những thành tựu đáng kể: Về quy mô dân số, năm 2022, dân số trung bình khoảng 8,4 triệu người chiếm khoảng 8.4% dân số cả nước, toàn Thành phố đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ -TFR: 2,1 con).

Về cơ cấu dân số, Thành phố đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh: tỉ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) năm 2022 là 110,8/100, dự kiến 2023 là 112/100.

Tháng hành động quốc gia dân số năm 2023 với chủ đề "tham gia tư vấn & khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước"

Tháng hành động quốc gia dân số năm 2023 với chủ đề "tham gia tư vấn & khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước"

Hiện nay, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao, tỉ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm, dự kiến, năm 2023 tỉ lệ sàng lọc trước sinh toàn Thành phố ước đạt 83%, tỉ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88%.

Nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: Mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù…

Từ năm 2021, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã giao chỉ tiêu về tỷ lệ các cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các tỉnh, thành phố.

Năm 2023, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao chỉ tiêu mỗi năm tăng thêm ít nhất 15% so với năm 2022.

Ông Vũ Duy Hưng cho biết,trong năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%; chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%. Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra).

Thời điểm vàng khám tiền hôn nhân cho hạnh phúc lứa đôi

BSCKII Phạm Thuý Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản & Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều bạn trẻ vẫn chưa biết đến khái niệm khám sức khỏe tiền hôn nhân, hoặc rất thờ ơ với việc này. Hầu hết các bạn trẻ chủ yếu tìm hiểu về gia đình, đạo đức, trình độ, tính cách… trước khi cưới, ít người có ý thức tìm hiểu về sức khỏe sinh sản của bạn đời - một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hôn nhân.

Quận Tây Hồ tổ chức diễu hành nhân tháng hành động quốc gia dân số năm 2023 với chủ đề "tham gia tư vấn & khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước"

Quận Tây Hồ tổ chức diễu hành nhân tháng hành động quốc gia dân số năm 2023 với chủ đề "tham gia tư vấn & khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước"

Không ít bạn trẻ e ngại việc khám sức khỏe tiền hôn nhân như là cách kiểm tra nhau, hoặc cảm thấy tự ái vì bị nghi ngại về sức khỏe. Đối với các bạn nữ chưa từng đi khám phụ khoa, việc vượt qua rào cản tâm lý là một điều rất khó khăn. Đối với những bạn có bí mật thầm kín thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể phơi bày chuyện họ muốn giấu…

Theo BSCKII Phạm Thúy Nga, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng mà còn cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Đây là những việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh di truyền, nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.

Thực tế cho thấy, không ít cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản, như: Hiếm muộn, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… Nguyên nhân khiến giới trẻ chưa chủ động đi khám sức khỏe trước hôn nhân là do còn e ngại, nhiều người chủ quan cho rằng mình không có bệnh nên không cần đi khám; một số khác biết mình bị viêm gan B, gia đình có yếu tố di truyền … nên lo sợ nếu bị phát hiện thì không thể kết hôn.

Việc khám sức khỏe trước hôn nhân không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ của mình. Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bạn sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà vốn trước đó bạn chưa có kinh nghiệm.

"Tham gia tư vấn & khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước"

"Tham gia tư vấn & khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước"

Bạn được tư vấn để chuẩn bị mang thai, sinh đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn. Tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục, tránh gặp phải những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản. Bên cạnh đó, có thể phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.

Theo BSCKII Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, 6 tháng trước hôn nhân là "thời điểm vàng" để các cặp đôi tiến hành khám tiền hôn nhân.

Khi đến khám tiền hôn nhân tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chẳng hạn, ngoài khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản, cặp đôi còn được tầm soát các bệnh lý di truyền, các bệnh truyền nhiễm và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ chồng cũng như con cái sau này. Các cặp vợ chồng chưa muốn có con được sẽ tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình...

BSCKII Nga phân tích, cần đi khám tiền hôn nhân là bởi nếu có bệnh lý toàn thân, bệnh lý mạn tính thì sẽ được điều trị để có một sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Nếu một trong hai người bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì sẽ có khoảng thời gian để bác sĩ điều trị cho dứt điểm, tránh lây nhiễm cho người bạn đời. Đây là một việc làm không những bảo vệ sức khỏe cho người chồng, người vợ của mình mà còn có ý nghĩa tránh tổn thương về tinh thần, sứt mẻ tình cảm vợ chồng và góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Trên thực tế, nhiều trường hợp cả 2 vợ chồng đều không mắc bệnh di truyền nhưng cả 2 đều là người lành mang gen bệnh. Những trường hợp này, con sinh ra có thể mang cả 2 gen bệnh của bố, mẹ và sẽ mang bệnh di truyền (Ví dụ: Bệnh tan máu bẩm sinh - Thalassemia). Nếu những cặp vợ chồng này đến khám tiền hôn nhân sẽ được bác sĩ tư vấn phương pháp y học để tránh sinh ra các em bé bị bệnh, tránh được sự bất hạnh cho gia đình, gánh nặng cho xã hội. Nếu có sự bất thường về sức khỏe sinh sản thì sẽ được bác sĩ tư vấn, điều chỉnh, điều trị để có thể có con sớm nhất sau khi kết hôn…

"6 tháng trước hôn nhân là "thời điểm vàng" để các cặp đôi tiến hành khám tiền hôn nhân. Trường hợp không may phát hiện các dấu hiệu bất thường thì 6 tháng là thời gian đủ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị dứt điểm các vấn đề sức khỏe đang tồn tại. Ngoài ra, 6 tháng là hết "giai đoạn cửa sổ", nếu 1 trong 2 người hoặc cả 2 mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B,… thì hết giai đoạn cửa sổ này xét nghiệm sẽ phản ánh chính xác nhất" - BSCKII Phạm Thuý Nga đưa ra lời khuyên.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP