Bình luận

Họp nhiều, trách nhiệm chung chung

TS Ngô Thành Can, Khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ, vấn đề cán bộ đi họp quá nhiều đã được bàn đến từ lâu. Đáng tiếc là sau nhiều năm cải cách hành chính, đến giờ việc họp vẫn cứ quá nhiều. Bởi thế mà hình thành nên câu trả lời quen thuộc mỗi khi có ai đó cần gặp lãnh đạo: “đang bận họp”.

TS Ngô Thành Can.

Đang bận họp!

Ngày 17/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã làm việc với Sở KH&ĐT TP về tình hình thực hiện các nhiệm vụ bảy tháng đầu năm. Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&ĐT Sử Ngọc cho biết, đến thời điểm này Sở có 6.000 đầu việc phải xử lý. Với bốn người trong ban giám đốc và 12 trưởng các văn phòng, trong bảy tháng đầu năm, lãnh đạo Sở phải dự hơn 2.000 cuộc họp, trung bình một lãnh đạo trong một tháng phải dự 132 cuộc họp. Dường như vấn đề cán bộ họp quá nhiều không còn mới nữa, nhưng chưa lúc nào thôi “nóng”?

Đúng là vấn đề không mới. Không chỉ riêng ở TP HCM đâu, ở nơi khác cũng thế. Trước đây có cán bộ từng chia sẻ với tôi rằng phải đi họp nhiều quá. Thống kê trong 1 năm phải họp đến gần 1000 cuộc, nghĩa là trung bình mỗi ngày phải họp 3 cuộc kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Họp nhiều như thế thì lấy đâu thời gian giải quyết các công việc khác. Chính người phải đi họp cũng kêu ca than thở chứ họ cũng không sung sướng gì khi phải họp nhiều đâu. Trước đây Hà Nội cũng đã từng than thở rằng không đủ cán bộ để đi họp.

Vì sao chúng ta lại phải họp nhiều thế?

Có người cũng đặt ra câu hỏi tương tự, rằng sau bao nhiêu năm cải cách hành chính, phải chăng chúng ta thất bại khi để tình trạng họp vẫn cứ nhiều.

Cái này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cách thức điều hành, tổ chức công việc của ta khiến buộc phải tổ chức nhiều cuộc họp.

Một cán bộ lãnh đạo phải giải quyết rất nhiều đầu việc khác nhau, nào là tổ công tác, hội đồng, ban, phòng, ủy ban… Để điều phối và triển khai thì buộc phải họp. Rồi có cán bộ không yên tâm để tự quyết một vấn đề nào đó nên tổ chức họp.

Khi họp thì rõ ràng sẽ có nhiều ý kiến khách quan hơn cho một vấn đề?

Chúng ta hay vin vào “lấy ý kiến tập thể”. Việc lớn việc nhỏ gì cũng phải lấy ý kiến tập thể. Và họp nhiều khi là để hợp thức hóa ý kiến cá nhân của một ai đó, bằng cách “đã đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến”. Trước khi triển khai một vấn đề nào đó phải tổ chức họp.

Họp nhiều, lợi ích có lớn?

Họp nhiều quá, thành ra nhiều khi công việc chưa triển khai xong, người ta bảo là do họp. Đến làm việc không gặp, người ta cũng bảo do bận họp. Nhiều khi lãnh đạo đi đâu chẳng ai biết, người ta cứ trả lời là “đi lên cấp trên để họp”.

Thành ra, việc họp đôi khi là lá chắn, là bình phong cho cán bộ. Người ta có thể vin vào họp để biện minh cho những việc mình chưa hoàn thành, làm chưa tốt.

Xã hội càng phát triển thì càng có nhiều vấn đề phát sinh, đương nhiên sẽ phải họp càng nhiều?

Chúng ta thực hiện tinh gọn bộ máy nhưng thực tế công việc lại không giảm. Vậy thì tôi đặt câu hỏi, ở các nước khác thì sao, người ta có ít việc không? Làm thế nào để bớt họp đi. Vì sao ở những nước bộ máy rất tinh gọn mà công việc vẫn trôi chảy?

Chỉ một số cuộc họp là cần thiết

Tiếp xúc nhiều với các cán bộ là lãnh đạo, theo ông thì đa phần có thích đi họp không?

Khi nói đến họp thì phải hiểu rằng, có những cuộc họp mang tính chất bắt buộc, có cuộc không. Thực tế có nhiều người đã từng bị phê bình vì không tham dự những cuộc họp được cho là quan trọng.

Nếu theo cách tổ chức hiện nay thì họp là để tổ chức công việc, nên họp là phải đi.Thực ra thì họ cũng không thích gì việc phải đi họp quá nhiều đâu.

Đa phần là nếu phân công được cấp dưới đi họp thay là họ phân công ngay đấy. Chỉ có những cuộc họp chính danh yêu cầu buộc phải có mặt thì họ mới dự thôi.

Vậy là trong việc họp, cũng có cuộc quan trọng, cuộc không?

Thì cũng có nhiều cuộc họp mang tính liên ngành liên kết, ta không dám nói là nó không hữu ích, nhưng nhiều khi việc tổ chức không thiết thực lắm.

Nếu tổ chức lại công việc thì chúng ta sẽ thấy ngay rằng chỉ có một số những cuộc họp là cần thiết. Làm sao để có ít cuộc họp đi chứ không phải cứ lê la đến hết cuộc họp này đến cuộc họp khác mà không có giải pháp gì.

Nếu vậy thì hẳn là không ai thích họp?

Cũng không hẳn, có người năng lực non kém nên thích họp để lấy ý kiến. Có cán bộ, nói thì hơi nặng nề, nhưng muốn họp để làm giảm đi vai trò của mình. Khi họ không nắm rõ vấn đề lắm thì họ buộc phải họp để lấy ý kiến và đưa ra quyết định. Ở góc độ nào đó, năng lực kém thì họp nhiều.

Phải chờ họp để lấy ý kiến

Làm thế nào để giảm bớt họp đi có lẽ là vấn đề đau đầu các nhà quản lý?

Có người bảo giảm 1/3 cuộc họp thì công việc vẫn trôi chảy, nhưng cũng có cán bộ quản lý cho rằng chỉ cần tổ chức 1/3 cuộc họp như hiện nay thôi là công việc vẫn xuôi.

Để làm được như thế thì phải phân định rõ ràng chức năng, quyền hạn, vị trí việc làm để người đứng đầu có quyền quyết định. Minh bạch các mối quan hệ giữa chính quyền, đoàn thể, mỗi cấp được tham gia ý kiến đến đâu.

Rồi bản thân cán bộ lãnh đạo phải nâng cao năng lực, thành thạo chuyên môn, có tầm nhìn để bao quát công việc và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Nghĩa là thay vì họp lấy ý kiến thì lãnh đạo tự quyết định?

Đúng thế, cứ theo chức năng nhiệm vụ phân công mà tự quyết thì sẽ giảm gánh nặng họp. Rồi phải có chế tài, làm tốt thì được khen, làm chưa tốt thì phải nhắc nhở.

Tránh tình trạng họp thì rất nhiều, nhưng trách nhiệm thì chung chung, thuộc về tập thể. Trước đây tôi có nghe một cán bộ than thở rằng, chúng ta họp quá nhiều dẫn đến cả bộ máy dựa dẫm vào nhau, công việc không chạy. trách nhiệm cá nhân không được đề cao.

Khi ấy tôi cũng suy nghĩ lắm nhưng càng ngày càng thấy đúng. Nhiều khi người ta cứ phải chờ họp, chờ lấy ý kiến, nên công việc trì trệ, không có giải pháp kịp thời.

Có ý kiến cho rằng nên lập các tổ tư vấn độc lập cho cán bộ lãnh đạo, sẽ tránh được họp nhiều?

Trước đây trong quản lý Nhà nước chúng ta cũng có các nhóm tư vấn, tổ nghiên cứu, nhưng sau đó lại giải thể.

Bây giờ xu hướng chung lại lập lại các tổ, nhóm này, tập hợp các chuyên gia có chuyên môn sâu, hoạt động độc lập để tư vấn các quyết sách quan trọng.

Nếu làm được như thế thì cũng rất tốt nhưng lại đòi hỏi phải có kinh phí hoạt động. Mà kinh phí dành cho các chuyên gia cũng không phải là nhỏ. Ở các nước họ cũng làm như thế đấy.

Vậy giải pháp tốt nhất để giảm họp là gì thưa ông?

Theo tôi thì phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế, giao quyền cho người lãnh đạo và bản thân cán bộ công chức phải có ý thức tự nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Phân định rõ quyền hạn của từng cấp chính quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, dựa dẫm vào nhau, trông chờ vào cuộc họp thì mới triển khai. Rồi khi xảy ra vấn đề gì đó thì bảo rằng “chúng tôi đã lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị rồi”. Nhiều khi xin ý kiến rồi mà vẫn sai.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

“Họp nhiều phản ánh trình độ của cán bộ và chất lượng của điều hành quản lý chưa cao. Cán bộ có trách nhiệm sốt ruột vì phải đi họp quá nhiều, không còn thời gian làm việc. Ở phường, xã, dân đến chứng nhận giấy tờ thường xuyên, không có lãnh đạo xử lý thì chịu. Lãnh đạo có muốn lo cho dân cũng không được, vì còn phải bận họp. Nhưng cũng có nhiều cán bộ nghiện họp, cứ có họp hành, hội nghị, vỗ tay là vui vẻ. Ngày nào cũng thấy xách cặp đi họp, họp như một nghề”.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP