Công nghệ mới

“Hội nghị Diên Hồng” về trí tuệ nhân tạo

Ngày 21/8, Bộ KH&CN chủ trì tổ chức hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam 2018  với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học là các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh Anh Tuấn TTXVN

Theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN, đây được coi như “Hội nghị Diên Hồng” về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến các nhà khoa học ở nước ngoài nhằm thiết lập môi trường phát triển trí tuệ nhân tạo trong nước. Các nhà khoa học nổi tiếng tham dự như GS.TS Vũ Hà Văn, TS Đào Ngọc Thành, Lê, Nguyễn Xuân Phong, TS Nguyễn Như Văn, TS Lê Quốc Anh, TS Bùi Hải Hưng, TS Đỗ Bình Minh, PGS.TS Nguyễn Lê Minh, TS Đỗ Xuân Huy

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, hiện nay những người làm AI đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ to lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành, doanh nghiệp trong đó có các tập đoàn lớn và cả đội ngũ người Việt Nam ở nước ngoài.

“Bộ KH&CN mong muốn sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI, cụ thể như nhóm chiến lược, thị trường, dữ liệu, triển khai ứng dụng, đào tạo, nghiên cứu cơ bản và mong muốn các nhà khoa học tập hợp lại, xây dựng một mạng lưới vững mạnh về trí tuệ nhân tạo Việt Nam” – Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy. Ảnh: Anh Tuấn TTXVN

TS Lê Viết Quốc hiện đang làm việc tại Google Brain – một trong những dự án về AI lớn nhất của Google, nổi tiếng với một trong những sản phẩm rất được quen thuộc tại Việt Nam là “Google dịch”. Theo TS Quốc, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính đó là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.

Trong khi đó, TS Nguyễn Việt Cường, đến từ Nhật Bản, hiện đang tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất cần tập trung xây dựng hạ tầng tính toán cho AI tại các trường đại học, thay vì ở một viện nghiên cứu chuyên nghiệp nào đó. “Bởi các trường có thế hệ trẻ, có các sinh viên tài năng để họ có thể làm từ khâu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản cho tới duy trì hạ tầng (một khâu còn thiếu sự quan tâm hiện nay). Như vậy, sau khoảng 4 năm, chúng ta sẽ có nhân lực đảm nhiệm được vấn đề hạ tầng”, TS Cường nhấn mạnh.

Trước câu hỏi đâu là những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển của AI tại Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đặt vấn đề, có rất ít các nhà khoa học thường xuyên chia sẻ tập dữ liệu nghiên cứu của mình cho tất cả các đồng nghiệp. Văn hóa chia sẻ chính là trở ngại, cũng là vấn đề cần cải thiện.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, chúng ta chưa cởi mở đến mức chuyển giao dữ liệu với nhau, chưa nói tới giữa các cơ quan nhà nước; vẫn có tâm lý cạnh tranh với nhau trước khi nói tới hợp lại để cạnh tranh với nước ngoài. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang giải quyết vấn đề này, nhưng đây không chỉ là vấn đề của Chính phủ.

Trở ngại đáng kể khác là kinh phí cho nghiên cứu khoa học. Giáo sư Vũ Hà Văn, Trường Đại học Tổng hợp Yale (Mỹ), cho biết, theo khảo sát của ông, hiện các nguồn kinh phí của Nhà nước dành cho khoa học là rất eo hẹp. Vì vậy, ông đang hợp tác với Tập đoàn Vingroup xây dựng một quỹ hỗ trợ theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa giới khoa học và doanh nhân.

Quỹ sẽ tài trợ cho các đề tài nghiên cứu thực sự có ích cho xã hội, thông qua việc bảo đảm thu nhập cho các nhà khoa học, trang bị máy móc, chi phí cho việc mời chuyên gia nước ngoài. Giáo sư Vũ Hà Văn hy vọng trong vòng 3 năm, mô hình quỹ này có thể tạo ra thay đổi trong đời sống khoa học của Việt Nam.

Tô Hội

BẢN DESKTOP