Giáo dục

IELTS không phải là thước đo năng lực giảng dạy tiếng Anh

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - IELTS là thước đo năng lực tiếng Anh chứ không phải năng lực giảng dạy tiếng Anh. Việc nâng chuẩn giáo viên đạt 6.5 trở lên theo chuẩn quốc tế không phải là cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh.

Khảo sát nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh toàn thành phố

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện tổ chức việc rà soát, đánh giá trình độ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Dự kiến việc này sẽ bắt đầu từ ngày 5 - 25/6.

Theo Sở GD&ĐT, kết quả của cuộc khảo sát này chỉ để phân loại và tiếp tục đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho những giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. 

Việc rà soát nhằm thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đến năm 2025.

Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, 100% giáo viên ngoại ngữ phổ thông đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học mới theo quy định khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam hoặc tương đương.

Đến năm 2025, 50% giáo viên phổ thông các cấp học phải đạt kỹ năng nghe, nói Tiếng Anh từ 6.5 trở lên theo chuẩn quốc tế IELTS; 50% giáo viên các môn Toán và Khoa học có thể sử dụng Tiếng Anh để giảng dạy.

Vì vậy, kết quả của cuộc khảo sát này chỉ để phân loại và tiếp tục đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho những giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam.

Trao đổi đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đối tượng khảo sát lần này là 100% giáo viên Tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. Những giáo viên có chứng chỉ IELTS từ năm 2019 trở lại đây đạt 6.5 trở lên có thể sử dụng kết quả đó để phân lớp đào tạo.

Những giáo viên không đạt chuẩn tương đương 6.5 IELTS trở lên sẽ tiếp tục được đào tạo để nâng chuẩn. Kinh phí cho việc tham gia khảo sát này sẽ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước.

Giáo viên băn khoăn, phụ huynh ủng hộ

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về việc rà soát, đánh giá trình độ giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế của Hà Nội, phụ huynh Hoàng Thu Thủy (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và một số phụ huynh khác chia sẻ, rất ủng hộ việc làm này.

Bởi hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện đã cho con đi học ngoại ngữ từ rất sớm. Như gia đình chị, hai con nhà chị đều đi học tiếng Anh từ tiểu học, còn làm quen với tiếng Anh thì từ mẫu giáo. Đến nay, một cháu đã học lớp 12, tiếng Anh đã đạt 7.5 IELTS. Thậm chí, bạn học của con còn đạt 8.0.

"Với trình độ của học trò như vậy, giả sử giáo viên có trình độ kém hơn thì làm sao có thể dạy được học trò”, chị Thủy nói.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie chia sẻ, tại Trường Marie Curie, nhiều học sinh học hết lớp 9 có thể đạt IELTS 6.5 – 7.0; hết lớp 12 có thể đạt 7.5 – 8.0. Do đó, việc giáo viên phải nâng cấp trình độ của mình là hợp lý.

Tuy nhiên, không ít giáo viên lại cho rằng, việc làm này của Sở GD&ĐT Hà Nội là đang “làm khó” giáo viên. Bởi vì, bài dạy trên lớp và bài thi IELTS rất khác. Việc thi như thế này khiến giáo viên lại mất thời gian ôn luyện. Đặc biệt, hiện tại, giáo viên vẫn còn đang cùng học sinh gắng sức giải quyết những hậu quả của dịch Covid-19 để lại, ảnh hưởng tới việc học hành của các em

Còn theo TS Nguyễn Trọng Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KHCN cao VUSTA – UIA, chủ phương pháp Học tiếng siêu tốc BBST, việc nâng cao trình độ tiếng Anh ở nhiều hình thức, chứ không phải chỉ là IELTS. Thực tế, IELTS chỉ là một thước đo năng lực tiếng Anh chứ không phải thước đo năng lực giảng dạy.

Để dạy được tiếng Anh là phải có phương pháp luận sư phạm, nhiều giáo viên tiếng Anh hiện nay không có phương pháp luận sư phạm. Thứ hai, là phải có một lượng từ, cấu trúc phong phú để diễn đạt cho học sinh. Thứ ba là phải kiến thức ngữ pháp rất vững vàng.

Cũng theo ông Giao, hiện nay, một số giáo viên tiếng Anh nghe, nói rất kém. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới các thế hệ học sinh.

Giải pháp đưa ra, là hãy để cho học sinh nghe đúng giọng chuẩn, đó là Anh – Pháp, Anh – Mỹ, Úc, Canada.

“Tôi đã có nghiên cứu rất sâu về não, về tính chất vật lý của việc này, nếu nghe với giọng Việt thì học sẽ không bao giờ tốt được. Vậy giải pháp là như thế nào? Thực ra, cũng rất đơn giản, Giáo viên chỉ cần một điện thoại di động, một loa có kết nối Bluetooth là có thể dạy được. Với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, nếu người Việt Nam biết cách dạy thì dạy tốt hơn cả giáo viên là người Tây. Thực tế, hiện nay, nhiều giáo viên là người nước ngoài không biết dạy, dạy ngữ pháp rất kém”, ông Giao chia sẻ.

TS Nguyễn Trọng Giao cho biết, khoảng 2 tháng nữa, ông sẽ triển khai chương trình dạy miễn phí tiếng Anh trên mạng Internet theo phương pháp học BBST. Theo đó, chỉ sau một buổi lên lớp đã nắm được cách dùng 18 thì của động từ,chỉ cần 1.000 từ và có kiến thức ngữ pháp cơ bản, vững vàng người học đã có thể giao tiếp khá tốt với người nước ngoài. Chỉ cần thuộc 3.000 từ, tập hợp từ và kiến thức ngữ pháp tốt  là có thể dọc báo chí ở mức độ trung bình khó.

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP