Giáo dục

Học sinh đứng ngoài cổng trường: Nhiều cái sai cần rút kinh nghiệm

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Qua sự việc học sinh đứng ngoài cổng trường, nhiều cái sai cần rút kinh nghiệm, không chỉ với trường xảy ra sự việc.

Lộ clip được cho là mẹ học sinh dàn dựng sự việc

Liên quan đến vụ việc học sinh lớp 1, trường Tiểu học Quang Trung (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) phải ra cổng trường đứng giữa tiết trời nắng nóng, mới đây, trên facebook bà M.M., phụ huynh học sinh này bất ngờ đăng nguồn gốc bức ảnh là do bà đưa con ra cổng trường rồi chụp ảnh.

Bà M.M. đã viết: “Ngày 20/5, tôi có chở con đến trường học vào đến sân trường. Cháu nói, mẹ ơi không được đứng đây đâu. Con có nói mẹ cho con ra ngoài đứng chờ nên tôi cho cháu ra cổng trường để chờ giờ vào lớp. Tôi vẫn hay có thói quen chụp ảnh cháu mỗi khi đi học. Khi cháu đứng vào đó đợi, trong lòng tôi bức xúc và thấy ngày nào con cũng đứng đây để chờ giờ vào lớp sẽ không ổn nên tôi đã cho cháu về nhờ người để chở cháu đi đúng quy định của nhà trường. Còn về phía nhà trường không hề biết sự việc này và cô giáo chủ nhiệm không đuổi con ra cổng như những lời mọi người đã bình luận. Cô chỉ nghiêm cấm không được vào lớp trước 1 giờ 30 mà thôi…”.

Bà M.M. cũng “cúi xin cộng đồng mạng đừng chia sẻ việc này và xin chấm dứt ở đây để mẹ con cháu bình yên sống qua ngày”.

Và trong đêm 24/5, mạng xã hội lan truyền clip được cho là trích xuất từ camera của một nhà dân ở vị trí đối diện trường Tiểu học Quang Trung (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng).

Trong clip có cảnh một phụ nữ mặc áo chống nắng màu tím, quần cam, đi xe máy (được cho là phụ huynh của cháu bé đã đứng ngoài cổng trường) chở theo cháu bé.

Trang phục của bé gái đúng như hình ảnh mẹ cháu đưa lên mạng xã hội trước đó.

Sau khi chở con vào trong trường, người phụ nữ chở con ra ngoài cổng trường. Người này dựng xe máy, dắt bé gái đến đứng trước cổng trường rồi chụp ảnh. Sau đó, người phụ nữ cùng bé gái lên xe, quay đầu xe để đi.

Tại thời điểm đó, các học sinh xuất hiện trong camera, hoặc là tự đi, hoặc do phụ huynh chở vẫn đi vào trong trường, không có bất kỳ học sinh nào phải đứng ở ngoài cổng trường.

Sự xuất hiện của clip này đã một lần nữa khiến sự việc lại đươc khuấy lên. Và thay vì bày tỏ sự phẫn nộ với giáo viên, nhà trường như trước đó, nhiều ý kiến lại xoay qua chỉ trích bà mẹ đã dùng con làm “phương tiện” để thể hiện sự bất bình của mình với giáo viên.

Cô giáo sai và phụ huynh cũng sai

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vụ việc, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, có mấy vấn đề cần bàn tới trong vụ việc này.

Thứ nhất, về lỗi của cô giáo. Cô giáo có lỗi khi đã đăng ảnh học sinh lên nhóm lớp Zalo và phê bình về chuyện các em đi học sớm. Điều này có hai cái sai. Cái sai đầu tiên là theo Luật Trẻ em. Theo luật này, cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Như vậy, khi cô giáo đăng ảnh các em lên nhóm lớp mà chưa có sự đồng ý của cha mẹ các em là cô giáo sai.

Cái sai thứ hai là về nguyên tắc giáo dục. Zalo hay các group, nhóm lớp chỉ là nơi thông tin những công việc chung, mọi người đều biết. Nếu có phê bình thì chỉ nhắc chung, ví dụ, hôm nay vẫn còn một số em đi sớm, không học bài…

Còn đối với những sai sót của học sinh thì phải tế nhị, vì đó là chuyện riêng tư. Nhiều nước làm rất chặt chẽ việc này. Ngay cả điểm của học sinh cũng chỉ học sinh và phụ huynh được biết chứ không công khai cả lớp. Ở mình, nhiều cuộc họp phụ huynh, giáo viên phê bình đích danh học sinh, như vậy là không đúng. Thay vào đó, phải gọi riêng, gặp lần lượt từng phụ huynh sau cuộc họp.

Thứ hai, đứng từ phía nhà trường, thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc. Và khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng là người đầu tiên phải nhận lỗi, chứ không thể tựa như vô can. Từ đó, xem xét, kiểm điểm, rút kinh nghiệm để không xảy ra những sự cố tương tự.

Ví dụ, cần phải có phòng chờ cho những học sinh đi học sớm, không bán trú. Có thể sẽ có những khó khăn, tuy nhiên, với vai trò và trách nhiệm của mình, nhà trường phải tìm cách giải quyết ổn thỏa.

Đối với giáo viên chủ nhiệm, cần phải sâu sát hơn nữa trong việc nắm bắt hoàn cảnh các em học sinh. Không được dùng quyền của một giáo viên, áp quy định rồi bắt phụ huynh phải tuân theo, bất chấp mọi lý do, hoàn cảnh của phụ huynh. Làm như vậy, là giáo viên mới chỉ nghĩ tới việc làm sao “tiện” cho mình, sao cho dễ thực hiện được nội quy của nhà trường, mà chưa trên cơ sở vì học sinh.

Thứ ba, về phía phụ huynh, khi có bất kỳ vướng mắc nào thì cần trao đổi với nhà trường. Trong trường hợp phụ huynh dàn dựng clip để nói không đúng sự thật, thì phụ huynh này rất sai, và sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm sai này của mình.

“Nhiều cái sai qua sự việc này cần phải rút kinh nghiệm, không chỉ với trường ở Hải Phòng, nơi xảy ra sự việc, mà ở tất cả các trường”, ông Lâm nói.

Cô giáo Lê Huyền, Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh, Hà Nội cho biết, ở học sinh trong trường, nếu đến sớm trước giờ học, đều được cho vào trường. Đích thân thầy hiệu trưởng đến sớm, theo dõi sát sao việc này. Còn về việc giáo viên đăng ảnh học sinh phê bình trên Zalo, trường cô cũng “quán triệt” giáo viên, sẽ chỉ nhắc chung, chứ không chỉ đích danh học sinh.
Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP