Ảnh

Khám phá đèo Nà Tềnh 20 khúc cua đẹp nhất Cao Bằng

  • Tác giả : Vân Tuyết
Cao Bằng được mệnh danh là tỉnh có nhiều núi, đèo cao nhất nhì Việt Nam, trong đó phải kể đến Nà Tềnh 20 khúc cua và đèo Khau Cốc Trà 15 tầng. Trải nghiệm cung đường này, du khách có thể hái mây trong tầm tay, cảm nhận sự bao la, hùng vĩ và cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Đèo Nà Tềnh (Cao Bằng) được mệnh danh là "Vua đèo" với 20 khúc cua. Ảnh: Hải Sư

Đèo Nà Tềnh (Cao Bằng) được mệnh danh là "Vua đèo" với 20 khúc cua. Ảnh: Hải Sư

Chinh phục những cung đường đẹp nhất

Trên chuyến xe khảo nghiệm tour Cao Bằng của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, chúng tôi rong ruổi qua những cung đường đẹp nhất Tây Bắc.

Để thuận tiện cho di chuyển đèo dốc, du khách được khuyến cáo sử dụng xe 7 chỗ gầm cao, tối đa chỉ 16 chỗ, 29 chỗ sẽ khó khăn hơn nếu muốn leo đỉnh Phia Oắc và vào sâu trong bản.

Du khách thích thú dừng chân ngắm cảnh đẹp trên đèo. Ảnh: Nghĩa Văn

Du khách thích thú dừng chân ngắm cảnh đẹp trên đèo. Ảnh: Nghĩa Văn

Từ thủ đô Hà Nội, xe di chuyển theo tuyến Cao Tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn. Đích đến của chúng tôi là làng Hoài Khao (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Làng Hoài Khao có 34 hộ - 100% là người Dao Tiền còn lưu giữ những tập tục văn hóa bản địa đặc sắc.

Bản Hoài Khao nhìn từ trên cao. Ảnh Hải Sư

Bản Hoài Khao nhìn từ trên cao. Ảnh Hải Sư

Thung lũng Hoài Khao nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao vút, quanh năm mây phủ, thời tiết dịu mát, nắng tháng 10 vàng như rót mật. Bản đang vào mùa gặt, mây núi hòa quyện, nắng lấp lánh trên những cánh đồng lúa chín vàng ngậm sương, đẹp như một bức tranh.

Lúa chín tạo nên những mảng màu như tranh vẽ. Ảnh: Bích Hường.

Lúa chín tạo nên những mảng màu như tranh vẽ. Ảnh: Bích Hường.

Từ thành phố Bắc Kạn qua Ngã ba Nà Phặc - Ngân Sơn, rẽ vào đường 279 – tiếp nối đường Tỉnh lộ 212 đi thêm 50 km nữa sẽ đến Nguyên Bình. Trên cung đường từ Bảo Lạc sang Nguyên Bình, du khách sẽ được trải nghiệm đèo Nà Tềnh nằm giáp ranh xã Cần Nông huyện Hà Quảng và xã Xuân Trường huyện Bảo Lạc. Đèo Nà Tềnh được mệnh danh là con đèo đẹp bậc nhất Cao Bằng với tầng tầng lớp lớp những khúc cua mạo hiểm, đã mắt.

Đèo Khau Cốc Trà 15 tầng. Ảnh ST

Đèo Khau Cốc Trà 15 tầng. Ảnh ST

Nếu như đèo Khau Cốc Trà gây choáng ngợp bởi 15 tầng thẳng đứng đều tăm tắp như bậc thang trên vách núi thì đèo Nà Tềnh lại như một dải lụa uốn lượn mềm mại. 20 khúc cua uốn quanh xen kẽ giữa những thửa ruộng bậc thang chín vàng và những cánh đồng ngô xanh mướt bạt ngàn lưng chừng núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên lộng lẫy.

Thỉnh thoảng, du khách có thể dừng chân chụp những bức ảnh đẹp và khám phá ẩm thực độc đáo phong phú của địa phương như: Vịt quay, lạp xườn, nhộng ong, bánh trứng kiến, bánh cuốn, thạch sương sáo Cao Bằng, nước xỏm đeng… Trên đường đi, du khách có thể ăn trưa dừng chân tại khu sinh thái Kolia, ghé thăm rừng trúc Bản Phường đẹp như phim Thập diện mai phục...

Một số đặc sản Cao Bằng ngon rẻ nên thưởng thức và mua làm quà

Hạt dẻ đặc sản Trùng Khánh Cao Bằng; Miến rong Cao Bằng; Vịt quay 7 vị hấp dẫn tại Cao Bằng; Bánh khảo; Phở chua đặc sản của Cao Bằng; Bò gác bếp Bảo Lâm; Trám đen; Bánh bò; Bánh trứng kiến Cao Bằng; Rau dạ hiến; Bánh áp chao; Bánh chè lam; Lạp xưởng hun khói đặc sản Cao Bằng; Nằm khâu; Thạch đen...

Bữa cơm của đồng bào Hoài Khao. Ảnh: Mây Bùi

Bữa cơm của đồng bào Hoài Khao. Ảnh: Mây Bùi

Miền đất hoang sơ kỳ bí

Chúng tôi đến thũng lũng Hoài Khao khi nắng chiều chênh chếch những ngọn núi. Trong cái nắng hanh hao vàng ruộm, mùi cỏ cây, mùi lá rừng, mùi khói và hương lúa chín sánh quyện đầy trong lồng ngực. Không có bóng dáng trâu bò gia súc trên đường làng. Thì ra, để làm du lịch, bà con nơi đây di dời toàn bộ trâu bò lên “khách sạn” trên núi. Con đường vào làng vì thế cũng lãng mạn hơn với những hàng rào đá, trồng hoa sạch đẹp. Bên hiên nhà, những chùm lúa nếp mẩy căng trang trí thành hàng đều tăm tắp vui mắt.

Đường làng bản Hoài Khao sạch đẹp với nhiều hoa cỏ. Ảnh Mây Bùi

Đường làng bản Hoài Khao sạch đẹp với nhiều hoa cỏ. Ảnh Mây Bùi

Cả bản Hoài Khao hiện có 7-8 hộ làm homestay. Các homestay ở Hoài Khao đều giữ nguyên kiến trúc cổ, mái ngói âm dương, mộc mạc, giản dị nhưng ấm áp và thân thiện.

Bà con Hoài Khao thường thả cá suối trong các ruộng bậc thang. Buổi chiều, du khách có thể ra đồng ngắm cá lách dưới chân lúa, dùng nơm bắt đem về làm bữa tối. Buổi tối, bên ánh lửa bập bùng, khói bếp quyện với những làn điệu hát then đàn tính cổ mang đến cho du khách một cảm xúc rất ấm áp.

Bữa sáng ở bản Hoài Khao vừa thưởng thức đặc sản, vừa ngắm toàn cảnh dãy núi cánh đồng trước hiên nhà. Ảnh VCTC

Bữa sáng ở bản Hoài Khao vừa thưởng thức đặc sản, vừa ngắm toàn cảnh dãy núi cánh đồng trước hiên nhà. Ảnh VCTC

Trong trải nghiệm Nguyên Bình – vùng đất hoang sơ, từ Hoài Khao du khách tiếp tục khám phá đỉnh Phia Oắc - nóc nhà của tỉnh Cao Bằng và cả miền Đông Bắc Việt Nam. Phia Oắc ở độ cao 1.931m so với mực nước biển, cao hơn thị trấn du lịch Sa Pa 450m, cao hơn Ba Vì, Tam Đảo gần 1.000m.

Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén nơi có tuyết khi trời lạnh.

Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén nơi có tuyết khi trời lạnh.

Từ xa xưa, tương truyền đỉnh Phia Oắc là nơi chứa nhiều kỳ hoa dị thảo bởi nơi đây có tiểu vùng khí hậu rất độc đáo. Nhiều năm, cả nước không đâu có tuyết nhưng đỉnh Phia Oắc lại có.

Toàn cảnh Trạm quan sát Đỉnh Phia Oắc khi băng tuyết phủ.

Toàn cảnh Trạm quan sát Đỉnh Phia Oắc khi băng tuyết phủ.

Tại trạm quan sát trên đỉnh Phia Oắc, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh Công viên địa chất Cao Bằng và Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén. Nơi đây còn lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị về nghiên cứu khoa học.

Phế tích nhà cổ người Pháp xây dựng tại đèo Kolia. Ảnh VCTC

Phế tích nhà cổ người Pháp xây dựng tại đèo Kolia. Ảnh VCTC

Xa xưa, Phia Oắc hoang sơ với những câu chuyện ly kỳ của một vùng rừng thiêng nước độc. Gần một thế kỷ trước, người Pháp đã nhận ra giá trị của Phia Oắc và xây dựng con đèo Kolia. Kolia chính là tên của nữ kỹ sư - người tham gia thiết kế con đèo bị bỏ mạng bởi nanh vuốt “chúa sơn lâm” ở Phia Oắc.

Nơi đây, người Pháp đã cho xây các khu nhà nghỉ dưỡng cuối tuần, các biệt thự bằng đá tảng, hệ thống hầm lò xuyên núi dài nhiều cây số. Đến thăm khu Nhà Đỏ - biệt thự cổ bỏ hoang đầu thế kỷ XIX, du khách có thể hình dung về câu chuyện một thời xa xưa qua những kiến trúc Pháp cổ còn sót lại.

Hiện chi phí tour Hà Nội – Nguyên Bình 3 ngày 2 đêm do các công ty lữ hành mới khảo sát chỉ gần 2,3 triệu đồng. Nếu đi xe tự lái, du lịch “phượt” chi phí có thể thấp hơn nhiều. Tuy nhiên đây là tour trải nghiệm văn hoá và khám phá phong cảnh thiên nhiên nên thích hợp cho những người có sức khỏe tốt, có thể leo núi, không cầu kỳ trong ăn ở.

Một số địa chỉ mua đặc sản Cao Bằng

1. Chợ phiên ở Cao Bằng.

2. Các cửa hàng phố Vườn Cam, phường Hợp Giang, chợ Xanh, Cao Bằng.

3. Nhà hàng Dân tộc quán: 3/10 phố Nà Cạn, thị xã Cao Bằng. Điện thoại: (02) 63 850 878.

4. Quà Miền núi: Tổ Giao Lâm, phường Huyền Tụng, Thành phố Bắc Kạn. Điện thoại: 096 366 78 64.

5. Phở chua gia truyền, số 5 đường Hiến Giang, phường Hợp Giang, Cao Bằng.

Vân Tuyết

BẢN DESKTOP