Khám phá

Hộp nhựa đựng thức ăn, lưu ý tránh nhiễm độc

Các sản phẩm nhựa đa dạng đã từ lâu khẳng định được tính hữu ích của chúng trong cuộc sống mà không dễ gì chối bỏ. Tuy nhiên, theo TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam, người dùng nên biết chọn và sử dụng các sản phẩm nhựa đúng với đặc tính sản phẩm và phù hợp chất liệu nhựa, nhất là với các hộp nhựa đựng thức ăn, để tránh gây các nguy cơ không an toàn đối với sức khỏe.

Hộp nhựa đựng thức ăn phải thận trọng khi sử dụng để tránh nguy cơ độc hại

Nhựa được phân loại theo mã xác định loại nhựa, được đánh số từ #1 đến #7 để chỉ các loại nhựa khác nhau. Con số này được đặt bên trong biểu tượng hình tam giác thường thấy dưới đáy hộp. Trong các mã đó, chỉ có nhựa #2 HDPE, #4 LDPE và #5 PP là lựa chọn tốt nhất để tiếp xúc với thực phẩm bởi chúng không thôi bất cứ một hóa chất nào đã được biết đến ra thực phẩm. #5 PP là thích hợp nhất cho sử dụng làm hộp nhựa đựng thức ăn và màng bọc thực phẩm, trong khí đó #2 HDPE dùng làm chai đựng sữa, và #4 LDPE thích hợp để sản xuất túi đựng thực phẩm. Chai đựng nước ngọt và nước uống đóng chai thường được làm từ nhựa #1 PET, là loại nhựa chỉ đảm bảo chất lượng cho sử dụng một lần.

Các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần thường  được làm mỏng, độ bền kém, dễ thôi nhiễm , vì vậy có thể dùng lần thứ nhất không sao nhưng nếu tận dụng để dùng lại sẽ dễ bị thôi các hóa chất thành phần, như  màu, chất phụ gia, đặc biệt là trong nhiệt độ cao.

Các chất phụ gia thường dùng trong sản xuất các sản phẩm nhựa phải kể đến sự có mặt của chất hóa dẻo là các hóa chất thuộc nhóm gọi là các “dẫn chất phtalate” như monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), diethylhexyl phtalat (DEHP)… Ngoài ra còn có thể có bisphenol-A (BPA), được tráng bên trong đồ nhựa nhằm bảo quản, chống thấm và chống ăn mòn.

Các chất này được chứng minh có hại đối với sức khỏe con người, vì vậy ở các nước tiên tiến bị cấm dùng trong sản xuất bao bì thực phẩm. Tuy nhiên, ở ta, đối với các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì khó có thể kiểm soát được việc sử dụng các chất này. Điều đặc biệt nguy hiểm là nếu bao bì đó dùng làm hộp nhựa đựng thức ăn và trong quá trình sử dụng chế biến đun nóng ở nhiệt cao, các hóa chất này dễ bị thôi nhiễm vào thực phẩm và theo đường tiêu hóa vào trong cơ thể con người.

Tốt nhất hãy chỉ sử dụng hộp đựng hay bát đĩa bằng thủy tinh, sành sứ khi cần tiếp xúc nhiệt, chẳng hạn như quay trong lò vi sóng. Các nhà khoa học cũng cảnh báo về việc tránh sử dụng hộp nhựa hoặc các loại túi, màng bọc bằng chất dẻo để cất giữ thực phẩm. Có thể thay các chai, hũ nhựa bằng chai lọ thủy tinh để chứa nước mắm, tương chao, dầu ăn hoặc thực phẩm nước…

An Lê

BẢN DESKTOP