Vấn đề - Sự kiện

Khai giảng năm học mới 2024 - 2025: Đổi mới học tập, thi cử thế nào?

  • Tác giả : Mai Loan
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm đầu năm học mới là đổi mới giảng dạy, học tập, thi cử, trong đó có kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Theo các chuyên gia, cần cân nhắc kỹ phương án thi vào lớp 10 từ năm học 2024-2025. 

Hôm nay, ngày 5/9, 23 triệu học sinh bước vào năm học mới 2024 - 2025. Đây là là năm học có tính chất bản lề, ngành giáo dục đã có đầy đủ những bản sách giáo khoa (SGK) cho việc thực hiện chương trình giáo dục 2018. Cùng đó, những đổi mới trong thi cử, đặc biệt là kỳ thi vào lớp 10 THPT - năm đầu tiên học sinh sẽ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới - cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên sáng lập Trường Liên cấp Tây Hà Nội - WHS và TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, về những vấn đề được quan tâm bên thềm năm học mới.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

3 lưu ý trong phương án thi vào lớp 10 THPT

Chỉ còn một năm nữa sẽ diễn ra kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT của lứa học sinh THCS có 4 năm học Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Thời điểm này, một số địa phương đã công bố phương án thi theo chương trình mới với nhiều ý kiến tranh luận. Theo các chuyên gia, phương án thi vào lớp 10 như thế nào là phù hợp Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Hiện nay, nhiều địa phương, các Sở GD&ĐT đã công bố phương án thi vào 10 THPT. Tôi cho rằng, việc công bố phương án sớm, từ đầu năm học, là tích cực, bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, thực hiện nhiệm vụ năm học.

Về phương án thi vào lớp 10 THPT, theo tôi, thứ nhất cần xác định cố định các môn thi, không nên luân phiên hay thay đổi theo năm.

Thứ hai, với môn đánh giá tư duy, năng lực cơ bản của người học, cần thi tự luận, không nên 100% trắc nghiệm (Toán, Ngữ văn).

Thứ ba, cần có bài thi tổ hợp năng lực, giống kỳ thi đánh giá năng lực mà các ĐH Quốc gia đang làm.

Theo đó, tôi đề xuất (thang điểm 100) cho kỳ thi vào lớp 10 như sau: 25 điểm bài thi Toán; 25 điểm bài thi Ngữ văn; 20 điểm bài thi Ngoại ngữ; 25 điểm cho bài thi Tổ hợp các môn tự nhiên, xã hội; 5 điểm cho ưu tiên về chính sách, giải thể thao, nghệ thuật, giải học sinh giỏi…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

TS Nguyễn Tùng Lâm: Phương án thi vào lớp 10 phải xét tới nhiều yếu tố. Chẳng hạn, thi vào lớp 10 có mục tiêu để học sinh học đều các môn, chứ không chỉ tập trung Văn, Toán, Ngoại ngữ.

Thực tế, có một số trường cấp hai dạy qua loa các môn khác, chủ yếu cho điểm, mà tập trung 3 môn trên. Việc thi môn thứ tư, mà đến gần thời điểm thi mới công bố, là để tránh việc học lệch này. Vì thế, thi 3 môn hay nhiều hơn 3 môn cần phải cân nhắc tới mục tiêu hướng tới.

Ngoài ra, với chương trình giáo dục phổ thông mới, khi lên cấp THPT, học sinh học theo ban, với định hướng nghề nghiệp khác với THCS (là kiến thức cơ bản). Vậy giữa việc học THCS và THPT nên liên thông thế nào để có sự hỗ trợ cho nhau? Các mục tiêu khác nhau sẽ cho ra phương án khác nhau.

Theo tôi, cần phải tổ chức hội thảo để bàn, có phương án thi vào lớp 10 hợp lý. Cũng có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chứ không thể chắc chắn ngay đó là phương án tối ưu nhất.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố đề minh họa thi vào lớp 10 năm 2025, các chuyên gia đánh giá thế nào về đề thi này? Đâu là điểm mới, tích cực?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Tôi đánh giá đề minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội tích cực, vì đã bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, kịp thời với cơ sở giáo dục; rõ ràng về cấu trúc, năng lực, chuẩn đầu ra. Đề minh họa nhiều môn học có cả tự luận và trắc nghiệm.

Ở bộ môn Ngữ văn, điểm mới, tích cực là sử dụng ngữ liệu ngoài SGK, tỷ trọng phần nghị luận xã hội lớn, đó là sự hợp lý. Tôi mong muốn các bài kiểm tra tăng cường tính vận dụng, thực tiễn.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng, một trong những điểm mới, tích cực của để minh họa thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội là sử dụng ngữ liệu ngoài SGK với đề thi Ngữ văn. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng học thuộc, văn mẫu. Điều quan trọng trong dạy học là rèn tư duy cho học sinh để trong hoàn cảnh nào, dạng đề nào, các em cũng làm được.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Trường sư phạm nên có phương thức tuyển sinh riêng

Năm nay, điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao, liệu có phải tín hiệu vui đối với ngành sư phạm? Làm thế nào để tiếp tục thu hút người giỏi vào sư phạm?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Điểm chuẩn cao là tín hiệu tích cực cho thấy nhu cầu xã hội, định hướng nghề nghiệp của học sinh phổ thông dần coi trọng nghề giáo; ngành sư phạm có sức hút. Tuy nhiên, điểm cao cũng do phương thức xét tuyển dựa vào bài thi THPT, việc này cần thêm sự công bằng ở cách đánh giá, ở mức độ đề.

Tôi vẫn cho rằng, trường sư phạm trọng điểm nên có nhiều phương thức tuyển sinh riêng, ngoài những bài thi đặc thù cần có sơ tuyển về hình thức, giọng nói, phát âm. Ngoài ra, cần đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo giáo viên tại trường sư phạm.

Muốn thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, nhất là ở địa phương, vùng khó khăn, cần chính sách ưu đãi, đãi ngộ tốt; chế độ tuyển dụng minh bạch, khuyến khích người giỏi, thực chất; môi trường làm việc lành mạnh, dân chủ, sáng tạo.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Đầu vào cũng quan trọng nhưng không bằng đầu ra. Hiện nay, chúng ta vẫn nặng về đánh giá đầu vào mà chưa chú trọng đầu ra. Nhiều nước quản lý đầu ra rất chặt. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi.

Năm học mới đã bắt đầu, là giáo viên, đồng thời cũng ở vị trí quản lý, ông có kỳ vọng, mong ước gì?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng: Năm học 2024 - 2025 có tính chất bản lề, vì ngành giáo dục đã có đầy đủ các bản SGK cho việc thực hiện chương trình giáo dục 2018, qua 5 năm thực hiện đổi mới, đã có những đánh giá ban đầu về hiệu quả, cũng như những đề xuất điều chỉnh.

Tôi mong muốn rằng, Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT cần có chủ chương, chính sách và chỉ đạo nhất quán, kịp thời, theo sát tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đất nước và tình hình giáo dục địa phương. Từ đó, đội ngũ nhà giáo, phụ huynh học sinh yên tâm, rõ ràng về cách thức thực hiện việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Trân trọng cảm ơn các chuyên gia.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo, ngành giáo dục sẽ đối diện nhiều thách thức, lớn nhất là làm sao đạt chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho đất nước, trong công cuộc hội nhập quốc tế.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, cần biện pháp quyết liệt, cụ thể có lộ trình để hướng tới giáo dục thực chất, đảm bảo chất lượng, trung thực thi cử. Cần xác định hai khâu đột phá là đào tạo chất lượng đội ngũ và đổi mới kiểm tra đánh giá. Chỉ có làm tốt hai khâu này mới cải thiện chất lượng giáo dục.

Trong bài phát biểu bên thềm năm học mới, ông Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang, Hà Nội, cho biết, trường được xây dựng cũng vì mục tiêu giúp con em của các xã miền núi được đi học mà không phải đi lại quá xa. Năm học mới này, nhà trường đón 515 học sinh lớp 10 với mức điểm chênh lệch, có em tổng trên 40 điểm, có bạn ở mức 2-3 điểm/môn.

“Nhưng các em ạ, đứng trước tri thức, chúng ta đều bình đẳng. Cho nên, dù là ai thì khi vào trường, các em cũng được đối xử công bằng. Các thầy cô vẫn hết lòng cùng đồng hành, đưa các em đạt được mục tiêu mơ ước của mình. Chỉ cần các em có niềm tin và cùng cố gắng”, thầy Bỉnh bày tỏ.

Thầy Nguyễn Duy Bỉnh cho hay, năm học này sẽ hoàn tất việc đổi mới SGK theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 và sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình mới. Thầy cô sẽ lại đóng trọn vai vừa là thầy cô, cha mẹ, anh chị, vừa là người bạn lớn của học trò để cùng nhau vượt qua khó khăn, chinh phục tri thức.

Mai Loan

BẢN DESKTOP