Bình luận

Kê khai trung thực thì phải đầy đủ!

Nói về việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, ông Hoàng Thọ Kiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội thương (nay là Bộ Công Thương) cho rằng, đã gọi là kê khai trung thực là phải kê khai hết, không có kiểu trung thực mà chưa đầy đủ.

Ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTCP thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái, việc chấp hành pháp luật của UBND tỉnh Yên Bái về minh bạch tài sản thu nhập. Đoàn thanh tra gồm 6 thành viên do ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng làm trưởng đoàn.

Theo quyết định này, đoàn sẽ thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái đối với thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái có liên quan đến hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái); Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai liên quan đến thửa đất tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân của gia đình bà Hoàng Thị Huệ.Thời gian thanh tra 15 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Ông Hoàng Thọ Kiểm

Cục trưởng không nên rụt rè

Trên một số tờ báo, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống Tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, đoàn thanh tra đã hoàn tất dự thảo kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý. Nói về kết quả thanh tra, ông Đạt cho biết, ông Phạm Sỹ Quý kê khai tài sản trung thực nhưng chưa đầy đủ. Nhiều ý kiến xung quanh phát ngôn này của ông Đạt, ông thấy sao?

Mấy ngày qua tôi cũng có đọc trên báo nói về thông tin ông Đạt phát biểu. Tôi hiểu rằng đây chỉ là phát ngôn của cá nhân ông ấy chứ chưa phải là thông tin kết luận chính thức. Nhưng câu nói “kê khai tài sản trung thực nhưng chưa đầy đủ” là câu khó hiểu.

Tôi thì hiểu rằng có thể người ta kê khai đầu mục tài sản thì đúng, nhưng không kê khai tổng số tài sản mình có, cũng không giải thích nguồn gốc tài sản của mình, thì có thể là chưa đầy đủ. Nhưng như thế mà nói rằng đã “kê khai trung thực” thì tôi ở góc độ là một người dân thấy chưa thỏa đáng.

Với tầm vóc một cơ quan thanh tra mà nói thì tôi cảm giác người đi kiểm tra có phần rụt rè trong phát ngôn, chưa thể hiện sự phê phán một cách quyết liệt.

Trong khi chưa công bố kết luận thanh tra chính thức thì tôi nghĩ là khó có thể thể hiện chính kiến?

Với trường hợp một cán bộ lãnh đạo ở địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn thấp thì chỉ riêng việc xây dựng cơ ngơi quá hoành tráng như vậy cũng là không nên, xét ở góc độ đạo đức là đáng phải phê phán rồi.

Chưa kể dư luận đặt ra nhiều nghi vấn tài sản của một người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường tại một địa phương nóng về tình trạng lâm tặc và khoáng tặc, là hoàn toàn có cơ sở.

Khối tài sản lớn ấy có đúng là do chăn nuôi lợn, bán đọt chít hay vay ngân hàng mà có không, tài sản hình thành ra sao, có gì khuất tất không… đều phải làm rõ, đầy đủ và trung thực.

Thực ra có tiền thì tiêu thế nào là quyền của người ta, làm sao phê phán được?

Đây tôi xét ở góc độ là cán bộ còn đương chức của một tỉnh nghèo. Xung quanh người dân ăn còn chẳng đủ no, còn mình xây hẳn một cơ ngơi to như thế thì có lẽ đạo đức có vấn đề.

Nếu tôi là cục trưởng cục phòng chống tham nhũng, tôi sẽ không rụt rè, nể nang, mà thể hiện ngay chính kiến với những cán bộ như vậy.

Đoàn kiểm tra ăn nghỉ ở đâu?

Người ta vẫn nói cán bộ thanh tra, làm công tác phòng chống tham nhũng, nó có nhiều cái khó?

Khi tham nhũng đang là nỗi nhức nhối, mong mỏi của người dân là phải diệt bỏ bớt những con sâu đang đục khoét tiền dân đi. Vậy thì ông cục trưởng phòng chống tham nhũng phải như Bao Công, liêm khiết, đanh thép thì mới làm được việc.

Việc thanh tra tài sản của cán bộ này đã kết thúc, chỉ vài ngày nữa sẽ có kết quả, ông nhận định kết quả thế nào?

Tôi không dám võ đoán, chỉ dám đặt câu hỏi về việc thanh tra từ phát ngôn ban đầu của ông cục trưởng. Rằng khi đoàn thanh tra về làm việc thì công tác ăn nghỉ của đoàn như thế nào, đoàn tự lo hay là địa phương lo?

Nếu đoàn tự lo dựa trên chế độ của Nhà nước hơn 200.000đ/ngày thì chắc có lẽ không đủ. Còn nếu mọi ăn uống sinh hoạt, đi lại, ngủ nghỉ, đều do địa phương lo, thì liệu kết quả thanh tra có khách quan không?

Liệu có chuyện đưa quà cáp, phong bì hay không? Tôi là người dân, tôi đặt câu hỏi như thế đấy.

Với khối tài sản của ông Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, ông đặt ra những câu hỏi gì?

Trước tiên tôi không đồng tình với giải thích của ông ấy về nguồn gốc khối tài sản là do nuôi lợn, bán đọt chit hay do vay ngân hàng mà có.

Thứ hai phải làm rõ việc quản lý rừng, gỗ, tài nguyên khoáng sản của ông ấy ra sao, có hay không việc lợi dụng chức vụ để có được tài sản? Có hay không việc ỉ lại vào thế lực của người thân? Các vấn đề cấp phép khai khoáng, kiểm tra giám sát chặt phá rừng… khi ông này làm việc được xử lý ra sao?

Tiền đây xây biệt phủ. Rất nhiều nội dung tôi muốn biết.

Bùa hộ mệnh “kê khai tài sản”

Trong trường hợp kết quả thanh tra việc kê khai tài sản của ông giám đốc sở này là trung thực thì sao?

Cho dù có như thế thì việc thể hiện của một cán bộ như vậy cũng là không chấp nhận được.

Còn nếu cơ quan thanh tra đồng tình rằng ông ấy kê khai trung thực với khối tài sản lớn như thế, thì tôi cho rằng ông giám đốc sở kia đã có thể đàng hoàng mà nói rằng khối tài sản của tôi đã khai báo rồi.

Và việc kê khai tài sản, vô hình trung trở thành lá bùa hộ mệnh của một số cán bộ.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Bởi họ cứ nói “đã kê khai rồi” thì không ai làm gì được. Liệu có phải cứ kê khai ra là vô tội, kê khai xong là không ai bắt phải khai lại vì chưa đúng.

Kê khai tài sản cho đến thời điểm này dường như vẫn là một việc làm hình thức, ít có kết quả. Người ta muốn kê khai thế nào thì kê khai, chỉ khi có vấn đề gì đó thì việc kê khai này mới bị đem ra mổ xẻ.

Tôi có một người bạn là cán bộ liêm khiết lắm, kể rằng khi kê khai tài sản, người này cứ khai vống lên, rằng có một sổ tiết kiệm 5 tỷ đồng. Thế là cũng chả ai quan tâm cái khối tài sản ấy có thật không, nguồn gốc từ đâu.

Vậy là để cho chắc, có người cứ kê khai vào đấy, nhỡ có việc gì?

Đúng thế, người ta cứ kê khai vào đấy, có làm sao đâu, khi xảy ra việc thì nó lại là bùa hộ mệnh, rằng tôi đã kê khai, đã báo cáo rồi.

Có vẻ như ông có nhiều bức xúc với vấn đề kê khai tài sản?

Tôi không bức xúc mà chỉ nhìn nhận dựa trên thực tế và sự hiểu biết của mình. Tôi chưa nhìn thấy tính tích cực của việc kê khai tài sản hiện nay. Nếu kê khai xong rồi công khai để người dân, các cơ quan chức năng giám sát thì hãy làm. Còn kê khai xong cất vào ngăn kéo, chẳng ai đọc, thì không nên kê khai nữa.

Ý ông là cùng với việc kê khai phải là giám sát, chứng minh nguồn gốc tài sản?

Đúng thế, phải xem tài sản ấy do đâu mà có, chứ không phải cứ kê khai xong là coi như tài sản đó hợp pháp. Và người làm công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng cũng phải thật quyết liệt, đừng rụt rè, đừng né tránh, nể sợ, thì công cuộc phòng chống tham nhũng mới mong đem lại kết quả.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP