Địa ốc

Hụt 71ha "đất vàng" đối ứng tại Hà Nội, Công ty Thái An của ai?

  • Tác giả : Minh Quang
(khoahocdoisong.vn) - Dự án nâng cấp, mở rộng đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông dài 4,7km, được UBND TP Hà Nội dự kiến thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Công ty CP bất động sản Thái An là đơn vị đề xuất thực hiện dự án với quỹ đất đối ứng lên đến 71ha.

Dự án đắt đỏ

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội liệt kê 82 dự án theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) trên địa bàn thành phố phải dừng thực hiện. Trong đó, nhiều dự án Hà Nội dự kiến đối ứng cho các nhà đầu tư hàng trăm ha đất. Một trong số dự án phải dừng thực hiện theo hợp đồng BT đợt này là dự án nâng cấp, mở rộng đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông.

Dự án này được chuẩn bị thực hiện theo hình thức hợp đồng BT khá sớm, từ những giai đoạn năm 2009 – 2010. Sau đó mãi đến tháng 10/2017, ông Nguyễn Thế Hùng thời điểm đương chức Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh đề xuất dự án nâng cấp, mở rộng đường 70, đoạn từ Nhổn đến Hà Đông và vẫn được xác định thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.

Theo đó, tuyến đường được dự kiến đầu tư dài 4,77km chia làm 3 đoạn. Trong đó, đoạn 1: Từ Km1+330,61 đến Km3+180,26 (từ nút giao với đường Trần Hữu Dực kéo dài đến Dự án Làng Giáo dục quốc tế) có chiều dài khoảng 1.850m, rộng 50m; Đoạn 2: Từ Km3+180,26 đến Km4+463,57 (từ dự án Làng Giáo dục quốc tế đến cầu Ngà) dài 1.283m, rộng 23m; Đoạn 3: Từ Km5+427,5 đến Km7+65,0 dài 2.223m, rộng 40m.

Đây là dự án nâng cấp, mở rộng đoạn đường từ Nhổn đến Hà Đông dài 4,77km chứ không phải làm mới, tổng vốn đầu tư dự kiến thực hiện lúc đó lên đến khoảng 3.016 tỷ đồng.

Chi tiết về tổng mức đầu tư đoạn đường dự kiến 3.016 tỷ đồng cho thấy, chi phí giải phóng mặt bằng được xác định là tốn nhiều nhất với 1.815 tỷ đồng, sau đó mới đến chi phí xây dựng 572,4 tỷ đồng. Còn lại là các khoản chi phí thiết bị 2,248 tỷ đồng; chi phí Quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 328,66 tỷ đồng; dự phòng phí 271,882 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng 24,9 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội cho biết, Công ty CP bất động sản Thái An là đơn vị đề xuất dự án. Phương án thu hồi vốn của nhà đầu tư được xác định rất rõ. Theo đó, UBND TP Hà Nội dự kiến thanh toán 71ha đất tại ô đất quy hoạch ký hiệu GS3-7 trong Quy hoạch phân khu đô thị GS và quy hoạch phân khu S3 thuộc địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho nhà đầu tư để khai thác.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án dự kiến là 2017 - 2019, tuy nhiên với việc yêu cầu dừng thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT mới đây của TP Hà Nội thì đã làm nhà đầu tư “hụt” mất quỹ đất đối ứng 71ha.

Một đoạn tuyến đường BT Lê Đức Thọ - Xuân Phương.

Một đoạn tuyến đường BT Lê Đức Thọ - Xuân Phương.

Đã qua nhiều thủ tục

Thực tế đến nay, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, dự án này đang ở giai đoạn đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện nghiên cứu báo cáo khả thi. Tức là dù chưa được triển khai chính thức nhưng nhà đầu tư đề xuất đã đi được “quãng đường” khá dài.

Ngoài việc Công ty CP bất động sản Thái An phải trình hồ sơ đề xuất, thì phải được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội báo cáo về việc điều chỉnh đề xuất dự án hay phải được Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội có ý kiến về điều chỉnh hồ sơ đề xuất dự án. Thậm chí, dự án này đã được đồng ý cho áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về doanh nghiệp đề xuất dự án – Công ty CP bất động sản Thái An - doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 12/2009. Theo đăng ký thay đổi tại thời điểm tháng 5/2014, Công ty CP Bất động sản Thái An có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Tasco (đại diện là ông Đỗ Kim Định) đăng ký góp 60 tỷ để sở hữu 30% cổ phần.

Trong số 38 thành viên góp vốn thành lập Công ty CP bất động sản Thái An thì cũng có nhiều cá nhân, đồng thời nằm trong Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Tasco như: Phạm Quang Dũng, Trần Thị Thanh Tân, Nguyễn Viết Tân. Chính Công ty CP Tasco cũng ghi nhận Công ty CP bất động sản là doanh nghiệp liên kết và được Tasco chi phối 30% cổ phần.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án tuyến đường 70 đoạn từ Nhổn đến Hà Nông cũng nhằm mục tiêu kết nối với tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương và một số tuyến đường khác trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong khi đó tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương là một trong những dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng BT của Công ty CP Tasco. Dự án được Tasco khởi công ngày 15/2/2009 nhưng mãi đến tháng 4/2017 mới hoàn thành. Ở dự án này, theo Báo cáo thường niên Tasco bỏ vốn xây dựng 3,5km đường nhưng bù lại được giao 3 khu đất để thực hiện 3 dự án bất động sản cao cấp với tổng diện tích đất đối ứng lên đến trên 87ha.

Cụ thể, đất được giao tại Đơn vị ở số 1 phường Xuân Phương Tasco đã triển khai dự án Khu nhà ở sinh thái Foresa Mỹ Đình với tổng diện tích 49ha, xây được 660 căn hộ thấp tầng; được giao 38ha đất tại phường Xuân Phương thực hiện dự án Xuân Phương Foresa Villa với 813 căn hộ thấp tầng; được giao 0,28ha đất tại 48 Trần Duy Hưng thì Tasco thực hiện dự án tòa nhà văn phòng và chung cư.

Tuy nhiên, dự án tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện rất nhiều sai phạm. Như Công ty CP Tasco bị đánh giá là nhà đầu tư hạn chế về năng lực tài chính, không đảm bảo năng lực theo yêu cầu, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ; Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư của dự án không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng, làm tăng giá trị hợp đồng BT thêm 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, UBND TP Hà Nội bị Thanh tra Chính phủ cho rằng, không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn kí hợp đồng với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo yêu cầu. Dự án khi trình lên để xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức chỉ định thầu đã nêu ra lý do cấp bách, cần thiết nhưng UBND TP Hà Nội lại không có tài liệu chứng minh.

Minh Quang

BẢN DESKTOP