Dữ liệu y khoa

Hy hữu: Sỏi túi mật tái phát sau khi đã cắt túi mật

  • Tác giả : Phương Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh sỏi túi mật khá phổ biến ở nước ta, đó là những viên sỏi rắn, hình thành bởi cholesterol, muối mật và canxi, kích thước sỏi từ vài mm đến vài cm, số lượng có thể từ 1 đến nhiều viên.

Trường hợp tái phát sỏi túi mật

Tại BV Xanh Pôn vừa qua các bác sĩ đã gặp trường hợp bệnh nhân nam 40 tuổi có tiền sử mổ cắt túi mật nội soi trước đây 9 tháng. Sau mổ, bệnh nhân biểu hiện nhiều đợt đau tức hạ sườn phải, đau thượng vị kèm lan xuyên sau lưng. Bệnh nhân đã nhập viện, được khám kiểm tra chụp cộng hưởng từ cho thấy, có 1 viên sỏi kích thước 1cm nằm ở vùng cổ túi mật, đường mật không giãn, không có sỏi. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi ngày 21/5/2019, cắt phần cổ túi mật chứa sỏi.

BS Trần Kiên Quyết, BV Xanh Pôn, người trực tiếp mổ cho bệnh nhân cho biết, đây là ca bệnh hiếm gặp bởi tỷ lệ sỏi túi mật còn sót lại sau phẫu thuật cắt túi mật là dưới 2,5%. Nguyên nhân dẫn đến phải phẫu thuật nội soi có thể do việc bóc tách tam giác Calot không đúng cách, để lại ống cổ túi mật quá dài để tránh tổn thương cho đường mật. Trong phẫu thuật nội soi, cắt túi mật một phần được khuyến khích trong các tình huống viêm túi mật cấp tính phức tạp, xơ gan, hội chứng Mirizzi…vì sẽ khiến việc bóc tách tam giác Calot rất khó khăn và nguy hiểm. Để lại một phần túi mật có thể giảm chuyển sang mổ mở, tuy vậy làm tăng nguy cơ sót sỏi túi mật sau cắt túi mật nội soi. Vì vậy, phẫu thuật nội soi là một phương pháp được lựa chọn cho bệnh nhân sót sỏi túi mật sau phẫu thuật cắt túi mật. Trường hợp bệnh nhân nam đã được phẫu thuật nội soi lấy phần sỏi sót lại trong túi mật, đã ra viện sau 3 ngày điều trị.

Sỏi túi mật hình thành thế nào?

Sỏi túi mật hình thành khi dịch mật do gan tiết ra và được vận chuyển đến túi mật - cơ quan thực hiện vai trò bảo quản và làm cô đọng mật. Sự hiện diện chất béo trong thức ăn được tiêu hóa khởi động phản ứng hormon gây ra co thắt túi mật, tiếp theo mật được đổ vào ruột. Sỏi túi mật chính là những cục nhỏ xuất hiện từ mật đã kết tinh. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật là tập hợp chủ yếu từ cholesterol còn ở Việt Nam, đa số là sỏi sắc tố, bắt nguồn từ trứng và xác ký sinh trùng đường ruột.

Sỏi túi mật có thể gặp ở bất kể ai nhưng hay gặp ở người béo phì, thừa cân vì sỏi liên quan đến thừa cholesterol trong máu; phụ nữ dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen; người có bệnh viêm đường ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng. Hầu hết người bệnh không có triệu chứng gì, sỏi túi mật được phát hiện tình cờ khi đi làm siêu âm bệnh khác. Theo các chuyên gia, triệu chứng điển hình của sỏi túi mật là: đau bụng âm ỉ dưới sườn phải, xuyên ra lưng, lên vai phải. Các cơn đau quặn dữ dội ít xảy ra, thường liên quan đến việc sỏi gây tắc ống cổ túi mật, viêm túi mật cấp, phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu nếu quá trình viêm tiến triển dẫn đến hoại tử túi mật.

Khi mắc sỏi túi mật, phẫu thuật cắt túi mật nội soi được xem như là phương pháp duy nhất được chọn trong điều trị ngoại khoa sỏi túi mật. Có thể phẫu thuật nội soi thông thường với 3-4 vết rạch da nhỏ 0.5-1cm trên thành bụng để đưa dụng cụ hoặc phẫu thuật SILS một đường rạch qua rốn để không thấy sẹo sau khi mổ. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hoặc biến chứng.

Theo các bác sĩ, để hạn chế nguy cơ mắc sỏi túi mật, hằng ngày chúng ta nên ăn uống cân bằng, duy trì cân nặng trung bình, thường xuyên tập thể dục, đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày. Về mùa hè nên uống nhiều nước bởi nước là dung môi cần thiết cho cơ thể, giúp tăng đào thải độc tố và làm giảm kích thích co túi mật. Với người mắc sỏi túi mật nên tăng cường chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan giúp tăng cường hoạt động của hệ thống tiêu hóa, phòng táo bón, tiêu chảy và làm chậm hấp thu chất béo sau khi ăn.

Phương Hằng

BẢN DESKTOP