Vừa qua khoa Nội soi tiêu hóa đã phát hiện 1 trường hợp polyp khá đặc biệt. Bệnh nhân nữ, 48 tuổi, đi khám vì lý do đau bụng và đại tiện máu kéo dài 1 tháng nay.
Trong quá trình nội soi đã phát hiện 1 polyp lớn kích thước 2,5cm ở vị trí đại tràng Sigma, chung cuống dài và chia tách thành 2 đầu (phân loại Paris type 0-Ip, JNET type 2A), điều này tạo khó khăn cho quá trình can thiệp.
Các bác sĩ BS Xuân Hùng, Mai Loan, Thành Trung, Khoa Nội soi tiêu hóa- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành thắt chân polyp bằng vòng Endoloop và cắt bằng thòng lọng điện qua nội soi an toàn. Bệnh nhân được hướng dẫn về nhà nghỉ ngơi sau can thiệp. Sau 5 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Hình ảnh polyp đại trực tràng đôi |
Các bác sĩ cho biết, polyp đại trực tràng là những khối u tân sinh lồi vào trong lòng đại trực tràng, đa số là lành tính, nhưng có tỉ lệ nhất định phát triển thành ung thư. Ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 về tỉ lệ mắc, thứ 4 về tỉ lệ tử vong trên thế giới. Do đó polyp đại trực tràng được xếp vào nhóm tổn thương tiền ung thư.
Nguyên nhân hình thành polyp đại trực tràng vẫn chưa được làm rõ nhưng có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành polyp đại trực tràng:
- TUỔI: thường phát hiện ở đối tượng trên 50 tuổi
- Có yếu tố gia đình: trong gia đình có người bị polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng. Một số rối loạn gia đình được ghi nhận như: hội chứng Gardner (đa polyp gia đình), hội chứng Lynch (một căn bệnh làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư)...
- Thói quen không lành mạnh: hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì...
Polyp đại trực tràng thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng. Một số dấu hiệu có thể gặp và đôi lúc dễ nhầm với các bệnh đường tiêu hóa khác:
- Đại tiện ra máu, ra nhầy bọt...
- Rối loạn tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy thất thường
- Đau bụng kéo dài do polyp lớn làm hẹp tắc lòng ruột
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bạn có những dấu hiệu tiêu hóa bất thường hoặc có yếu tố nguy cơ cần thực hiện đi tầm soát phát hiện ung thư sớm.
Ngày nay, nội soi bằng ống mềm là phương pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán polyp đại trực tràng. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nội soi tăng cường hình ảnh, nội soi phóng đại giúp tăng khả năng phát hiện polyp đại trực tràng và đánh giá giai đoạn, đồng thời giúp tầm soát phát hiện ung thư sớm.
Tùy thuộc vào kích thước, hình ảnh, tính chất mạch máu của polyp đại trực tràng mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp, cắt polyp qua nội soi bằng dụng cụ và kĩ thuật khác nhau (cắt EMR hoặc ESD). Polyp sau cắt sẽ gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh để đánh giá bản chất từ đó có hướng theo dõi và điều trị tiếp.