Thời sự

Huy động vốn PPP cho Cảng hàng không Nà Sản

  • Tác giả : Quốc Trọng
Bộ GTVT đồng ý với phương án huy động vốn bằng phương thức PPP để sớm đầu tư Cảng hàng không Nà Sản

Trước đó, vào tháng 3/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang được giao quản lý Cảng hàng không Nà Sản - xin rút lui khỏi dự án, do vậy Bộ GTVT đồng ý sử dụng phương thức PPP để huy động vốn cho Cảng hàng không Nà Sản

Ban đầu, dự án này được ACV dự tính sử dụng vốn giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng. Tuy nhiên do dịch Covid-19, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận bị giảm, nên ACV không đủ nguồn lực để thực hiện. 

Thay vào đó, ACV sẽ ưu tiên nguồn lực để thực hiện 6 dự án trọng điểm gồm: sân bay Long Thành giai đoạn I; nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga T2 Nội Bài; nhà ga T2 và sân đỗ máy bay Phú Bài; đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên; nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay sân bay Cát Bi.

Sau khi ACV xin rút khỏi dự án, tháng 3/2022, UBND tỉnh Sơn La đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP, và giao UBND tỉnh Sơn La triển khai thực hiện ngay trong giai đoạn 2020 - 2025.

Dự án Cảng hàng không Nà Sản có tổng mức đầu tư dự kiến 2.295 tỷ đồng, có thiết kế đường cất hạ cánh mới, kích thước 2.600 x 45 m, đảm bảo đón được máy bay A320/321 hoặc tương đương; hệ thống đường lăn, sân đỗ; tín hiệu dẫn đường, khí tượng đồng bộ.

Đối với khu hàng không dân dụng, có nhà ga dạng tuyến tính diện tích 8.365 m2, đáp ứng công suất 1 triệu hành khách/năm đủ bố trí các khu vực chức năng theo tiêu chuẩn và các khu vực kinh doanh dịch vụ, phục vụ hành khách; nhà điều hành cảng 3 tầng, tổng diện tích 2.817 m2.

Cảng hàng không Nà Sản thuộc nhóm cảng hàng không ở vùng núi, hải đảo, khả năng cân đối nguồn thu - chi khó khăn và có công suất quy hoạch dưới 5 triệu hành khách/năm. Nhóm cảng hàng không này được Bộ GTVT định hướng chuyển giao các công trình kết cấu hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Cảng hàng không Nà Sản đã dừng hoạt động từ năm 2004 do nhu cầu sử dụng và hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu khai thác.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP