Giáo dục

Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Lợi hay hại?

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Xung quanh việc có nên/cần cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, các thầy cô giáo đã có những ý kiến trái chiều, trong đó, nhiều thầy cô giáo cho biết sẽ không dùng đến quyền mà Bộ GD&ĐT trao cho.

“Bộ trao quyền, tôi cũng không sử dụng quyền đó”

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT - BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Trong đó, tại điều 37, Thông tư 32, ở mục “các hành vi học sinh không được làm” quy định, một trong những hành vi mà học sinh không được làm đó là: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Vậy, việc sử dụng điện thoại di động trong lớp có cần thiết hay không? Giáo viên sẽ sử dụng quyền của mình thế nào theo quy định thông tư mới của Bộ GD&ĐT?

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, ý kiến của các thầy cô giáo chia ra làm 3 luồng: Một, là sẽ không bao giờ cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp; hai, là tán thành; ba là tùy vào hoàn cảnh, điều kiện mà cho học sinh sử dụng.

Một cô giáo ở Hà Nội cho biết, cô sẽ không bao giờ cho phép học sinh của mình sử dụng điện thoại. Hơn 20 năm trong nghề giáo và cũng là giáo viên chủ nhiệm, cô thấy, việc học sinh dùng điện thoại trong lớp sẽ gây ra nhiều tác hại, trong khi đó, cái lợi thì chưa nhìn thấy. Nếu nói rằng, dùng điện thoại di động để tra cứu thông tin, thì việc này học sinh có thể làm ở nhà, thầy cô giáo có thể giao bài cho học sinh và các em làm dưới sự giám sát của cha mẹ.

Ý kiến của cô giáo này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều giáo viên khác. Theo các giáo viên này, ở trên lớp, thời gian rất ít, nên chỉ cần có đủ máy tính, máy chiếu và mạng để phục vụ việc dạy và học tại lớp là ổn rồi. Còn việc tra cứu thông tin thì học sinh thực hiện tại nhà.

Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại sẽ khiến các em thụ động, không chịu suy nghĩ, tư duy sáng tạo. Đặc biệt, là các em sẽ dùng điện thoại để làm việc riêng.

“Giờ cấm mà các em vẫn còn lén lút dùng, vậy nếu được giáo viên cho phép, không biết các em sẽ còn như thế nào? Với một lớp học 50 học sinh, mà ý thức các em không tốt thì giáo viên có 3 đầu 6 tay cũng không quản lý, quan sát được hết các em. Cho nên, kể cả Bộ có trao quyền cho giáo viên, thì tôi cũng không bao giờ sử dụng đến quyền đó”, một cô giáo ở Vĩnh Phúc chia sẻ.

Tại cuộc họp phụ huynh của Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) ngày 24/9 vừa qua, phụ huynh cũng được phổ biến là các con không được dùng điện thoại di động trong lớp. Và phụ huynh cần hạn chế tối đa cho con sử dụng điện thoại thông minh để phòng tránh những hệ lụy.

Cần nhiều điều kiện để học sinh có thể sử dụng điện thoại trong lớp

Từng có kinh nghiệm từ mấy năm tổ chức thực nghiệm việc sử dụng điện thoại thông minh trong học toán ở trường THCS và THPT, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ GD&ĐT) cho biết, việc giáo viên quyết định cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học không hề dễ dàng.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

Trong các giờ thực nghiệm mà bà thiết kế hoạt động phải sử dụng điện thoại, điện thoại có cài app để hỗ trợ việc học... thế nhưng với điều kiện cả giáo viên và học sinh đều phải tuân thủ nội quy chặt chẽ.

Quan trọng nhất, là học sinh trong các giờ học đó, có tâm thế tự học khá cao, các em được hướng dẫn và làm quen với điện thoại, để nó trở thành phương tiện học tập. Còn giáo viên thì phải được huấn luyện rất kỹ càng.

Có nhiều yêu cầu được đặt ra và bắt buộc phải đạt được, lấy đó làm cơ sở để giáo viên "cho phép" học sinh dùng điện thoại trong giờ học. Tuy nhiên, cần có một số điều kiện nổi bật sau:

Thứ nhất, là Có nội dung bài học phải dùng điện thoại. Điều này có nghĩa là nếu "không cần dùng điện thoại thì nhất quyết đừng cho dùng".

Thứ hai, phải Có khả năng kiểm soát an toàn thông tin, nghĩa là các học sinh và giáo viên đều thành thạo an ninh mạng, tuân thủ và được giám sát khi nhà trường đầu tư hạ tầng tốt. Điều này là cực kỳ quan trọng. 

Việc này không hề đơn giản và dễ tiến hành. Nó là một quá trình rèn giũa hành vi, thói quen, đồng thời là sự tuân thủ nghiêm ngặt các nội quy, trách nhiệm. Người giáo viên không những có thể tạo ra bài học "phải dùng công nghệ" mà còn đảm bảo được những tình huống phát sinh.

Thứ ba, là có điện thoại an toàn, đồng bộ. Nghĩa là, trong một lớp học, em có/em không có điện thoại mà lại tổ chức dùng thì không ổn. Đồng thời, các app được cài đặt phải đồng bộ. Vì chỉ cần sự khác biệt giữa các nền tảng, cho ra những kết quả khác nhau, gây tranh cãi thì việc đi giải quyết nó còn nhọc hơn việc làm không dùng nó.

Và nếu chỉ để tra cứu thông tin thì không nên dùng điện thoại. Trong học tập, thử thách Nhớ, Kết nối thông tin đáng để trải nghiệm. Còn những thông tin phạm vi rộng, thì có thể tự do đọc, tìm kiếm ngoài giờ học, nó không cần thiết phải làm trong giờ.

Đặc biệt, bà Thơ nhấn mạnh, cần nhất là sự đầu tư nội dung để điện thoại có thể khai thác. Công nghệ phát triển khiến "lớp học phải thông minh", nhưng chúng ta đang phải đối mặt với "sự thông minh trống rỗng", khi kho dữ liệu dùng cho giảng dạy không hề được đầu tư. Từ nội dung bài học, hoạt động đến các sản phẩm để giáo viên, học sinh khai thác có bao nhiêu thí nghiệm ảo đã được thiết kế, nghiệm thu? Có bao trích đoạn tư liệu để có thể làm tình huống trong giờ Văn, giờ Sử? Có bao nhiêu tình huống toán học được minh họa, được thiết kế lại với sự hỗ trợ của công nghệ...? Có bao nhiêu ngân hàng các câu hỏi? Bao nhiêu chương trình dạy học được xây dựng...?

Sẽ xử lý học sinh dùng điện thoại nếu không được sự cho phép của thầy cô

Đứng từ góc độ quản lý, đồng thời cũng là một giáo viên, thầy giáo Bùi Gia Nội, Hiệu trưởng Trường PT chất lượng cao Hùng Vương, Phú Thọ cho biết, ông đồng tình với quan điểm cho học sinh sử dụng điện thoại có điều kiện trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

Thầy giáo Bùi Gia Nội.

Thầy giáo Bùi Gia Nội.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, ông Nội cho biết, theo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, việc sử dụng điện thoại trong giờ học là theo sự cho phép và quản lý của thầy cô bộ môn, áp dụng tùy theo nội dung của môn học. Mục đích thông tư 32 là tạo hành lang pháp lý cho các thầy cô trong việc cho phép học sinh sử dụng, khai thác nội dung bài học thông qua điện thoại thông minh.

Việc các em sử dụng điện thoại theo sự cho phép và hướng dẫn của thầy cô là hoàn toàn kiểm soát được. Việc sử dụng điện thoại để tra cứu, tìm hiểu và bổ sung kiến thức hoàn toàn phù hợp với xu hướng tự chủ nội dung giảng dạy của giáo viên và nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Ông Nội cho biết, ở vai trò quản lý nhà trường, ông đồng ý nếu thầy cô bộ môn cho phép và quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong các giờ học nhằm mục đích học tập.

Tuy nhiên, nếu trong giờ học, học sinh sử dụng điện thoại không có sự tổ chức quản lý và cho phép của thầy cô thì bị coi là vi phạm nội quy của nhà trường và sẽ bị xử lý.

Thầy giáo Lê Thanh Bình (Tổ trưởng tổ Tin, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) cho biết, việc quyết định có nên cho phép học sinh có được dùng điện thoại hay không phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của học sinh. Nếu học sinh có tính tự giác cao, thì điện thoại mang lại nhiều lợi ích. Bản thân ông, ông cũng nói với học sinh, cái gì không cần phải nhớ thì các em không phải nhớ, mà có thể tra trên mạng. Tuy nhiên, đây là đối tượng học sinh chuyên, có ý thức học tập và tính tự giác cao.

Nếu cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp, đương nhiên giáo viên sẽ vất vả hơn trong việc kiểm soát học sinh. Nói rằng giáo viên sâu sát thì sẽ quản lý được, tuy nhiên việc này cũng không dễ dàng, nhất là với lớp đông, ý thức chưa cao, và giáo viên cũng còn phải tập trung vào bài giảng. Tuy nhiên, thông tư này của Bộ rất mở. Nếu giáo viên thấy không có thể quản lý được học sinh thì không cho học sinh dùng, điều đó cũng không hề vi phạm quy định.

Mai Loan

BẢN DESKTOP