Dữ liệu y khoa

Hội chứng bệnh lý gây thoái hóa cột sống cổ

  • Tác giả : BSCKII Hà Tường
(khoahocdoisong.vn) - Thoái hóa cột sống cổ ngoài do dị tật, quá tải do vận động và trọng lượng... còn có biểu hiện bệnh lý rất đa dạng bao gồm nhiều hội chứng về cột sống và thần kinh.

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, tiến triển chậm, thường gặp ở người lớn tuổi hoặc liên quan đến tư thế vận động sai thường xuyên. Tổn thương của bệnh: Tình trạng thoái hóa sụn khớp hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ, các biểu hiện thưa loãng xương thân đốt sống, gai xương, mỏ xương...

Có thể gặp thoái hóa ở bất kỳ vị trí nào của cột sống cổ nhưng vị trí C5-C6-C7 là thường gặp nhất.

Nguyên nhân là do: Quá trình lão hóa của tổ chức xương, sụn, tế bào và tổ chức khớp và quanh khớp (cơ cạnh cột sống, dây chằng, thần kinh…); Tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của cột sống cổ, làm việc và sinh hoạt sai tư thế như hay cúi gập, xoắn, vặn quá mức khiến cho tổ chức đĩa đệm và đốt sống bị phá hủy...

Biểu hiện thoái hoá cột sống cổ rất đa dạng, thường gồm:

Hội chứng cột sống cổ: Đau, có thể kèm theo co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ cấp hoặc mạn tính; triệu chứng đau tăng lên ở tư thế cổ thẳng hoặc cúi đầu kéo dài, mệt mỏi, căng thẳng, lao động nặng, thay đổi thời tiết đặc biệt bị nhiễm lạnh; có điểm đau cột sống cổ; hạn chế vận động cột sống cổ.

Hội chứng rễ thần kinh cổ: Tùy theo vị trí rễ tổn thương (một bên hoặc cả hai bên) mà đau lan từ cổ xuống tay bên đó. Có thể đau tại vùng gáy, đau quanh khớp vai. Đau sâu trong cơ xương, bệnh nhân có cảm giác nhức nhối; có thể kèm cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay, có thể lan đến các ngón tay. Đau tăng lên khi vận động cột sống cổ ở các tư thế (cúi, ngửa, nghiêng, quay) hoặc khi ho, hắt hơi, ngồi lâu… Có thể kèm theo hiện tượng chóng mặt, yếu cơ hoặc teo cơ tại vai, cánh tay bên tổn thương.

Hội chứng động mạch đốt sống: Nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt thường xảy ra vào buổi sáng; có khi kèm chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt, nuốt vướng; đau tai, lan ra sau tai, đau khi để đầu ở một tư thế nhất định.

Hội chứng ép tủy: Tùy theo mức độ và vị trí tổn thương mà biểu hiện chỉ ở chi trên hoặc cả thân và chi dưới. Dáng đi không vững, đi lại khó khăn; yếu hoặc liệt chi, teo cơ ngọn chi, dị cảm. Tăng phản xạ gân xương.

Biểu hiện khác: Dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc… Tùy theo vị trí cột sống cổ bị tổn thương mà có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời các biểu hiện trên.

Khi có biểu hiện bệnh cần chụp X-quang cột sống cổ thường quy với các tư thế: Thẳng, nghiêng, chếch 3/4 trái và phải. Trên phim X-quang có thể phát hiện các bất thường: Mất đường cong sinh lý, gai xương ở thân đốt sống, giảm chiều cao đốt sống, đĩa đệm, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp…; Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ: phương pháp có giá trị nhất nhằm xác định chính xác vị trí rễ bị chèn ép, vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác (viêm đĩa đệm đốt sống, khối u…); Chụp CT-scan: do hiệu quả chẩn đoán kém chính xác hơn nên chỉ được chỉ định khi không có điều kiện chụp cộng hưởng từ; Điện cơ: giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.

Thoái hóa cột sống cổ sẽ gây biến chứng: Chèn ép thần kinh gây hội chứng vai cánh tay một hoặc hai bên; Chèn ép các động mạch đốt sống gây đau đầu, chóng mặt; Chèn ép tủy: gây yếu, đau tứ chi, đi lại khó khăn hoặc liệt không vận động được.

Phòng bệnh: Có lối sống khoa học như ăn uống, luyện tập, làm việc tốt; Phát hiện và điều trị sớm các dị tật cột sống cổ; Tránh các tư thế cột sống cổ bị quá tải do vận động và trọng lượng, tránh các động tác mạnh đột ngột tại cột sống cổ, nghiêm cấm không xoắn, vặn, bẻ cổ vì sẽ làm tăng phá hủy đĩa đệm và cột sống cổ.

BSCKII Hà Tường (Bệnh viện Phòng không – Không quân)

BSCKII Hà Tường

BẢN DESKTOP