Doanh số “bừng sáng” nhưng mong manh
Tháng 3/2023, báo cáo từ VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam) cho thấy, doanh số xe bán ra của Hyundai Stargazer đạt 641 xe, tăng 153% so với tháng trước chỉ đạt 253 xe. Tổng doanh số 3 tháng đầu năm của mẫu xe này là 1.076 xe.
Việc bất ngờ “bừng sáng” doanh số của mẫu MPV mới gia nhập thị trường ô tô Việt Nam này khiến giới quan sát bất ngờ, bởi trước đó sức tiêu thụ của Hyundai Stargazer khá “lẹt đẹt”.
Hyundai Stargazer nhập khẩu Indonesia đã chính thức bán ra thị trường Việt Nam từ ngày 20/10/2022 với 4 phiên bản, thấp nhất 575 triệu đồng và giá cao nhất 685 triệu đồng. Đây là mức được đánh giá có tính cạnh tranh cao so với các đối thủ hiện tại trong phân khúc MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz Cross, Suzuki Ertiga.
Tuy nhiên, hai tháng cuối năm 2022, Hyundai Stargazer chỉ bán được vỏn vẹn 1.121 xe, tức trung bình bán 560 xe/tháng. Trong khi các đối thủ đến từ Nhật có doanh số tốt hơn hẳn, như Mitsubishi Xpander bán 1.831 xe/tháng, Toyota Veloz Cross bán 1.175 xe/tháng.
Đáng nói, thời điểm cuối năm 2022 sức mua thị trường rất lớn và Hyundai Stargazer áp dụng chính sách giữ nguyên không tăng giá, khác với các “anh em” Hyundai khác như SantaFe, Tucson, Creta,… thế nhưng vẫn không đẩy được doanh số cao.
Thậm chí 2 tháng đầu năm 2023, thị trường chứng kiến Hyundai Stargazer “lao dốc” với sức tiêu thụ trung bình còn 217 xe/tháng. Chỉ sang tháng 3, khi áp dụng mức giảm “khủng” lên tới 100 triệu đồng cho bản rẻ nhất, chiếc MPV này mới khởi sắc, nhưng vẫn chưa thể vượt qua doanh số 700 xe/tháng.
Việc giảm giá lên tới 100 triệu đồng cho mẫu xe ở phân khúc giá rẻ dưới 600 triệu đồng là chưa từng có tiền lệ, bởi với mức này, biên độ lợi nhuận của hãng xe gần như bị “âm”. Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì kiểu ưu đãi này, không thể nói trước được tương lai của Hyundai Stargazer.
Tồn tại nhiều điểm yếu
Sự kém “hot” của Stargazer xuất hiện ngay từ khi mẫu xe này chưa về Việt Nam. Cộng đồng yêu xe trong nước đánh giá Hyundai Stargazer sở hữu kiểu dáng không theo xu hướng của các mẫu MPV hiện tại, tự đi một lối riêng với phần đầu nhọn, vuốt thẳng về phía sau. Có người còn ví xe giống như một con chuột máy tính, hoặc na ná thiết kế dòng xe “đĩa bay” Toyota Previa thập niên 90.
Chính vì ngoại hình có phần đơn giản và “dị” nên các chi tiết thường tạo nổi bật như ca-pô, cản trước, đuôi không để lại dấu ấn riêng. Trang bị bên ngoài xe không có gì để chê khi khá đầy đủ, gồm đèn định vị LED ban ngày, đèn sương mù, gương chiếu hậu gập điện, la-zăng 16 inch, đèn pha tự động (trừ bản tiêu chuẩn).
Không chỉ bị chê “xấu”, ngay cả những khách hàng tiên phong mua Hyundai Stargazer vì giá rẻ cũng nhận xét chiếc xe đúng là “tiền nào của nấy”, khó có thể làm xe gia đình mà chỉ hợp chạy dịch vụ.
Anh Cao Minh Tiến (Phúc Xá, Hà Nội) cho biết, anh chọn mua Hyundai Stargazer bản tiêu chuẩn với giá giảm còn 486 triệu trong tháng 3 vừa qua. Mục đích anh mua để thay thế cho chiếc Kia Morning đời 2012 chạy taxi lâu nay, nên điều anh Tiến quan tâm là giá bán, lại là xe 7 chỗ.
Tuy nhiên, sau một tháng dùng xe, anh Tiến thấy một số điểm chưa ưng ý và thậm chí khó chịu trên chiếc MPV này.
“Tôi khó chịu nhất là Hyundai cắt đi tính năng nâng hạ độ cao ghế lái, ảnh hưởng đến tư thế của người điều khiển xe. Đồng thời, trụ A của Hyundai Stargazer quá lớn khiến cho tầm nhìn phía trước và hai bên bị hạn chế, tạo ra nhiều điểm mù. Không hiểu sao đến năm 2023 rồi mà lại có mẫu xe làm cột A lớn như xe thập niên 90”, anh Tiến nhận xét.
Riêng nội thất bên trong, anh Tiến cho rằng nếu có thêm tiền sẽ bóc đi làm mới toàn bộ bởi nguyên bản tạo cảm giác đơn sơ, không thoải mái. Các miếng ốp trang trí trên vô lăng cho thấy sự cẩu thả trong gia công của Hyundai khi có độ vênh giữa các chi tiết. Khi cầm nắm, người dùng sẽ có cảm giác cấn tay. Các hốc để đồ trên bảng táp-lô chỉ để được các vật dụng có kích thước nhỏ.
Ngoài ra, cụm đồng hồ và khu vực đặt màn hình giải trí khá thô và không tạo cảm giác liền mạch. Hệ thống treo của Hyundai Stargazer bồng bềnh dù chở đủ tải. Thân xe sẽ có hiện tượng lắc ngang khi chạy trên 60km/h. Riêng hộp số iVT tăng tốc kém mượt mà, đi chậm dưới 20km/h có cảm giác giật khựng.
Stargazer trang bị động cơ xăng 1,5 lít Smartstream G 1.5L mới, công suất 115 mã lực tại 6.300 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 144 Nm tại 4.500 vòng/phút, mạnh hơn hẳn so với các đối thủ Nhật Bản nhưng cảm giác lái và mức tiêu thụ nhiên liệu kém hơn, khiến nhiều khách hàng cho rằng giá rẻ như vậy chưa xứng đáng để họ hi sinh những nhu cầu khác.
Chính vì Hyundai Stargazer đã tự định vị mình thấp hơn các đối thủ, nên khách hàng tiềm năng của mẫu xe này đến từ nhóm khách chạy dịch vụ. Về lâu dài, chiến lược này không hề bền vững khi mà doanh số của Mitsubishi Xpander vẫn đang cách biệt quá lớn, chưa kể các mẫu xe Nhật liên tục thay đổi công nghệ, tiện nghi để chiều lòng khách hàng. Vì vậy, tương lai cho Hyundai Stargazer vẫn khá “mịt mờ” và có thể ảnh hưởng đến quyết định lắp ráp trong nước thời gian tới.