Khám phá

Hút chì tẩy độc da, dễ đối mặt nguy cơ ung thư

Hút chì làm trắng, tẩy độc da đang trở thành mốt làm đẹp của nhiều chị em. Nhưng theo các chuyên gia, khi chì đi vào cơ thể, chúng không tồn tại trên bề mặt da.

Ảnh minh họa.

Tẩy độc trắng da

Trên các trang mạng xã hội, các thẩm mỹ viện ở Hà Nội đang rầm rộ quảng cáo dịch vụ hút chì làm đẹp da mặt. Theo những quảng cáo này, da người tiếp xúc với môi trường độc hại, khói bụi, khí độc dẫn đến bị nhiễm chì.

Chì làm cho da bị xỉn màu, mụn, sần sùi vì chì là kim loại độc tính có khả năng tích tụ rất sâu dưới da, làm cho da lão hóa sớm.

Ngay cả khi sống trong môi trường không khí trong lành, nhưng sử dụng các loại mỹ phẩm làm đẹp, khả năng nhiễm chì cũng rất cao. Khi áp dụng phương pháp này, các nhân viên của thẩm mỹ viện sẽ tiến hành soi da, tẩy trang rồi dùng máy soi chuyên dụng để hút bỏ chì.

Quá trình này giúp làm sạch da, loại bỏ chì, làm sáng da mặt. Với mức giá dao động  từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/lần. Công nghệ này không sử dụng hóa chất tẩy da, lành tính, an toàn cho người được điều trị.

Quy trình hút chì được thực hiện bằng cách thoa tinh chất vitamin E, rồi dùng máy siêu âm có tần sóng nhỏ, áp lực cao để đẩy chì ra bên ngoài. Theo các nhân viên thâm mỹ viện có dịch vụ hút chì, kể cả đối với những người bị nhiễm chì nặng cũng chỉ nên hút từ 2-3 lần trong một tháng vì nếu lạm dụng thì da rất dễ bị tổn thương.

Chị Nguyễn Thanh Thủy , Thẩm mỹ viện Hà Nội khẳng định việc làm đẹp da, tẩy tế bào chết hay làm sạch da mặt là các liệu pháp thẩm mỹ đơn giản, nhưng chắc chắn không có phương pháp nào tẩy được chì có trong da. Trong lý thuyết về thẩm mỹ, làm đẹp, chưa có khái niệm nào về hút chì để làm sạch da.

Còn việc tẩy da, hút bỏ bụi bẩn, chắc chắn phải dùng đến các chất tẩy. Chất tẩy có thể trắng da, nhưng nó làm mài mòn, làm da yếu đi, người điều trị phải đối mặt với những nguy cơ khủng khiếp về da.

Lọc kim loại trong cơ thể không dễ

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, kim loại có trong môi trường sẽ tác động vào da, tóc, nhưng để lọc bỏ kim loại trong cơ thể thì cần đến một công nghệ vô cùng phức tạp. Người ta phải dùng các thiết bị y tế chuyên dụng để lọc máu và thải bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.

Các thẩm mỹ viện thường lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của người dân cho rằng da thâm đen là do chì. Nhưng  da bị sạm đen không phải là do chì mà là do sự gia tăng các sắc tố melanin có từ trong các tế bào da. Nói thế để thấy ngay rằng việc hút chì trên da là phi thực tế.

Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, có rất nhiều nguồn khiến cơ thể đối mặt với nguy cơ nhiễm độc chì như từ nguồn nước, thức ăn, không khí, mỹ phẩm, môi trường sống. Chì là một kim loại cực độc đối với cơ thể, nên người ta luôn tìm mọi cách để xử lý kim loại này, đặc biệt là trong nguồn nước.

Tuy nhiên, chì không thể đi vào cơ thể qua da, và cũng không thể hút chì trên da. Khi đi vào cơ thể, chì ẩn náu trong các tế bào sâu và phá hủy cấu trúc của tế bào chứ không phải là chất “nằm” trên da để có thể hút đi. Việc loại bỏ chì ra khỏi cơ thể, hiện công nghệ trong nước chưa làm được.

Theo chị Nguyễn Thanh Thủy, quy trình làm đẹp kể trên thực ra là quy trình làm sạch mụn cám và bụi bẩn. Việc sử dụng cái tên “hút độc chì” thực ra chỉ là nghe cho có vẻ kêu thế thôi chứ về bản chất là không đúng nếu không muốn nói là lừa dối khách hàng. Đấy là chưa kể đến việc một số nơi sử dụng các loại kem tẩy da không rõ nguồn gốc, có thể bào mòn da, làm da trở nên yếu, thâm sạm, dễ bắt nắng, dễ nổi mụn.

“Việc hút chì thực chất chỉ là quá trình thải bỏ các sắc tố melanin, mụn cám và bụi bẩn, nghĩa là chỉ làm sạch da chứ không phải là hút sạch chì. Khi da mặt được làm sạch, cộng với một số chất tác động làm cho da có cảm giác sáng hơn”, chị Nguyễn Thanh Thủy.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP