Dữ liệu y khoa

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới

Thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây chết sớm cho một nửa số người sử dụng. Mỗi năm, thuốc lá giết khoảng 6 triệu người trên thế giới, trong đó có 5 triệu là do sử dụng thuốc lá và khoảng 600.000 do tác hại của hút thuốc lá thụ động.

ThS BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Cung cấp thông tin và truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá”, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế, vừa được tổ chức tại TPHCM.

Tại hội nghị, ThS BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ: Tại Việt Nam có 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá; Thuốc lá cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới trên 35 tuổi là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Cũng theo ThS Hoàng Anh, số tiền đáng lẽ dùng để chi cho thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe nay đã dùng chi cho thuốc lá. Ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở người nghèo luôn cao hơn các nhóm khác. Trong năm 2015, người dân Việt Nam đã chi 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá, số tiền này có thể mua được 2,4 triệu tấn gạo, đủ để nuôi sống 14,3 triệu người trong một năm.

Các đại biểu tham dự đang thảo luận tại hội nghị.

Trong khói thuốc lá chứa khoảng 7000 hợp chất độc hại, ước tính khoảng 69 hợp chất gây ung thư như: Ammoniac, carbon monoxide, nicotine và các chất độc khác… là nguyên nhân gây nên các bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, đại trực tràng, dạ dày…

Để hạn chế tối đa số người sử dụng thuốc lá, theo ThS BS Nguyễn Tuấn Lâm, tổ chức WHO tại Việt Nam, tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, tăng thuế thuốc lá còn giúp tăng nguồn thu từ thuốc lá cho ngân sách chính phủ.

ThS Nguyễn Tuấn Lâm cũng cho biết: Theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế giới, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên ở người nghèo và lớp trẻ sẽ giảm nhiều hơn.

ThS BS Nguyễn Tuấn Lâm, tổ chức WHO tại Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến rằng, Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2.000đ hoặc tối ưu là 5.000đ/bao thuốc từ năm 2020, và nên được tăng thường xuyên để theo kịp mức tăng thu nhập và lạm phát, nên tăng cho tới khi đạt 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ, như khuyến cáo của WHO. Có như vậy mới có thể hạn chế được số người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam trong tương lai.

Ánh Dương

BẢN DESKTOP