Gần đây, một số tỉnh, thành đã triển khai hoặc đang lấy ý kiến cho học sinh cấp trung học nghỉ học ngày thứ 7 như: Lào Cai, Lai Châu, Khánh Hoà, Hà Tĩnh...Chủ trương này không mới, nhưng đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều phụ huynh mong muốn con được nghỉ trọn vẹn ngày thứ 7 để được nghỉ ngơi, vui chơi. Ảnh: Quang Vinh/daidaonket.vn |
Học sinh ủng hộ, nhiều phụ huynh phản đối
Tại Hà Nội, việc nghỉ học thứ 7 được áp dụng với phần lớn các trường tư thục và trường THCS chất lượng cao. Ở khối công lập, hai trường áp dụng chính sách này là Trường THPT Phan Huy Chú và Trường THPT Yên Hòa.
Đa số các học sinh đều ủng hộ việc được nghỉ học ngày thứ 7 nhằm giảm tải chương trình cũng như có thêm thời gian nghỉ ngơi. Không chỉ học sinh, có nhiều phụ huynh cũng mong muốn các con có thêm thời gian ôn luyện tại nhà. Anh Nguyễn Tuấn Lợi - phụ huynh có con học lớp 1 tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nêu quan điểm: "Các con đã học cả tuần từ thứ 2 đến thứ 6, nên có một thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn vào thứ 7 và chủ nhật".
Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh phản đối chủ trương nghỉ học ngày thứ 7 này. Chị Đặng Thuỳ Linh - phụ huynh có con học lớp 4 tại quận Long Biên (Hà Nội) lại cho rằng: "Nhiều phụ huynh đi làm cả ngày thứ 7, nếu để các con ở nhà một mình mà không có ai quản lý sẽ mải chơi điện thoại hoặc không biết con làm gì nên chúng tôi rất lo ngại".
Học sinh nghỉ ngày thứ 7 trùng với lịch nghỉ ngơi sinh hoạt của gia đình, là điều tốt, cần khuyến khích. Thế nhưng thực tế điều kiện và hoạt động ngành Giáo dục hiện có những đặc thù, không phải tất cả đều áp dụng được.
Từ năm 1999, khi Chính phủ quy định chế độ làm việc 40 giờ, Thông tư 36/1999/TT-BGD đã nhấn mạnh: Ngành Giáo dục thực hiện chế độ tuần làm việc theo quy định của Chính phủ, nhưng do đặc điểm lao động sư phạm và các điều kiện thực tế khác, việc thực hiện chế độ làm việc trong 5 ngày, nghỉ thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần chưa thể tiến hành đồng loạt. Cần làm từng bước, có phương án riêng cho từng cấp, bậc học, tính tới điều kiện cụ thể của địa phương, trường cao đẳng và đại học.
Điều kiện tổ chức dạy học của các nhà trường ở địa phương hiện không giống nhau, có nơi dạy học 2 buổi/ngày, nhưng nhiều nơi vẫn duy trì học 1 buổi/ngày ở cấp trung học. Theo Chương trình GDPT 2018, số tiết học trung bình một tuần với THCS và THPT là 29 - 29,5, chưa gồm các môn tự chọn.
Hướng dẫn về việc dạy học 2 buổi/ngày với cấp trung học của Bộ lưu ý, nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với cấp THCS, 5 tiết với THPT; buổi chiều tối đa 3 tiết và một tuần không quá 6 ngày học, áp dụng cả hai cấp. Số tiết tối đa một tuần của học sinh THCS là 42, THPT 48.
Như vậy, chiếu theo quy định về thời lượng thực hiện chương trình, chỉ những trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày mới có thể xem xét triển khai nghỉ học ngày thứ 7, còn trường dạy 1 buổi/ngày khó thể chạy hết chương trình trong 5 buổi/tuần, mỗi buổi tối đa 5 tiết.
Ngay cả những trường đã tổ chức được dạy học 2 buổi/ngày, đặc biệt ở các đô thị lớn, việc điều phối phòng học, sắp xếp thời khóa biểu cũng rất khó khăn. Để có thể dạy học 2 buổi/ngày, nhiều trường phải cơi nới cải tạo phòng học, áp dụng mô hình lớp học “động” (một phòng học có thể 2 - 3 lớp học)…, nhưng vẫn cần một buổi ngày thứ 7 mới giải quyết được chương trình.
Trước đó, Nghệ An từng lấy ý kiến nhà giáo, nhà quản lý về chính sách tương tự. Xung quanh việc này dư luận có khá nhiều ý kiến trái chiều.
Số ủng hộ cho rằng, nghỉ học ngày thứ 7 là cần thiết, để học sinh được giảm tải, nghỉ ngơi trọn vẹn hai ngày cuối tuần cùng gia đình. Số khác thì phản ứng với lý do nếu nghỉ ngày thứ 7, học sinh chỉ 5 ngày học/tuần nhưng mỗi ngày có thể phải tăng tiết, cũng không thể gọi giảm áp lực. Đó là chưa kể nếu được nghỉ học thứ 7, rất có thể các em sẽ phải đi học thêm, gia đình thêm nặng gánh.
Một số phụ huynh cho rằng, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm để học sinh được nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần.
Không thể thực hiện một cách duy ý chí
Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam chia sẻ, để giải quyết vấn đề này cần căn cứ vào phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT quy định tổng số tiết dạy/tuần để nhà trường thực hiện. Nếu co lại thời khóa biểu để học sinh nghỉ thứ 7, giáo viên các bộ môn phải tính toán và cơ cấu lại thời lượng, tiết dạy mỗi môn.
Việc triển khai 2 buổi/ngày và 5 ngày/ tuần liên quan đến cơ sở vật chất, số phòng học, đội ngũ giáo viên... Thế nên, những trường cho học sinh nghỉ học thứ 7, cần sắp xếp thời khoá biểu, thực hiện dạy học đảm bảo đúng yêu cầu... Việc nghỉ học thứ 7 cần nhìn nhận phù hợp đến từng độ tuổi, trong đó khối học sinh cấp 3, các em đã lớn có thể làm chủ thời gian của bản thân thì việc này nên được khuyến khích. Các em có thêm một ngày thứ 7 để học các môn năng khiếu, tham gia các hoạt động ngoại khoá, định hướng nghề nghiệp chứ không chỉ là học văn hóa trên lớp. Bên cạnh đó giáo viên cũng có thêm một ngày để bồi dưỡng chuyên môn. Nếu đúng tinh thần này thì nên cho học sinh nghỉ thứ 7. Mỗi nhà trường cần tính toán kỹ các phương án phù hợp với khung của Bộ GD&ĐT chứ không phải muốn là được...
Như vậy, cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7 là việc đáng thực hiện, song trong điều kiện trường lớp, đội ngũ hiện nay, khung chương tình của Bộ GD&ĐT... mô hình này chưa thể áp dụng đại trà, thực hiện một cách duy ý chí. Áp dụng chính sách này ở cấp trung học cũng cần xem xét kỹ lưỡng, đúng tinh thần và thực hiện linh hoạt, dựa trên điều kiện thực tiễn và do nhà trường, địa phương quyết định.