Y học và đời sống

Hy thiêm trị đau nhức, tê thấp

Cây hy thiêm thân thảo sống lâu năm, cao từ 40– 50cm cành có lông, lá mọc đối, phiến lá hình quả trám, mép khía răng thưa. Hoa màu vàng, quả hình trứng màu đen. Cây hy thiêm mọc hoang nơi ấm mát ở đồng bằng, đồi núi khắp nước ta, toàn cây được thu hái dùng làm thuốc chữa bệnh. Mùa hoa từ tháng 4, 5 đến tháng 8, 9.

Theo tài liệu cổ, hy thiêm vị đắng, tính hàn, hơi có độc vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt. Chữa chân tay tê dại, lưng mỏi , gối đau, phong thấp. Những người tê đau mà do âm huyết không đủ không dùng được. Hiện nay vị thuốc mới được dùng trong phạm vi nhân dân, làm thuốc chữa đau nhức, tê thấp, nhức xương, yếu chân, bán thân bất toại gân cốt nhức lạnh, lưng gối tê dại.

Chữa bán thân bất toại, phong thấp tê bại chân tay lấy lá, cành non hy thiêm sao vàng, tán bột, trộn mật ong, hoàn 5g/viên, uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 1 viên.

Chữa bại liệt nửa người dùng cao hy thiêm uống với máu mào gà (Danh y Lê Kinh Hạp đời Tự Đức)

Để chữa bệnh gút, lấy hy thiêm 100g, thiên niên kiện 50g, đường và rượu 1 lít nấu thành cao ngày uống 2 lần, lần một ly nhỏ trước khi ăn trưa, tối.

Chữa bệnh vẩy nến dùng hy thiêm 16g; hoa hòe, sinh địa, cây cứt lợn, thạch cao mỗi vị 20g; thổ phục linh, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, cam thảo đất mỗi vị 16g, sắc uống ngày một thang.

Dùng giã đắp tại chỗ chữa nhọt độc, ong đốt, rắn cắn. Ngày dùng 6- 12g dưới hình thức thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc cao mềm. Có thể tăng tới liều 16g ngày.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, hy thiêm 8g, ngưu tất 6g, thảo quyết minh 6g, hoàng cầm 6g, trạch tả 6g, chi tử 4g, long đởm thảo 4g. Tất cả cho vào ấm đổ 700ml nước, sắc nhỏ lửa còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày 1 liệu trình.

Lương y Hoài Phương

BẢN DESKTOP