Vấn đề - Sự kiện

Khách hàng mất gần 47 tỷ ở Sacombank: Luật sư khuyến cáo

  • Tác giả : Hải Ninh
Theo luật sư, mọi khách hàng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng.
Tháng 5/2022, bà Hồ Thị Thùy Dương (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội Tham ô tài sản) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỷ đồng từ tài khoản của bà Dương.
Từ vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi: Làm thế nào để gửi tiền vào ngân hàng an toàn?
Khach hang mat gan 47 ty o Sacombank: Luat su khuyen cao

Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh – nơi xảy ra vụ “bốc hơi” gần 47 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng.

Để đảm bảo an toàn tiền gửi
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm đã đưa ra khuyến cáo cũng như một số biện pháp để đảm bảo an toàn cho khoản tiền gửi của mình.
Theo đó, đối với những người dân chuẩn bị có dự định làm thủ tục gửi tiền ở ngân hàng: Người gửi không nên giao dịch ngoài trụ sở mà đến thẳng các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng để trực tiếp giao dịch.
Khi nộp tiền, khách hàng lưu ý ghi đầy đủ thông tin và thông số vào các chứng từ; chỉ nhận lại chứng từ, văn bản khi có chữ ký của giao dịch viên và dấu xác nhận của ngân hàng.
Người gửi tiền có thể lưu giữ lại bằng chứng bằng việc sử dụng thiết bị di động, điện tử quay lại video clip toàn bộ quá trình giao dịch của mình.
Nếu giao dịch số tiền lớn, người gửi tiền nên cân nhắc về việc mời đơn vị Thừa phát lại đến ngân hàng để lập vi bằng toàn bộ quá trình giao dịch của mình. Việc lập vi bằng sẽ phát sinh chi phí, tuy nhiên so với những rủi ro tiềm ẩn cho số tiền gửi của mình, thì những chi phí phát sinh đó không hề cao.
Người dân cũng nên chọn những Ngân hàng uy tín trong hệ thống và chưa phát sinh những tiền lệ thất thoát tiền của người gửi để giao dịch.
Đối với những khách hàng đang có tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng: Mọi khách hàng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng. Tuyệt đối không ký khống bất cứ giấy tờ gì kể cả khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu, nếu không thực sự hiểu rõ. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu giao dịch ngân hàng điện tử cho người khác, không truy cập các đường link lạ có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản đánh cắp dữ liệu.
Khách hàng cần đăng ký biến động số dư qua tin nhắn sms, thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, sổ tiết kiệm và ngay lập tức liên hệ với ngân hàng khi phát hiện những bất thường đối với tài khoản của mình.

Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường

Khi gặp rủi ro mất tiền gửi tại tổ chức tín dụng, theo luật sư Trương Anh Tú, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng và tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để tiến hành thủ tục mời Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Khách hàng tuyệt đối không tham gia vào vụ án hình sự liên quan đến cá nhân cán bộ ngân hàng có hành vi sai phạm làm thất thoát tiền của mình. Bởi lẽ, những vụ việc cán bộ ngân hàng có vi phạm làm thất thoát tiền thì thường là những hành vi có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc là “Tham ô tài sản” (Đối với những Ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước) mà nạn nhân ở đây là Ngân hàng, khách gửi tiền “nằm ngoài” vòng xoáy tố tụng này bởi khách gửi tiền có quan hệ với Ngân hàng trong một quan hệ pháp luật khác.
Từ vụ Huyền Như và sau này là là những vụ án khác, cơ quan chức năng hay khởi tố vụ án với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, việc này làm thay đổi bản chất của vụ án, gây bất lợi cho người gửi.
Khách hàng cũng cần thu thập tài liệu để tiến hành khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tiền mà đối tượng kiện là ngân hàng. Bởi mối quan hệ giữa khách gửi tiền và Ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi.
Khach hang mat gan 47 ty o Sacombank: Luat su khuyen cao-Hinh-2
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm
Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu Ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình.
Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Dưới góc độ kinh tế, việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng được coi là hành vi cất giữ tiền của mình.
Dưới góc độ luật dân sự, việc gửi tiền vào Ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Theo đó, sau khi gửi tiền vào Ngân hàng thì chính Ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với nó. Người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu Ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận. Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao tiền thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền sở hữu.
Mọi khách hàng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng.
Nếu rơi vào tình huống này, khách hàng cùng luật sư của mình phải đấu tranh quyết liệt để Tòa án không được từ chối thụ lý vụ án dân sự với lập luận: Tranh chấp giữa khách gửi tiền và ngân hàng là quan hệ tranh chấp về hợp đồng cho vay tài sản.
Ở đây cần phải tách bạch hai quan hệ pháp luật: Vụ việc nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng là trách nhiệm hình sự của cá nhân cán bộ ngân hàng phải chịu với Nhà nước, quan hệ này độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa Ngân hàng và khách gửi tiền. Bản thân Tòa án trong trường hợp này cũng cần mạnh dạn và kiên quyết thụ lý vì đây là hai quan hệ pháp luật độc lập, không phụ thuộc vào vụ án hình sự.
Theo luật sư Tú, những “sự cố” mất tiền như vừa nêu trên, Vụ Pháp chế của Ngân hàng Nhà nước cần tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước ra các văn bản chỉ đạo các Ngân hàng và tổ chức tín dụng, hướng dẫn nghiệp vụ và đường lối giải quyết, xử lý cụ thể để minh bạch hoạt động ngân hàng hiện nay nhằm giữ vững uy tín, tạo lòng tin và giữ chân được khách hàng.

>>> Mời độc giả xem thêm video Ly kỳ vụ cướp ngân hàng táo bạo nhất trong lịch sử thế giới:

(Nguồn: Kienthucnet)
Hải Ninh

BẢN DESKTOP