Đời sống xanh

Khai thác “mỏ vàng” phụ phẩm nông nghiệp: Tiềm năng thừa, thiếu công nghệ

  • Tác giả : Trọng Nhân
Phụ phẩm nông nghiệp được định vị là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Đây là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Là nước nông nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, tương ứng có khoảng 43 triệu tấn rơm rạ. Tuy nhiên, hiện có khoảng 20 triệu tấn rơm bị bỏ phí mỗi năm bằng cách đốt bỏ, hoặc để phân hủy tự nhiên.

Tiềm năng thừa

Ngoài việc quay vòng tái chế rơm phục vụ cho chăn nuôi như làm thức ăn, lót chuồng, đệm sinh học… rơm còn có thể sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp như nhiên liệu sinh khối, sản xuất sợi carbon….

Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Việt Nam cho biết, trên Amazon, mỗi tấn rơm được rao bán với giá 80 - 100USD, nhưng Việt Nam lại đốt bỏ.

Ngoài rơm rạ, Việt Nam cũng đang lãng phí quá nhiều phụ phẩm nông nghiệp. Ông Chinh lấy ví dụ ngành thủy sản có thể tách chiết collagen trong da cá tra để làm mỹ phẩm, lâm nghiệp có thể dùng mùn cưa, cành lá để làm viên nén…

Số liệu từ Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam thải ra 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. 2 lĩnh vực có phụ phẩm lớn là trồng trọt (88,9 triệu tấn) và chăn nuôi (61,4 triệu tấn chất thải).

Tuy nhiên, gần 1 nửa trong số này không được tái chế tận dụng, mà bị đốt hủy, vứt bỏ lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, việc thu gom, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp nông dân tăng thu nhập. Ông lấy ví dụ, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản của Việt Nam mới đạt 275 triệu USD. Nhưng nếu gần một triệu tấn phụ phẩm của ngành thủy sản được chế biến thành thực phẩm chức năng và mỹ phẩm bằng công nghệ cao, doanh thu có thể sẽ tăng lên 4 - 5 tỷ USD.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, nguồn phụ phẩm này phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải.

Ông Thạch cho biết, nếu 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp này được đưa vào sản xuất thì sẽ tạo ra nhiều sản phẩm khác có giá trị cao cho nông nghiệp.

Thiếu công nghệ phù hợp

Tiềm năng phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam là có, nhưng theo ông Nguyễn Quang Thạch, muốn tận dụng được tiềm năng này cần chú ý 3 vấn đề.

Trong đó đầu tiên là công nghệ. Thực tế việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp đã được sử dụng từ lâu, như làm thức ăn chăn nuôi, lót ổ… Tuy nhiên, với thời đại mới, có nhiều công nghệ chuyên sâu tác động vật lý, hệ thống nhiệt, yếm khí… để tăng cường tốc độ tái chế phế thải.

Thậm chí, ở Nhật có những công nghệ dành cho hộ gia đình, chỉ sau 1 ngày phụ phẩm nông nghiệp đã trở thành phân bón. “Đây là những bước tiến rất lớn, nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá lạ lẫm”, ông Thạch nói.

Nguyên nhân dẫn đến sự lạ lẫm này, cũng là vấn đề thứ 2, là ý thức của người dân.

Nhiều nước trên thế giới có thể tái chế phụ phẩm nông nghiệp, hay rộng hơn là rác thải hiệu quả là nhờ được phân loại tại nguồn. Do đó, có thể đưa thẳng những phụ phẩm đã được phân loại này vào các nhà máy tái chế mà ít tốn chi phí nhất.

Trong khi đó, tại Việt Nam, ở nông thôn hiện nay mới là nơi phụ phẩm nông nghiệp lẫn nhiều rác thải vô cơ như bao bóng, mút xốp… nên khó tái chế.

Vấn đề thứ 3, theo ông Thạch là quy hoạch những nhà máy tái chế một cách hiệu quả.

Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý phụ phẩm phù hợp, thì địa điểm đặt nhà máy cũng cần được nghiên cứu kỹ. Địa phương nên chủ động quy hoạch lựa chọn địa điểm, tránh trường hợp về sau ảnh hưởng đến dân cư, đô thị hóa… sẽ rất phức tạp.

Thực tế hiện nay chúng ta đã rất quyết tâm trong việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp, nhưng để đạt được hiệu quả, vẫn cần một quá trình dài và sự vào cuộc của toàn xã hội.

Chuyên gia Nguyễn Quang Thạch

Trọng Nhân

BẢN DESKTOP