Ý kiến bạn đọc

Honda VN “phủi trách nhiệm” vụ CRV đại hạ giá

Theo phân tích của chuyên gia Võ Văn Quang, chiến lược tung ra sản phẩm “CRV đại hạ giá” để lại nhiều tai tiếng cho Honda Việt Nam chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”.

CRV đại hạ giá

Liên quan đến những ồn ào xung quanh việc Honda Việt Nam đang bị nhiều khách hàng chỉ trích vì “bội tín” trong thương vụ Honda CR-V đại hạ giá xuống mức thấp kỷ lục, chỉ từ 730 triệu đồng cho bản 2.0L và hơn 830 triệu đồng cho bản 2.4L gây xôn xao thị trường thời gian vừa qua, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi nhanh với Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

“Thiếu minh bạch về khuyến mãi – giảm giá”

Chia sẻ quan điểm với Kiến Thức về việc nhiều khách hàng sau khi tiến hành ký hợp đồng, đặt cọc mua Honda CR-V nhưng sau đó bị đại lý “lật kèo”, thông báo hết hàng, hoặc hết phiên bản 2.0, đề nghị trả lại tiền đặt cọc cho khách hoặc “tư vấn” khách mua bản 2.4 TG (bản cao nhất), chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng: “Ở đây có sự thiếu minh bạch về khuyến mãi – giảm giá… Về chiêu thức bán hàng, thì đó là giảm giá và tạo sự khan hiếm. Có dấu hiệu gian lận thương mại rõ ràng sau khi ký hợp đồng nhưng đại lý Honda lại thay đổi sản phẩm (từ dòng xe 2.0 lên dòng 2.4T). Về nguyên tắc, khách hàng có thể khởi kiện để đòi quyền lợi và mức bồi thường từ bên bán khi thay đổi và hủy hợp đồng”.

Cũng theo phân tích của chuyên gia Võ Văn Quang, chiến lược tung ra sản phẩm “CRV đại hạ giá” để lại nhiều tai tiếng cho Honda Việt Nam chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”. Kết quả cuối cùng, Honda bị thiệt nhiều hơn là có lợi.

“Mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, các hãng xe đang thi nhau lôi kéo khách hàng với những chiêu thức marketing, bán hàng hấp dẫn. Đối với Honda tại Việt Nam, nhận thức thương hiệu gắn liền Honda “xe máy” nhiều hơn là Honda “xe hơi”… nó khác với thị trường khác như Mỹ, cái tên Honda gắn với Car.

Chiêu thức “khan hiếm” trước đây Honda Việt Nam đã từng áp dụng thành công với dòng tay ga LEAD và SH qua hệ thống đại lý HEAD. Tuy nhiên trong mảng xe hơi Honda, chúng tôi rất nghi ngờ về chiến thuật tạo khan hiếm này, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, khách hàng luôn có những lựa chọn thay thế, ví dụ như Mazda CX5 bên Trường Hải chẳng hạn…

Những cú sốc về hủy cam kết bán sản phẩm từ Honda với CRV có thể đẩy một phần đông khách hàng sang những sản phẩm tương tự khác của các đối thủ cạnh tranh… và hậu quả, chính Honda Việt Nam sẽ bị mất khách hàng”, chuyên gia Võ Văn Quang phân tích

Nếu đùn đẩy trách nhiệm, Honda sẽ mất khách

Trước đó, trả lời Kiến Thức về việc bị khách tố “bội tín” thương vụ CR-V, Honda Việt Nam cho rằng, Honda Việt Nam đã khuyến cáo các đại lý của mình chỉ nên nhận đơn hàng dựa theo số lượng xe đã được Honda Việt Nam phân bổ để tránh gây ra hiểu lầm đáng tiếc. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn, các đại lý tiếp tục nhận đơn đặt hàng mới của khách hàng trong khi lượng xe hết, đại lý ôtô mới chạy đôn chạy đáo để lo nguồn xe, nhiều trường hợp chấp nhận mua lại lần 2, lần 3 với giá cao (tất nhiên là vẫn thấp hơn giá ký với khách hàng) nhưng không đủ, chính vì thế, đại lý ôtô mới đồng loạt hủy cọc.

Song trao đổi với Kiến Thức, chuyên gia Võ Văn Quang nhấn mạnh: “Đây là một câu trả lời rất sai lầm”
Theo ông Quang: “Với kinh nghiệm là một thương hiệu nổi tiếng, chúng tôi luôn luôn chịu trách nhiệm hoàn toàn với khách hàng sau cùng, dù là Heineken hay TV Toshiba hay tất cả các hãng nổi tiếng khác. Chẳng hạn cho dù bán hàng thông qua kênh nào nhưng công ty phải chịu trách nhiệm về chất lượng và sự cố và buộc phải thu hồi, nếu không sẽ bị kiện với những thiệt hại pháp lý cao hơn rất nhiều.

Có thể Honda đùn đẩy trách nhiệm cho đại lý và né tránh trách nhiệm trực tiếp với người tiêu dùng nhưng nếu không khéo và chủ động thương lượng (nội bộ) với đại lý nhằm mang lại lợi ích đã cam kết bằng hợp đồng với khách hàng thì chính Honda sẽ bị thua thiệt là mất khách hàng”.

Như Kiến Thức đã đưa tin, thời gian gần đây, nhiều đại lý của Honda Việt Nam ở Hà Nội bị khách hàng tố “bội tín” trong việc bán xe Honda CR-V giảm giá sốc đến 200 triệu đồng/xe (chỉ từ 730 triệu đồng cho bản CR-V 2.0L và hơn 830 triệu đồng cho bản CR-V 2.4L). Cụ thể, sau khi tiến hành ký hợp đồng, đặt cọc mua Honda CR-V, bất ngờ vài ngày sau khách mua xe được đại lý thông báo hết hàng, hoặc hết phiên bản 2.0 hoặc đề nghị nâng lên bản 2.4 TG (bản cao nhất) khiến khách hàng hụt hẫng và vô cùng bức xúc.

Nhiều khách hàng vì muốn nhanh chóng sở hữu được Honda CR-V các phiên bản trên phải vay ngân hàng, trong khi đó hợp đồng mua bán xe bị hủy nhưng lãi ngân hàng khách vẫn phải trả.

Theo Kiến Thức

BẢN DESKTOP