Doanh nghiệp

Home Credit bị cảnh sát hỏi thăm, siêng tăng vốn… nợ phình to

  • Tác giả : Tuyết Vân - Anh Nhi
Khác với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, Home Credit liên tục tăng huy động vốn qua kênh trái phiếu, gánh nặng nợ vay phình to, khiến lợi nhuận thu về èo uột.

Trưa 28/3, Công an TP Thủ Đức chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP HCM kiểm tra đột xuất Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam, địa chỉ tại tòa nhà số 20 Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức. Đại diện Công ty cho biết, nội dung kiểm tra liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động tài chính.

Home Credit kinh doanh gì?

Home Credit là tập đoàn tài chính tiêu dùng đã có mặt tại 10 quốc gia như Nga, Cộng hòa Séc, Slovakia, Kazakhstan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và có tổng tài sản lên đến 14,7 tỷ Euro.

Công ty hoạt động từ 2008, là một trong những công ty chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực cho vay trả góp, bao gồm cho vay trả góp hàng tiêu dùng, cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng; có khoảng 6.000 nhân viên, mạng lưới 9.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh/thành phố. Năm 2020, công ty có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng.

Home Credit hợp tác với nhiều đối tác bán lẻ như Thế giới Di động, chuỗi cửa hàng bán lẻ như FPT Shop hay hệ thống xe máy, điện máy, nội thất... Cách đây hơn 10 năm, CTCP Thế Giới Di Động (MWG) và Home Credit đã bắt tay hợp tác khi đưa ra phương thức trả góp và trở thành đối tác chiến lược. Trên trang web của MWG, công ty này giới thiệu về ứng dụng giúp vay tiền online của Home Credit Việt Nam.

Liên tục tăng vốn từ huy động trái phiếu

Khác với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, Home Credit không nhận được sự hậu thuẫn của ngân hàng. Minh chứng FE Credit có cổ đông lớn là VP Bank, trong khi MCredit là công ty con của MB và HD Saison là công ty con của HDBank. Với Home Credit, công ty có 100% vốn nước ngoài, thuộc sở hữu của PPF Group.

Theo tìm hiểu của PV Khoa học và Đời sống, Công ty tài chính này liên tục tăng huy động qua kênh trái phiếu từ tháng 8 đến tháng 10/2022 thông qua 3 lô trái phiếu trị giá đến 1.100 tỷ đồng.

Thực tế, huy động qua chứng chỉ tiền gửi là một trong những kênh huy động nguồn vốn dài hạn của các công ty tài chính tiêu dùng (CTTC) từ các tổ chức, với lãi suất thông thường cao hơn lãi suất vay từ nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, phần huy động chứng chỉ tiền gửi dài hạn này chỉ chiếm một phần trong danh mục nguồn vốn vay của các CTTC. Do vậy, mặt bằng lãi suất trên thị trường là hoàn toàn do cung cầu thị trường cùng với chính sách điều tiết trên thị trường vốn của Ngân hàng Nhà nước quyết định.

“Lãi suất Home Credit đang huy động chứng chỉ tiền gửi từ các tổ chức hiện nay trong khoảng từ 8% - 11%/năm với các kỳ hạn lên đến 3 năm. Phần huy động chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn chiếm khoảng từ 15% - 20% của danh mục nguồn vốn Công ty”, theo chia sẻ của bà Đoàn Mộng Điệp, Trưởng phòng Nguồn vốn Home Credit Việt Nam vào năm 2017.

“Kế hoạch sắp tới của Home Credit sẽ là phát hành chứng chỉ tiền gửi với số lượng lớn với các kỳ hạn khác nhau nhằm đa dạng hóa cấu trúc nguồn vốn, giảm chi phí huy động vốn, cũng như có thêm nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư”, bà Điệp chia sẻ.

Tuy nhiên, việc Home Credit bắt đầu với hình thức huy động từ kênh trái phiếu kể từ năm 2022 là một dấu chấm hỏi lớn. Nhận định về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: Doanh nghiệp huy động vốn qua 3 cách, gồm phát hành trái phiếu; phát hành cổ phiếu; vay tiền ngân hàng. Phần lớn các công ty tài chính huy động vốn từ phát hành trái phiếu.

“Đây là hoạt động nằm trong chiến lược huy động vốn của họ. Việc Home Credit liên tục huy động vốn qua trái phiếu không có gì là to gan lớn mật cả. Nếu một công ty có thể thu hút một lượng nhà đầu tư góp vốn thì đó là việc tốt cho cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Nợ phình to, lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh

Tăng huy động vốn giúp cho tài sản của Home Credit nhanh chóng lớn mạnh, đồng thời khoản nợ cũng phình to ra. Gánh nặng về chi phí lãi vay đã khiến lợi nhuận thu về theo từng năm của công ty tài chính này thu hẹp đáng kể.

Theo nguồn tin từ Nhịp sống thị trường – Markettimes, từ con số khoảng 14.000 tỷ đồng cuối năm 2017, nợ phải trả của Home Credit đã tăng 50% lên hơn 21.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu gần như chững lại do không có thêm nguồn vốn mới từ bên ngoài mà chỉ chuyển từ túi trái sang túi phải giữa lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và vốn của tổ chức tín dụng.

Tăng nợ cũng đẩy quy mô tài sản của Home Credit tăng mạnh. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của công ty tài chính này đã vượt 1 tỷ USD lên mức 26.571 tỷ đồng, tăng gần 50% so với thời điểm 4 năm trước.

Tuy nhiên, doanh thu gần như không có sự cải thiện trong giai đoạn này và trồi sụt quanh mức 5.000 tỷ đồng. Thiếu nguồn lực tài chính đủ mạnh trong khi thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt đẩy Home Credit vào giai đoạn suy thoái từ năm 2017.

Lợi nhuận sau thuế của công ty tài chính này liên tục sụt giảm trong 4 năm qua xuống mức 550 tỷ đồng vào năm 2021, chỉ bằng 1/3 so với năm 2017.

Khi được hỏi tình trạng tài chính hiện nay của Home Credit, khách hàng nên có hành xử thế nào? TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, trước khi mua trái phiếu của Home Credit, các nhà đầu tư cần trang bị các phương pháp thẩm định tài chính doanh nghiệp. Cụ thể, các nhà đầu tư phải phân tích khảo sát báo cáo tài chính có kiểm toán của Home Credit trước đó và sắp tới sẽ có trong tháng 4. Dựa trên báo cáo tài chính, nhà đầu tư phân tích xem dòng tiền phải trả của công ty có khả năng thanh toán không; công ty có vướng mắc gì pháp lý không; các trái phiếu đã phát hành đến thời điểm này có khả năng thanh toán, có đang trả nợ không hay vỡ nợ, trì trệ...

“Home Credit là công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng. Trong bối cảnh tình hình sức khỏe nền kinh tế hiện nay, có thể những món cho vay của họ sẽ không thu hồi được để đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ trái phiếu. Từ các phân tích trên, các nhà đầu tư sẽ ra quyết định có nên hay không đầu tư vào trái phiếu Home Credit”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Vào tháng 3/2022, Bloomberg đưa tin Home Credit đang muốn bán mảng kinh doanh 4 thị trường Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) để cải thiện dòng tiền cho tập đoàn mẹ (PPF Group).

PPF Group muốn định giá mảng kinh doanh ở Indonesia, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ với giá trị dao động từ 2 tỷ USD đến 2,5 tỷ USD, nguồn tin thân cận với vấn đề nói.

Một số nhà băng Nhật Bản khác như Mizuho Financial Group Inc. và Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. và “ông lớn” gọi xe Grab cũng muốn tham gia mua lại tài sản của Home Credit.

Tuyết Vân - Anh Nhi

BẢN DESKTOP