Y học và đời sống

Kéo dài tuổi thọ bằng cứu ngải dưỡng sinh

  • Tác giả : Tuyết Vân (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Cứu ngải dưỡng sinh là phương pháp dùng sức nóng tác động lên huyệt vị châm cứu để điều hòa âm dương khí huyết, ôn thông kinh lạc, phù chính khu tà nhằm đạt được mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật và chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ.

Biện pháp dưỡng sinh đặc sắc trong Trung y

Theo học thuyết âm dương, châm là dương, cứu là âm. Châm thường sử dụng trong điều trị bệnh thuộc thực (mới bị bệnh), bệnh thuộc nhiệt (nóng); cứu thường sử dụng trong bệnh lý thuộc hư (bệnh đã lâu), bệnh thuộc hàn (lạnh). Y học cổ truyền coi hai phương pháp châm và cứu có tầm quan trọng ngang nhau, hỗ trợ bổ sung cho nhau trong điều trị và bảo vệ sức khoẻ. Từ thời xa xưa, việc đốt cứu đã phát triển mạnh tại Á châu: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, cứu ngải "Tam phục" được coi là biện pháp dưỡng sinh đặc sắc nhất trong Trung y.

Tam phục là chỉ Sơ phục (ngày canh thứ ba sau ngày Hạ chí), Trung phục (ngày canh thứ tư sau ngày Hạ chí) và Mạt phục (ngày canh thứ nhất sau ngày Lập thu). Cứu ngải trong ngày Tam phục được người dân Trung Quốc ưa chuộng vì có hiệu quả phòng và chữa bệnh gấp bội so với những ngày thường. Cứu ngải trong ngày Tam phục, sức nóng của ngải nhanh chóng thấm vào huyệt đạo, thông kinh mạch, lại có thể cùng nắng nóng của thời tiết khử hàn khí trong cơ thể.

Ngày Tam phục, Mặt trời thịnh nhất, đó là thiên thời, dương khí trong cơ thể người cũng thịnh vượng nhất, đó là nhân hòa, nên là cơ hội tốt nhất điều động dương khí trong cơ thể để khử hàn tà. Trung y cho rằng, trăm bệnh đều bắt nguồn từ hàn khí, hàn thì ứ, ứ thì ngưng, ngưng thì tắc. Do vậy, khử hàn, điều hòa âm dương khí huyết vào ngày Tam phục giúp trừ bệnh, dưỡng sinh cơ thể. Và thứ khử hàn thấp tốt nhất trong Trung y chính là cây ngải cứu.

Cứu ngải dựa theo các nguyên lý kích thích thần kinh. Kích thích nhiệt trên da đều được dây thần kinh ở nơi bị kích thích đưa về não. Ngải cứu khi cháy đỏ tạo ra sức nóng từ 500 - 6000C, thuộc thành phần tia hồng ngoại trong dải quang phổ. Khi được giữ ở khoảng cách phù hợp bên trên làn da, mồi ngải tạo ra sức nóng tại một điểm chính xác là huyệt cho hiệu quả hơn gấp nhiều lần chiếu đèn hồng ngoại trên một diện tích rộng.

Ngải cứu khi cháy hơ ấm lên cơ thể có mùi thơm an thần, tạo cảm giác nóng dịu đẩy tinh dầu ngấm sâu vào trong da, tác động đến huyệt đẩy lui hàn tà, ứ trệ, lưu thông khí huyết giúp cơ thể khoẻ mạnh.

Vị trí các huyệt cứu ngải dưỡng sinh

Ngải cứu để làm điếu ngải tốt nhất là được thu hái vào 12h trưa mùng 3 tháng 3 (tết hàn thực) và mùng 5 tháng 5 (tết Đoan Ngọ). Đây là 2 ngày có vận khí tốt nhất của trời đất. Ngải lấy vào ngày này sẽ đủ sinh khí trời đất, mịn như nhung, chứ không tơi vụn như cám. Chọn cây ngải cứu sạch, không dính bùn đất, hái cả thân gồm lá già và non, không rửa, để vào sàng phơi trong bóng râm chỗ thoáng gió. Khi ngải khô cong thì mang ra tuốt bỏ cọng, lấy lá vò, giã mịn hoặc có thể mang đến cửa hàng thuốc bắc tán thành bột. Sau khi giã được phần ngải nhung mịn thì cho vào hộp bảo quản dùng dần.

Chế và cách cứu ngải

Các thầy thuốc, lương y đều có lọ ngải nhung tự chế theo bí quyết riêng. Tùy theo thể trạng của bệnh nhân và mục đích chữa bệnh hay dưỡng sinh mà thầy thuốc dùng điếu ngải hay mồi ngải hoặc phối hợp cả hai. Điếu ngải có thể mua sẵn hoặc tự chế bằng cách dùng giấy mỏng (giấy bản hoặc giấy cuốn thuốc lá) cắt thành miếng dài 20cm, rộng 4cm cuốn ngải nhung thật chặt như điếu thuốc lá rồi đốt hơ trên huyệt đạo.

Ngày nay điếu ngải cứu được làm bán sẵn trên thị trường theo nhu cầu của người dân tự chữa bệnh tại nhà. Có ba loại Đại (to), Trung (vừa), Tiểu (nhỏ), thường thì nên dùng loại Trung. Khi thực hiện cứu, cần chuẩn bị bật lửa và một đĩa hoặc bát to để đựng tro tàn tránh hoả hoạn, tránh rơi tàn vào da người bệnh. Trước khi thực hiện tự cứu ngải thường xuyên cho người nhà tại gia đình, nên nhờ thầy thuốc hướng dẫn thực hành thuần thục.

Về cách cứu, chúng ta dùng lửa châm điếu ngải cho cháy đều, sau đó hơ đầu nóng vào trên huyệt cần cứu cách một khoảng dao động từ 3 - 5cm. Cầm điếu ngải bằng tay thuận, giống như cầm bút, tay còn lại dùng 3 ngón giữa chạm nhẹ lên bề mặt da gần ngay huyệt cứu để cảm nhận độ nóng và đề phòng người được cứu cử động, thay đổi vị trí. Khoảng vài ba phút khi điếu ngải có nhiều tàn, gõ nhẹ điếu ngải vào đĩa bát đựng tàn rồi cứu tiếp. Khi cứu xong dập lửa nhẹ nhàng sao cho lửa tắt hẳn mà không làm gãy điếu ngải để cứu lần sau.

Ngoài cách thông dụng là dùng điếu ngải, các thầy thuốc còn cứu ngải trên da bằng cách đặt viên ngải cứu hình chóp trên da và đốt trực tiếp. Khi bệnh nhân cảm thấy nóng và ngải chưa cháy hết đến phần chân thì lấy ra, phần da hơi đỏ ửng lên là được, không để người bệnh bị bỏng. Tùy theo chứng bệnh có thể cứu trực tiếp trên da hoặc cách gừng, cách muối, cách tỏi: Đặt một lát gừng hoặc rải một lớp muối, một lát tỏi lên da người bệnh rồi đặt mồi ngải lên trên đốt. Mồi ngải cháy tạo ra sức nóng thấm qua muối, tỏi, gừng rồi mới tới da người bệnh. Phương pháp này an toàn hơn đặt viên ngải trực tiếp lên da. Tuy nhiên, dù là dùng phương pháp nào, người thực hiện cứu cũng cần theo dõi sát người bệnh để lấy viên ngải ra đúng lúc.

Lá ngải khô - nguyên liệu làm điếu ngải cứu.

Các huyệt để cứu ngải dưỡng sinh

Theo sách cổ Biển Thước tâm thư, người lúc không bệnh nếu thường xuyên cứu các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Mệnh quan, Trung quản, Thần khuyết, Thận du... “tuy không được trường sinh cũng có thể sống thọ dư trăm tuổi”. Theo y thư cổ, cứu huyệt có tác dụng điều tiết và lập lại cân bằng âm dương, bổ dưỡng và điều hoà khí huyết, làm ấm và lưu thông kinh mạch, duy trì và cải thiện công năng các tạng phủ (hiệp điều tạng phủ), bảo vệ và nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh (phù chính khứ tà). Mỗi một huyệt trên cơ thể khi cứu ngải đều có tác dụng phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên, để dưỡng sinh, chỉ cần cứu 7 huyệt chủ đạo là đã đủ để phòng chữa và bồi bổ cơ thể. Đó là các huyệt: Đại chuỳ, Mệnh môn, Thận du trái, Thận du phải, Thần khuyết, Quan nguyên, Khí hải (xem hình).

Huyệt Đại chuỳ là huyệt hội của 6 kinh dương và mạch Đốc và là bể của dương mạch, có công dụng giải biểu sơ phong, thanh tâm định thần, kiện não, tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể chất và cường tráng. Cứu huyệt Đại chuỳ có tác dụng gia tăng số lượng bạch cầu, nâng cao năng lực miễn dịch tế bào, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não, phòng chống cảm mạo và các bệnh lý hệ hô hấp.

Huyệt Trung quản giúp nâng cao công năng tỳ vị, làm tăng nhu động dạ dày và ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hoá thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng, điều tiết bài tiết dịch tiêu hoá, cải thiện miễn dịch tế bào và phòng chống các bệnh lý dạ dày, ruột, túi mật và tuyến tuỵ. Huyệt Quan nguyên chứa đựng nguyên khí có tác dụng cải thiện huyết động học, làm ổn định và gia tăng hoạt động của cơ tim, tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành, nâng cao khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu oxy, cải thiện và điều tiết miễn dịch.

Huyệt Thận du có tác dụng ích thủy, tráng hỏa, điều hòa thận khí, kiện gân cốt, chữa đau lưng, minh mục, thông cốt. Huyệt Thần khuyết có tác dụng điều tiết và nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, bảo hộ niêm mạc và cải thiện công năng hấp thu của đường tiêu hoá. Riêng huyệt Thần khuyết tức là rốn, có thể đắp một lớp muối tinh chất dày 0,5cm, rộng đường kính 3cm hoặc cách gừng, cách bột thuốc khi cứu.

Ngày nay, do nhịp sống bận rộn chúng ta có thể tự chế hoặc mua mồi hoặc điếu ngải chế sẵn rồi cứu cách gừng, cách tỏi hoặc cách muối vào rốn thường xuyên cũng có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao sức khoẻ, dự phòng bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.

Nghiên cứu hiện đại thừa nhận cứu ngải có tác dụng điều chỉnh và tăng cường công năng miễn dịch; kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm đau và chống dị ứng; thúc đẩy quá trình tạo máu và chống đông máu; làm hạ mỡ máu, điều tiết đường máu và giảm béo; cải thiện vi tuần hoàn, thúc đẩy huyết dịch lưu thông và điều hoà huyết áp; điều tiết chức năng hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống tuyến yên - tuyến thượng thận và các tuyến nội tiết khác; tăng cường khả năng chống lạnh cho cơ thể; chống ung thư và làm chậm quá trình lão hoá... Những nghiên cứu gần đây còn cho thấy, cứu ngải có tác dụng cải thiện công năng hoạt động của màng tế bào, thúc đẩy quá trình hồi phục hệ thống men trong nội bào. Nhờ những tác dụng này mà liệu pháp cứu huyệt có khả năng phòng bệnh, tăng cường sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ.

 BS Lệ Quyên (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng thuốc dân tộc)

Tuyết Vân (ghi)

BẢN DESKTOP