Giáo dục

Học trực tuyến giai đoạn "nước rút": Giữ bình tĩnh, tránh hoang mang

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Học trực tuyến là điều bất khả kháng và chưa biết kéo dài bao lâu. Các em học sinh cuối cấp cần giữ bình tĩnh, ôn tập tốt thì sẽ làm chủ mọi tình huống.

Nhiều tỉnh thành cho học sinh học trực tuyến

Ngày 3/5, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông báo cho học sinh tất cả các cấp dừng đến trường, bắt đầu từ ngày 4/5 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quyết định này được đưa ra trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những ngày vừa qua, nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn, chủ động kiểm soát không để dịch lây lan trong các trường học, các cơ sở giáo dục.

Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các trường tổ chức dạy học trực tuyến qua internet. Riêng giáo dục mầm non thực hiện theo hướng dẫn của Sở tại Công văn số 401/SGDĐT-GDMN ngày 4/2/2021, thường xuyên nắm bắt tình hình sức khoẻ của trẻ và phối hợp, hướng dẫn cha mẹ trẻ về các nội dung chăm sóc, giáo dục cần thiết, phù hợp.

Hiện tại, cả nước có một số tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học phòng dịch trước những diễn biến của dịch Covid-19: Hà Nội, Yên Bái, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đà Nẵng. Trong đó, Vĩnh Phúc, Hà Nam cho học sinh toàn tỉnh dừng đến trường; Yên Bái và Hưng Yên chỉ thực hiện với khu vực nguy cơ cao.

Bình tĩnh, ôn tập tốt sẽ làm chủ mọi tình huống

Việc học trực tuyến đúng thời điểm nhiều trường học sinh chuẩn bị thi học kỳ khiến lịch thi phải dời lại, việc học tập bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, đối với các học sinh cuối cấp, việc học trực tuyến đúng giai đoạn “nước rút” đã gây nhiều lo lắng, hoang mang. Nhiều phụ huynh, học sinh chia sẻ, có tâm trạng lo lắng không chỉ vì phải học trực tuyến sẽ không đảm bảo chất lượng như học bình thường, mà không biết lịch các kỳ thi có thay đổi hay không.

Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho biết, trong mọi hoàn cảnh, cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, một lượng lớn người đi các tỉnh trở lại Hà Nội, nguy cơ về bùng phát dịch theo đánh giá của các chuyên gia là rất cao. Cho nên, việc cho học sinh tạm dừng đến trường trong một thời gian nhất định là rất hợp lý, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thời điểm này, ở nhiều trường, các học sinh đang ôn thi học kỳ, nhưng chương trình cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn ôn củng cố để thi, nên việc chuyển sang học trực tuyến cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Sau khi học trực tuyến, học sinh sẽ tiếp tục trở lại trường, hoàn thành các hoạt động kiểm tra.

Còn ngay cả trong trường hợp học sinh phải nghỉ học kéo dài hơn, Bộ GD&ĐT cũng có các văn bản chỉ đạo về việc dạy học trực tuyến, ví dụ như việc kiểm tra đánh giá, thừa nhận kết quả việc dạy học trực tuyến.

Khi đó, các cơ quan quản lý, các Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn tới các trường để tổ chức các hình thức kiểm tra đánh giá trực tuyến phù hợp, vẫn phản ánh được năng lực học sinh.

Đối với việc các học sinh cuối cấp lo lắng khi kỳ thi đến gần, mà dịch bệnh lại làm mọi thứ xáo trộn, ông Nam chia sẻ, tâm trạng đó là điều không tránh khỏi.

“Tuy nhiên, các em phải thực sự giữ bình tĩnh, không hoang mang  Bởi vì, đây là hoàn cảnh khó khăn chung, chứ không riêng cho một em nào. Chương trình lớp 9 và lớp 12 cho tới thời điểm này cũng đã tương đối hoàn thành, giờ chủ yếu chỉ là ôn thi. Các em cứ ôn tập cho tốt, thì sẽ luôn làm chủ được tình thế, trước mọi điều chỉnh, thay đổi”, ông Nam nói.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, theo khung kế hoạch năm học 2020 - 2021 do Bộ GD&ĐT ban hành, các cơ sở giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2021, kết thúc năm học trước ngày 31/5/2021.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương học sinh không thể đến trường thì có thể áp dụng Thông tư Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Theo thông tư này, các địa phương sẽ chủ động thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh, đảm bảo hoàn thành chương trình và kết thúc thời gian học theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT.

Trong thời điểm kết thúc môn học, tổ chức đánh giá cuối kỳ mà học sinh không thể đến trường vì lý do bất khả kháng thì các trường có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 THPT trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Về việc này, ông Đàm Tiến Nam cho rằng, việc giữ hay bỏ môn thi còn tùy vào tình hình dịch bệnh kéo dài thế nào, giữa nghỉ 1 tuần, nghỉ 2 tuần và nghỉ lâu hơn nữa sẽ khác nhau. Tùy tình hình mà Sở GD&ĐT sẽ có quyết định phù hợp trên tinh thần đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất.

Mai Loan

BẢN DESKTOP