Y học và đời sống

“Huấn luyện” tế bào miễn dịch chống ung thư

Mục đích chính của miễn dịch trị liệu là làm tăng sức đề kháng của cơ thể để cơ thể tự tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại…

Sau khi báo chí đăng tải việc chính quyền Mỹ cho phép áp dụng phương pháp điều trị ung thư máu bằng cách điều chỉnh gene tế bào thuộc hệ thống miễn dịch của cơ thể, nhiều bệnh nhân đã tìm đến các chuyên gia với hy vọng trị khỏi bệnh.

Vậy đây có là loại thuốc đặc trị như mọi người kỳ vọng? Phương pháp này có tác dụng trị liệu thế nào?

Thông báo “gây sốt” không phải là thuốc 

Nhiều tờ báo đăng tin về Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã ra quyết định “mang tính lịch sử” khi cho phép áp dụng liệu pháp gene táo bạo nhằm thúc đẩy “cách tiếp cận mới đối với điều trị ung thư và các căn bệnh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng con người khác”. Phương pháp có tên Kymiah của hãng dược Novartis được cho là phương pháp điều trị dứt điểm một lần và thực hiện thông qua truyền tĩnh mạch.

Theo đó, phòng thí nghiệm sẽ “thiết kế” lại gene của các tế bào miễn dịch lấy từ máu của chính các bệnh nhân và biến chúng thành các “sát thủ” săn lùng tế bào ung thư. Loại “thuốc sống” được gọi là “CAR-T cell” nhắm đến căn bệnh bạch cầu cấp dòng lymphô tế bào B (ALL – B cell) có chi phí gần 500.000USD nhưng chưa rõ kết quả về lâu dài của giải pháp chỉnh gene này.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/huan-luyen-te-bao-mien-dich-chong-ung-thu1.jpg

Hình ảnh tế bào miễn dịch (nhỏ) nhận diện và tấn công tế bào ung thư (to).

TS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư cho biết, một số người đọc thông tin trên mạng đã tìm đến viện để hỏi về phương pháp điều trị mới này. Có người mong muốn chờ đợi để được điều trị thuốc này.

Nhưng thực tế, đây không phải là “thuốc” để trị liệu đồng loạt cho tất cả các bệnh nhân ung thư mà là một quy trình mới có duy nhất ở một trung tâm nghiên cứu của Mỹ. Hiện tại mới chỉ có duy nhất hãng Novartis có khả năng sản xuất ra loại “thuốc sống” miễn dịch đặc hiệu này cho từng bệnh nhân.

Là phương pháp miễn dịch trị liệu 

TS Bạch Quốc Khánh cho hay, phương pháp mới được Mỹ chấp nhận là một trong số các phương pháp sử dụng hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể để trị bệnh ung thư đã được nghiên cứu và ứng dụng từ lâu, được gọi chung là Cell Therapy – tế bào trị liệu hay gọi riêng là Immuno – Cell Therapy – tức là miễn dịch tế bào trị liệu.

Cơ sở của nó hết sức đơn giản: Trong cơ thể mỗi người đều có hệ thống miễn dịch hoạt động chống lại các “vật thể lạ” với sự tham gia của nhiều loại tế bào trong đó có hai loại chính là tế bào lymphô B và lymphô T. Tế bào lymphô B là loại tế bào sản xuất ra kháng thể tiêu diệt kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, virus…

Các loại văcxin được tiêm vào cơ thể chính là vi khuẩn hoặc virus đã bị bất hoạt. Khi vào cơ thể nó sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại vi khuẩn này, ví dụ như khi tiêm văcxin viêm gan B người ta thường hay xét nghiệm kháng thể kháng lại loại virus này. Trong khi đó, các tế bào lympho T có nhiều chức năng trong đó có chức năng tiêu diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc virus.

Như vậy, hệ thống miễn dịch của chúng có 2 phương thức hành động khi có “vật thể lạ” xâm nhập: Miễn dịch dịch thể tức là tiêu diệt “vật thể lạ” bằng kháng thể, và miễn dịch tế bào là tiêu diệt “vật thể lạ” bằng các tế bào.

Theo PGS.TS Bùi Diệu, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, mục đích chính của miễn dịch trị liệu là làm tăng sức đề kháng của cơ thể để cơ thể tự tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại mà các phương pháp khác kinh điển: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị không diệt hết được.

Có 2 phương pháp điều trị miễn dịch được thực hiện là miễn dịch chủ động và thụ động. Miễn dịch chủ động là dùng một số chất kích thích miễn dịch đưa vào cơ thể người bệnh: BCG, Lh1… Miễn dịch thụ động là dùng kháng nguyên tế bào ung thư của người bệnh đưa vào cơ thể khác (người khác hoặc động vật thí nghiệm) gây miễn dịch với tế bào ung thư. Dùng một phần huyết thanh hoặc bạch cầu đã miễn dịch đó truyền trở lại cho người bệnh với hy vọng diệt ung thư.

Tương tự, theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, phương pháp miễn dịch hay điều trị sinh học đã được nghiên cứu, ứng dụng hơn 20 năm. Điều trị sinh học là phương thức điều trị sử dụng các thuốc và các phương pháp khác nhau nhờ những hiểu biết về sinh học của hệ miễn dịch, bản chất tế bào u và mối quan hệ giữa chúng.

Điều trị biến đổi đáp ứng sinh học là sử dụng các thuốc hoặc biện pháp sinh học tự nhiên (biến đổi gene) làm thay đổi tương tác qua lại giữa vật chủ và khối u, gây nên tác dụng chống u.

Cơ chế tác dụng của thuốc cũng như biện pháp là rất đa dạng nhưng gộp lại theo hai cách: Trực tiếp chống u, tác động vào quá trình phát triển, sống và khả năng di căn của tế bào ung thư. Gián tiếp bằng cách kích hoạt các tế bào trong hệ miễn dịch, các tế bào đó sẽ phát huy tác dụng chống u (phương pháp được Mỹ vừa chấp nhận).

Điều trị sinh học có thể được sử dụng đơn thuần hoặc phối hợp với phẫu thuật, tia xạ, hóa chất…

Thúy Nga

BẢN DESKTOP