Thời sự

Hơn 3 tháng nỗ lực giữ lại chân cho bé gái bị tai nạn giao thông

  • Tác giả : Thúy Nga
Các bác sĩ Đơn vị bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nỗ lực giữ lại chân cho bệnh nhi P.T (8 tuổi, ở Bắc Giang) bị tai nạn giao thông gãy xương, dập nát cơ và lóc toàn bộ da đùi...suốt hơn 3 tháng điều trị.

Được biết, chiều ngày 08/4/2023 bé P.T cùng mẹ và em của mình đi xe máy sang nhà bà ngoại chơi, khi đi qua đoạn đường đang thi công thì vấp phải hòn đá nằm trên đường. Hậu quả, em của P.T và mẹ bị xe máy ngã đổ đè lên người bị xây xát nhẹ, còn bé P.T không may bị ngã văng ra đường đúng lúc xe container đi qua và bị bánh sau của xe cán vào chân trái làm gãy xương, dập nát cơ và lóc toàn bộ da đùi cẳng chân trái.

Ngay sau tai nạn bé P.T được gia đình đưa đi cấp cứu, phẫu thuật chân dập nát và ghép da tại 2 bệnh viện. Tuy nhiên, tình trạng của trẻ không đỡ sau gần 1 tháng điều trị, ngày 20/4/2023, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

BS.CKII Phùng Công Sáng, Phụ trách đơn vị Bỏng, Phó trưởng khoa chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm nhập viện bệnh nhi sốt cao liên tục, chân trái vẫn còn khung cố định ngoại vi, xương đùi trái bị gãy nát, viêm xương, hoại tử toàn bộ da chân trái, nhiễm khuẩn trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu vàng đa kháng.

Hội chẩn trên phim của bé gái

Hội chẩn trên phim của bé gái

Trẻ được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết/sau mổ gãy xương đùi trái, nhiễm trùng vết thương lóc da đùi trái, bệnh nhi có nguy cơ phải cắt cụt chân trái.

“Sau khi làm sạch vết thương cho bệnh nhi, các bác bác sĩ nhận thấy chân trái trẻ vẫn còn có khả năng hồi phục, Đây là hy vọng để chúng tôi quyết tâm bảo tồn chân trái đã hoại tử của bé”, bác sĩ Sáng chia sẻ.

Bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành rất nhiều lần hội chẩn với các chuyên khoa Cấp cứu và chống độc, Trung tâm bệnh nhiệt đới, khoa Dinh dưỡng, khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương…để lên kế hoạch điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhi.

Các bác sĩ đã tiến hành cắt lọc da, cơ dập nát, rửa sạch vết thương, đặt máy VAC hút dịch để hạn chế vi khuẩn và lấy bỏ mô chết, tăng khả năng sống cho mô mềm và cắt lọc các mô cơ bị hoại tử, đồng thời thực hiện ghép da che phủ, kết hợp điều trị xương viêm.

Thăm khám cho bệnh nhi

Thăm khám cho bệnh nhi

ĐDCKI. Nguyễn Thị Thanh Khương – Điều dưỡng trưởng Đơn vị bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, thấu hiểu tâm trạng lo lắng, rối bời của gia đình, chúng tôi đã cố gắng thường xuyên trao đổi thông tin tình hình sức khỏe của trẻ với gia đình.

Ngoài ra, trẻ rất đau đớn, song song với việc giảm đau về thuốc cho trẻ, để cho trẻ không stress trong quá trình điều trị, chúng tôi cũng đã mời chuyên gia tâm lý của bệnh viện kết hợp với điều trị cho trẻ, phối hợp với khoa dinh dưỡng để lên chế độ ăn riêng cho trẻ mau lành bệnh.

Các y bác sĩ chăm sóc sinh hoạt hàng ngày cho bé

Các y bác sĩ chăm sóc sinh hoạt hàng ngày cho bé

“Các cô, chú thay nhau vừa chăm sóc em bé về mặt y tế, vừa cùng bố, mẹ chăm sóc bệnh nhi trong sinh hoạt hàng ngày” – Điều dưỡng CKI.Nguyễn Thị Thanh Khương chia sẻ.

May mắn, sau hơn 3 tháng điều trị và chăm sóc tích cực, vạt vi phẫu đã sống tốt, che phủ toàn bộ phần lộ xương chân trái, da ghép đã sống tốt, bệnh nhi không còn tình trạng nhiễm trùng và sức khoẻ ổn định, trẻ đã được cho ra viện.

Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được tập phục hồi chức năng để phục hồi khả năng vận động và theo dõi tiếp tục các di chứng của viêm xương để điều trị kịp thời.

Trải qua mọi cung bậc, cảm xúc và không giấu được niềm hạnh phúc ngày con được ra viện, mẹ bé P.T chia sẻ: “Tôi thực sự không biết nói gì hơn để bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Trung ương nói chung cũng như Đơn vị bỏng, khoa Chỉnh hình nói riêng.

Các bác sĩ, y tá đã nhiệt tình đón tiếp và chăm sóc cho con không quản ngày đêm, đồng thời động viên cháu và gia đình yên tâm điều trị để mau chóng khỏi bệnh trở về nhà. Xin chúc các y bác sĩ mạnh khỏe, bình an và tiếp tục cứu chữa được cho nhiều em nhỏ không may mắc bệnh”.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP