Thời sự

Hơn 3 tháng không đi lại được... không ngờ lupus ban đỏ

  • Tác giả : Thúy Nga
Lupus ban đỏ là một bệnh khá phổ biến trong các bệnh lý miễn dịch của bệnh cơ xương khớp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khó chẩn đoán vì bệnh biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau.

Càng chữa xương khớp, càng đau liệt

Bệnh viện đa khoa Phú thọ cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công cho người bệnh hơn 3 tháng không thể tự đi lại đã hồi phục khả năng vận động nhờ được phát hiện và điều trị đúng bệnh

“Suốt hơn 3 tháng mắc phải căn bệnh lạ gây sốt liên tục, đi lại rất khó khăn, phải có người dìu, khám ở rất nhiều nơi nhưng không khỏi, tôi cảm thấy thật may mắn khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được các bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và xây dựng phương án điều trị phù hợp.”

Đó là tâm sự của người bệnh Cao T.S (sinh năm 1981 ở Cẩm Liên, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) sau gần 1 năm tái khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Người bệnh C.T.S được thăm khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ - Ảnh: BVCC

Người bệnh C.T.S được thăm khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ - Ảnh: BVCC

Tháng 5/2023, được người quen giới thiệu, chị S. đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám trong tình trạng sốt kéo dài, 2 chân phù nhiều, mệt mỏi, không tự đi lại được.

Tại đây, qua kết quả thăm khám trực tiếp và thực hiện các cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp x-quang tim phổi, siêu âm mạch chi dưới, siêu âm tim, người bệnh đã được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ hệ thống.

Người bệnh được điều trị tại khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp theo phác đồ lupus ban đỏ và các bệnh lý phối hợp.

Bác sĩ kiểm tra lại chân cho người bệnh

Trong quá trình điều trị, tình trạng của người bệnh cải thiện dần. Đến hết tháng 5/2023, người bệnh ổn định, có thể đi lại được bình thường và được ra viện, duy trì thuốc hàng ngày theo đơn của bác sĩ.

Đến nay, sau gần 1 năm điều trị, người bệnh đến Bệnh viện khám lại, tình trạng bệnh đã ổn định, các chỉ số toàn thân về mức bình thường

Bệnh của hệ thống miễn dịch gây tổn thương nhiều cơ quan

Ths.Bs Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Trưởng khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp cho biết: Lupus ban đỏ là một bệnh khá phổ biến trong các bệnh lý miễn dịch của bệnh cơ xương khớp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khó chẩn đoán vì bệnh biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau.

Có những trường hợp điển hình, có nhiều triệu chứng thì việc chẩn đoán tương đối dễ. Nhưng có những trường hợp bệnh nhân chỉ có những triệu chứng rất kín đáo hoặc ít triệu chứng như sốt kéo dài thì quá trình chẩn đoán gặp khó khăn, có thể nhầm lẫn với các bệnh về nhiễm trùng, nhiễm virut, nhiễm khuẩn, một số các bệnh lý viêm gây sốt.

Với trường hợp của người bệnh S, chúng tôi đã có sự nghi ngờ và thăm khám một cách toàn diện, đầy đủ từ lâm sàng đến cận lâm sàng nên đã sớm phát hiện và chẩn đoán được bệnh. Dựa trên kết quả đó, chúng tôi đã xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả cho người bệnh. Tuy nhiên, đây là một bệnh tiến triển lâu dài, không khỏi hoàn toàn nên người bệnh sẽ phải dùng thuốc hàng ngày, tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh vui mừng khi được các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tìm ra đúng bệnh và xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả để có lại sức khỏe ổn định - Ảnh: BVCC

Người bệnh vui mừng khi được các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tìm ra đúng bệnh và xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả để có lại sức khỏe ổn định - Ảnh: BVCC

TS.BSNT Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rất đáng tiếc đa số các bệnh nhân Lupus được chẩn đoán lần đầu đều không biết Lupus là gì. Nguyên nhân chủ yếu do kiến thức của cộng đồng cũng như kiến thức chuyên môn về Lupus còn hạn chế.

Các triệu chứng của Lupus có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Hơn 90% số bệnh nhân đến khám có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc từng mảng, viêm loét miệng, mũi, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Khoảng 3/4 số bệnh nhân xuất hiện ban đỏ bất thường trên da, trong đó hay gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt, một dấu hiệu rất đặc trưng của Lupus (ban đỏ ở hai gò má bắc cầu qua sống mũi).

Những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), ở thận (viêm cầu thận), ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), ở hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết) thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh ở khoảng 50-85% số bệnh nhân và là những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong.

Do đó rất cần cộng đồng có sự hiểu biết tốt hơn về bệnh. Sự hiểu biết này giúp người mắc tự kiểm soát được bệnh, tự là bệnh nhân của chính mình.

Họ phải được cung cấp, hỗ trợ để tự chăm sóc cho bản thân, tự ăn uống sinh hoạt để chung sống với Lupus lâu dài. Chỉ khi phải dùng thuốc hoặc có biến chứng thì mới phải tìm đến bác sĩ.

Cho đến nay, chưa có một loại thuốc đông dược nào chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong điều trị lupus ban đỏ.

Do đó, người bệnh nên hết sức thận trọng khi sử dụng các thuốc này, vì chúng cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn cho người bệnh, thậm chí có thể đe doạ tính mạng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP