Đời sống

Học sống tuổi già

là chia sẻ của bà Lê Thị Túy, nguyên Giám đốc viện nghiên cứu Thanh niên, nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ thủ đô, chuyên gia tư vấn tâm lý. Không chỉ người trẻ mới phải học cách sống, mà người già cũng rất cần học để sống với tuổi già.

Sợ nhất là không hợp thời

Lớp phóng viên trẻ chúng tôi rất hay gọi điện quấy nhiễu bà. Lúc thì hỏi địa chỉ của chuyên gianày, xin số của nhà tư vấn nọ, khi thì xin bà cho ý kiến về một vấn đề xã hội nào đấy, lúc lại xin phỏng vấn… Bao giờ bà cũng nhiệt tình giúp đỡ hết sức mình.

Với tôi, bà là người tư vấn về đủ mọi việc. Từ chuyện tổ chức bài vở ra làm sao, tìm cộng tác viên thế nào, đến việc học hành của con cái, đến cả việc đối nhân xử thế…

Đã gần 80, nhưng nói chuyện với bà rất thoải mái, không hề có chuyện dạy dỗ, phê phán, áp đặt…mà bao giờ cũng là những tâm sự, chia sẻ, những câu chuyện thường ngày rất giản dị…

Nhà báo, chuyên gia tư vấn Lê Thị Túy

Bà bảo, điều đáng sợ nhất với người già là không hợp thời, không thấy được cái thời mình đang sống là thời nào để thay đổi, lại cứ cho rằng cái thời của mình là nhất còn người trẻ không đáng tin cậy, rồi từ đó khó chịu với con cháu.

Đúng là người già có quyền yêu và tự hào về cái thời của mình, nhưng không nên áp đặt. Rồi thấy bọn trẻ không theo ý mình lại buồn và bất mãn. Đấy là cái tâm lý chung, người già thời nào cũng thế. Vấn đề là phải nhận biết được mình đang sống ở đâu để mà điều chỉnh, thích nghi.

Trong gia đình cũng vậy, mình cứ muốn sống chung để bố mẹ giữ uy quyền, còn con cháu quây quần, phải quan tâm chăm sóc mình, rồi lại muốn con cháu phải thành đạt… Thế là muốn đủ thứ.

Trong khi lối sống công nghiệp đã phá tung tất cả đi rồi. Con đi làm cho công ty nước ngoài mà cứ bắt nó nay phải về quê ăn giỗ, ăn rằm, mai về đám cưới, đám hỏi… thì làm sao mà nó nghỉ được, nghỉ thì có mà sếp nó đuổi việc sớm.

Sống khỏe là nhiệm vụ của người già

Vì vậy, người già tuyệt đối không được lấy mình làm hình mẫu để bắt con cháu phải noi theo, rồi con trẻ không làm theo được lại buồn bực. Phải xác định rằng mỗi thời mỗi khác. Mình đã làm tròn nhiệm vụ của mình rồi, giờ đến lượt thế hệ các con lo cho con cái nó.

Còn nhiệm vụ của mình giờ là phải lo cho cái thân mình, phải tìm hiểu cơ thể mình đau ở đâu, yếu ở đâu, phải đọc sách, nghiên cứu, nghe tư vấn để biết ăn gì, tập gì để giữ gìn sức khỏe. Sống khỏe mạnh, không ốm đau để con cái đỡ vất vả là nhiệm vụ của người già.

Ai còn sức khỏe thì tiếp tục làm việc, đóng góp cho xã hội. Rảnh rỗi thì đến chơi với nhau, gặp gỡ, trò chuyện, cùng đi du lịch cho vui vẻ. Nếu được nữa thì tham gia làm các công việc từ thiện, chứ đừng cản trở con cháu.

Từ khi ông mất, bà chuyển lên căn hộ chung cư để gần nhà con trai. Bà kể, sự cô đơn khi thiếu vắng ông, sự thay đổi về nơi ở, nhiều khi nhớ căn nhà cũ vô cùng, nhưng làm sao về lại được nữa… Những sự thay đổi đó, nỗi cô đơn đó thực sự là một cuộc chiến đấu mà mình phải vươn lên, không thể chìm đắm trong buồn nhớ, mà phải thích nghi, phải biết chấp nhận. Dù điều đó không phải dễ.

Với con cái cũng vậy. Người già cứ muốn con cái chăm sóc mình như ngày xưa mình chăm sóc nó vậy. Nhưng làm sao được. Thử hỏi mình có chăm sóc được bố mẹ mình như thế không. Vì vậy phải hiểu để không buồn, không suy diễn.

Không chỉ trẻ con mới phải học để sống, người già cũng cần học để sống với tuổi già.

                                                                                                     Tuệ Minh

BẢN DESKTOP