Thời sự

Khám phá di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ

  • Tác giả : Thanh Bình
Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ được hình thành từ những địa điểm gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 898/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Nhân dịp này, Khoa học và Đời sống xin giới thiệu đôi nét về quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, địa điểm có vai trò vô cùng quan trọng với lịch sử Việt Nam.

Tổng quan về quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ

Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ được hình thành từ những địa điểm gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 như Đồi Him Lam – nơi diễn ra trận đánh mở màn; cầu Mường Thanh – cây cầu chiến lược trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; Đồi A1 – nơi diễn ra trận đánh định đoạt số phận quân Pháp; Hầm tướng De Catries; Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; đường kéo pháo; trận địa bao vây; các đồi D1, C1…

Trải qua nhiều thay đổi, cải tạo, các di tích này vẫn giữ được toàn bộ hoặc một phần diện mạo xưa, góp phần tái hiện lại khung cảnh của cuộc chiến gian khổ và hào hùng, là niềm tự hào được truyền lại qua nhiều thế hệ người Việt Nam.

Mang trong mình giá trị lịch sử trường tồn, năm 2009, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt.

Cứ điểm đồi D1 (Dominique 2), ngày nay là nơi đặt tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cứ điểm đồi D1 (Dominique 2), ngày nay là nơi đặt tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Một số di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa

Đường kéo pháo ở Điện Biên Phủ

Đường kéo pháo ở Điện Biên Phủ là một con đường huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Pháp, kéo dài hơn 15 km từ cửa rừng Nà Nhạn qua đỉnh Pu Pha Sông. Con đường được xây dựng trong 20 tiếng đồng hồ trên địa hình hiểm trở chỉ bằng sức người với cuốc, xẻng, gậy gộc thô sơ. Nhờ sức mạnh của lòng yêu nước, của các chiến sĩ Đại đoàn 308 đã biến những sườn núi quanh co thành con đường đi tới chiến thắng.

Đồi Him Lam

Thuộc phân khu trung tâm, cách sở chỉ huy của tướng De Castries 2,5 km về phía Đông Bắc, đồi Him Lam (Pháp gọi là đồi Béatrice) được mệnh danh là “Cánh cửa sắt” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh ta đồng loạt nhả đạn, dội sấm sét xuống Him Lam. Ngay từ loạt đạn đầu tiên, ta đã bắn sập sở chỉ huy trung tâm đề kháng. Đến 23h30 phút, trận đánh kết thúc thắng lợi. Chiến thắng Him Lam có ý nghĩa mở đường cho quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đồi A1

Trong cuộc chiến Điện Biên Phủ năm 1954, đồi A1 (Pháp gọi là Eliane 2) là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Do địa thế thuận tiện cho việc tổ chức các tuyến phòng ngự cùng vị trí chiến lược đặc biệt, quân Pháp đã xây dựng đồi A1 trở hành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ. Đây là nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, với số binh sĩ thương vong của cả hai bên là cao nhất.

Vào ngày 6/5/1954, nhờ khối bộc phá 1 tấn được đào bí mật để phá sập hệ thống hầm ngầm, quân ta đã vô hiệu hóa được các ổ đề kháng trên đỉnh đồi. Sáng ngày 7/5/1954, lực lượng Việt Minh làm chủ hoàn toàn đồi A1.

Hố bộc phá trên đồi A1.

Hố bộc phá trên đồi A1.

Hầm tướng De Catries

Căn hầm nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên Phủ, vốn là Sở chỉ huy, trung tâm đầu não của Pháp. Hầm dài 8 mét, rộng 4 mét được chia làm 4 ngăn có các đường giao thông hào tới các đơn vị. Phía ngoài hầm là hàng rào dây thép và những bãi mìn lớn.

Vào ngày 7/5/1954, đại đội trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, Đại đoàn 312 – Tạ Quốc Luật đã phất cao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” trên nóc hầm De Catries, đánh dấu sự toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là một chuỗi các công trình được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong rừng Mường Phăng, chạy quanh chân núi, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km2 dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên.

Tại Sở chỉ huy này, trong vòng 105 ngày từ 31/1/1954 đến 15/5/1954, những quyết sách lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã được đưa ra, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tượng đài mừng công tại Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Tượng đài mừng công tại Mường Phăng, nơi đặt Sở

chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ

Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ là tập hợp của 3 nghĩa trang: Him Lam, A1 và Độc Lập. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 6.000 liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường Điện Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến giúp nước bạn Lào.

Hàng năm, nghĩa trang đón hàng vạn lượt khách viếng thăm. Đó là người bạn chiến trường năm xưa đến thăm đồng đội mình đã ngã xuống, là lớp trẻ tìm hiểu về lịch sử nước nhà những năm tháng còn chìm trong bom đạn, là người dân sống trong thời bình muốn tri ân người đã khuất.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ gồm toàn bộ địa giới hành chính nơi có Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc địa phận thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, với diện tích khoảng 283.826,76 ha.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ trở thành điểm tham quan về nguồn, nơi tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước.

Thanh Bình

BẢN DESKTOP