Địa ốc

HoREA đề xuất kiểm soát nguồn “tiền bẩn” mua bất động sản để “rửa tiền”

  • Tác giả : Xuân Hạ
(khoahocdoisong.vn) - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, khi có dấu hiệu đầu cơ, sốt “bong bóng” bất động sản, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

HoREA cho biết, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

Để “cắt sốt đất”, HoREA cho rằng phải kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản. Trong đó, đề xuất sử dụng biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản để kiểm soát đầu tư “lướt sóng”.

Hiện nay, ngân hàng cho vay tối đa đến 70% giá trị hợp đồng mua bất động sản. Khi xảy ra đầu cơ, sốt nóng “bong bóng” bất động sản, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước tham khảo cách làm của một số nước, như có thể xem xét giảm ngay tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, thậm chí chỉ còn 35%, để ngăn chặn đầu cơ, “lướt sóng”.

Ví dụ: Với số vốn 1 tỷ đồng và được vay tín dụng 70% giá trị hợp đồng, nên nhà đầu tư có thể vay được đến 2,1 tỷ đồng để “lướt sóng” cùng lúc 3 đất nền (hoặc 3 căn hộ) có giá 1 tỷ đồng/căn/nền. Nếu giảm tỷ lệ vay, thì chỉ “lướt sóng” được 1 - 2 căn/nền mà thôi.

Ngoài ra, tỷ trọng vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà để ở chiếm khoảng 13% tín dụng tiêu dùng, nhưng khi thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng”, thì sẽ có một phần vốn không nhỏ được sử dụng để “lướt sóng”.

Do vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn vay tiêu dùng đúng mục đích vay, để góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Đặc biệt, HoREA cũng đề xuất kiểm soát chặt chẽ nguồn “tiền bẩn” mua bất động sản để “rửa tiền”. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường. Như vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng” hiện nay đến từ đâu ?!

HoREA nhận thấy, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền “kiều hối” (khoảng 20% “kiều hối” đầu tư vào bất động sản), thì đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để “rửa tiền”.

Xuân Hạ

BẢN DESKTOP