Thời sự

Hy hữu: Người đàn ông bị trứng cá đỏ che lấp đường thở

  • Tác giả : Thúy Nga
Bị trứng cá đỏ nhiều năm không điều trị khiến mũi bệnh nhân biến dạng thành mũi sư tử, phì đại che lấp đường thở. Bệnh mũi sư tử khiến mũi bị biến dạng, mũi to, đỏ, mấp mô hoặc hình củ hành gây hạn chế khả năng thở.

Ông C., 56 tuổi đến khám tại Bệnh viện Da liễu TƯ trong tình trạng mũi biến dạng: đỏ và phì đại.... Ông cho biết, bản thân phát hiện bệnh trứng cá đỏ từ nhiều năm trước nhưng chưa từng điều trị. Hai năm gần đây, vùng da ở mũi đỏ nhiều, tăng tiết nhiều bã nhờn, đầu mũi, cánh mũi lớn dần, phì đại che lấp đường thở.

TS.BS Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trước khi đến viện, bệnh nhân thường xuyên phải thở bằng miệng vì lỗ mũi như có chiếc gối che lấp, rất nghẹt mũi, khó thở, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống.

Tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh mũi sư tử Rhinophyma.

Người đàn ông bị mũi sư tử che lấp đường thở

Người đàn ông bị mũi sư tử che lấp đường thở

TS.BS Nguyễn Hữu Quang cho biết, bệnh mũi sư tử là tình trạng biến dạng vùng mũi do sự tăng sinh, phì đại tuyến bã nhờn, mô liên kết và mạch máu ở mũi, khiến mũi bị biến dạng, mũi to, đỏ, mấp mô hoặc hình củ hành, có thể hạn chế khả năng thở của người bệnh.

Mũi sư tử là một trong các dạng của trứng cá đỏ. Các vị trí trí khác có thể có phì đại da và tuyến bã là mi mắt, trán, cằm. Vị trí điển hình của mũi sư tử là ở đầu mũi. Trứng cá đỏ gây phì đại các tổ chức mô ở đỉnh mũi và cánh mũi, khiến vùng này nổi cao như múi củ tỏi.

Bệnh nhân có mũi sư tử thường có hình dáng mũi phì đại, biến dạng, mất thẩm mỹ. Vùng thương tổn mũi sư tử có màu da hoặc màu đỏ. Các mao mạch giãn rộng nổi rõ trên da, có nhiều lỗ nhỏ, tiết bã… Bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

Theo các chuyên gia, bệnh mũi sư tử là rối loạn ít gặp, chưa xác định nguyên nhân rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh bao gồm: Nam giới; Người ở độ tuổi 50-70; Có làn da trắng sáng; Tiền sử gia đình mắc bệnh về da; Từng mắc bệnh rosacea - bệnh da liễu gây nổi trứng cá, mẩn đỏ và sưng tấy.

Triệu chứng của bệnh rhophyma có thể xảy ra theo chu kỳ, có xu hướng nặng dần theo thời gian, bao gồm: Mũi sưng mà không cải thiện; Các tuyến dầu xuất hiện trên mũi; Lỗ chân lông mở rộng; Da chuyển sang màu đỏ; Da ngày càng dày hơn; Bề mặt có vẻ như sáp, thô ráp, chuyển màu hơi vàng‌.

Chẩn đoán: Bác sĩ khám để tìm kiếm dấu hiệu của bệnh viêm mũi. Nếu nghi ngờ mắc bệnh mũi sư tử, bác sĩ có thể lấy một mẫu nhỏ tế bào da trên mũi, gửi đến phòng thí nghiệm để sinh thiết.

Điều trị: Người bệnh được dùng thuốc có tác dụng giảm mẩn đỏ, làm chậm hoặc giảm sự phát triển của tuyến bã nhờn gây lỗ chân lông to và kết cấu da mấp mô.‌

Nếu không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có thể cải thiện cả hình dáng bên ngoài và chức năng của mũi bằng cách:

- Định hình lại biến dạng của mũi.

- Loại bỏ các mô phát triển quá mức‌.

- Giảm các mạch máu quá khổ‌‌.

Sửa chữa tổn thương do bệnh mũi sư tử có thể cần nhiều lần phẫu thuật.

Các kỹ thuật phẫu thuật khác bao gồm tái tạo bề mặt bằng laser để cải thiện hình dạng mũi, mài da, ghép da...

Thúy Nga

BẢN DESKTOP