Y học và đời sống

Hội chứng thận hư

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Hội chứng thận hư thường do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận. Khi bị thương tổn, những mạch máu này không còn đảm nhiệm được vai trò giữ lại chất protein trong máu, thận bài tiết quá nhiều protein vào nước tiểu, áp suất thẩm thấu trong máu giảm, gây ra phù thũng toàn thân.

Nhiều dấu hiệu lâm sàng dễ nhận biết

Hội chứng thận hư (HCTH) đặc trưng bởi protein niệu cao (>3,5g/24h/1,73 m2da), albumin máu giảm, tăng lipid máu và phù. Hội chứng thận hư có thể là nguyên phát (do tổn thương tại cầu thận) hoặc thứ phát do một số bệnh lý như: Sau nhiễm trùng (schistosoma, sốt rét… viêm gan…); Thuốc (penicillamin, phenytoin, vàng, NSAIDs…); Bệnh chuyển hóa (đái tháo đường, amyloid…); Bệnh collagen và bệnh lý miễn dịch (lupus ban đỏ hệ thống, bệnh thấp); Ung thư (lymphoma, đa u tủy xương); Huyết khối tĩnh mạch thận; Bệnh bẩm sinh và di truyền.

Trước 1 bệnh nhân cao tuổi có biểu hiện HCTH cần tìm nguyên nhân thứ phát. Dấu hiệu lâm sàng nhận biết HCTH bao gồm:

Phù: Đây là dấu hiệu điển hình. Phù xuất hiện ở mặt vào sáng sớm, sau đó lan xuống chi dưới, phù tăng vào cuối ngày và khi đứng lâu. Trường hợp nặng có thể phù to toàn thân gây tràn dịch đa màng (tràn dịch ổ bụng, màng phổi, màng tim). Kèm theo với phù là tiểu ít. Các triệu chứng lâm sàng khác như da nhợt, chán ăn, mệt mỏi...

Tăng huyết áp: Là hậu quả của sự giữ muối nước hoặc do sự tăng tiết renin. 50% trường hợp có tăng huyết áp, tùy theo nguyên nhân. Ví dụ, bệnh thận thay đổi tối thiểu thường không có tăng huyết áp, viêm cầu thận màng tăng sinh nguyên phát hoặc thứ phát thường có tăng huyết áp. 
Triệu chứng lâm sàng của bệnh lý gây HCTH thứ phát: Bệnh đái tháo đường trong hội chứng thận hư do đái tháo đường, bệnh hệ thống khác, hoặc triệu chứng của bệnh nguyên phát (bệnh gây nên HCTH)
Nhiều biến chứng nặng

HCTH thường có những biến chứng:

Suy dinh dưỡng: Do ăn uống kém, mất protein và một số chất khác qua nước tiểu.
Nhiễm trùng: Do suy dinh dưỡng, mất imunoglobulin và bổ thể qua nước tiểu. Thường gặp nhiễm trùng đường hô hấp trên, đường tiết niệu, da, viêm phúc mạc.

Tắc mạch: Thường là huyết khối tĩnh mạch sâu tái phát, huyết khối tĩnh mạch thận hoặc tắc động mạch phổi. Nguyên nhân tăng nguy cơ huyết khối ở HCTH là gan tăng tổng hợp các yếu tố đông máu: fibrinogen, yếu tố III, yếu tố VIII. Mất các yếu tố chống đông qua nước tiểu: antithrombin III và protein.

 Bất thường nội mạc mạch máu: Giảm thể tích tuần hoàn, cô đặc máu. Xơ vữa động mạch sớm: Xảy ra do tình trạng tăng lipid máu, chủ yếu gặp ở các trường hợp HCTH tái phát thường xuyên hoặc kháng trị. Giảm thể tích tuần hoàn gây hạ huyết áp tư thế.

Biến chứng do thuốc bao gồm: Thuốc lợi tiểu gây giảm thể tích tuần hoàn, hạ kali máu, hạ natri máu; Thuốc corticoid có thể gây đái tháo đường, đục thủy tinh thể, loét hành tá tràng, nhiễm trùng, bệnh lý xương khớp; Các thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclophosphamid có thể gây viêm bàng quang xuất huyết, rụng tóc, nhiễm trùng, ung thư.
Suy thận cấp: Do giảm thể tích tuần hoàn nặng (do giảm albumin máu nặng hoặc dùng lợi tiểu liều cao), hoặc viêm thận kẽ cấp (do dùng furosemid liều cao).

Bệnh lý xương: Do hạ canxi máu (ăn uống kém vào hoặc mất vitamin D do gắn với globulin qua nước tiểu), bệnh có thể gây cường cận giáp thứ phát.

Thiếu máu: Do suy dinh dưỡng hoặc mất ferritin qua nước tiểu. Một số biến chứng của bệnh nguyên phát
Cách phát hiện bệnh

 Xét nghiệm nước tiểu: Tìm protein niệu, hồng cầu niệu vi thể, tế bào bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa, trụ, định lượng nước tiểu 24h.

 Xét nghiệm máu: Albumin, canxi máu giảm, lipid máu tăng, định lượng creatinin máu.
Tìm nguyên nhân gây HCTH: Đường máu sau ăn và đường máu lúc đói tăng trong bệnh ĐTĐ, định lượng kháng thể kháng ds-DNA trong lupus ban đỏ hệ thống.

Sinh thiết thận: Chỉ định sinh thiết ở trẻ em trong hội chứng thận hư kháng trị, phụ thuộc, tái phát nhiều lần, hoặc hội chứng thận hư có giảm chức năng thận. Ở người lớn, chỉ định sinh thiết rộng rãi để phát hiện nguyên nhân bệnh thận ( chủ yếu loại tổn thương cầu thận) từ đó quyết định cách thức điều trị phù hợp và tiên lượng.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận – Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP